Với trách nhiệm công dân, nhiều năm qua, giới họa sĩ đã tích cực sáng tác, đồng hành với sự nghiệp bảo vệ môi trường. Hiện nay, loại hình tranh cổ động với chức năng giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường là thế mạnh của mỹ thuật. Ưu thế của tranh mỹ thuật là có thể in nhân bản, chi phí phổ biến thấp, phù hợp đặt ở nhiều vị trí khác nhau... Tranh cổ động có thể xem là một phần của nghệ thuật công cộng nếu hiểu theo nghĩa rộng là bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào ở ngoài trời. Nhiều loại hình tác phẩm, với chất liệu khác nhau đặt ở vị trí công cộng, cũng có thể góp sức bảo vệ môi trường và hiệu quả tuyên truyền có khi còn lớn hơn tranh cổ động.

        Tác phẩm “Mây biến thể” trưng bày trên hồ Tịnh Tâm (TP Huế). Ảnh: TRẦN TUẤN.

Cách đây 10 năm, họa sĩ Trần Tuấn (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã thực hiện tác phẩm “Mây biến thể” ở hồ Tịnh Tâm (TP Huế)-một trong 20 cảnh đẹp đất cố đô. Thời điểm này, rác và nước thải từ nhiều hệ thống cống rãnh xả vào khiến hồ bị ô nhiễm nặng, giống sen đặc chủng hồ Tịnh Tâm không sống nổi. Chính quyền TP Huế đã có ý định cải tạo môi trường cảnh quan từ trước, nhưng vì nhiều lý do chưa thể khởi động. Dưới sự trợ giúp của nhiều tổ chức, cá nhân (đặc biệt là Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế), họa sĩ Trần Tuấn đã trưng bày khối điêu khắc có kích thước 15m x 6m x 4m với chất liệu là vỏ lon bia lật ngược mặt mang tên “Mây biến thể”. Tác phẩm có hình dạng như một đám mây đang dần dần chuyển sang hình dáng sinh vật kỳ dị. Ý đồ nghệ thuật là gợi đến sự biến đổi từ vẻ đẹp và lãng mạn của đám mây thành hình dạng sinh vật chứa đựng những mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Sự ra đời của tác phẩm “Mây biến thể” đã thúc đẩy chính quyền quyết tâm hành động khẩn trương làm sạch hồ Tịnh Tâm. Kết quả là hồ đã trở lại trong lành, những đóa sen lại tiếp tục khoe sắc. Để có thể đưa tác phẩm ra trưng bày tại hiện trường, họa sĩ Trần Tuấn mất không ít thời gian để thuyết phục cơ quan quản lý đồng ý cấp phép. Họa sĩ Trần Tuấn cho biết: “Tôi thực hiện tác phẩm với mong muốn thúc đẩy không chỉ các cơ quan chức năng sớm làm sạch hồ mà còn khơi dậy trách nhiệm của cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường”.

Sau đó, một số tác phẩm nghệ thuật công cộng của nhiều nghệ sĩ với mục đích kêu gọi bảo vệ môi trường sinh thái được thi công tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Bình Định... Bên cạnh nội dung sâu sắc, thiết thực, điểm đáng chú ý là vật liệu của tác phẩm đều có thể tái chế, nâng cao “lối sống xanh” trong cộng đồng.

Từ sau khi xảy ra một số sự cố môi trường lớn, nhiều văn nghệ sĩ bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị kích động lợi dụng danh nghĩa bảo vệ môi trường để sáng tác một số tác phẩm có động cơ không trong sáng; trong đó có không ít bức tranh, tượng, tác phẩm sắp đặt, trình diễn thuộc giới mỹ thuật. Rất may, chính quyền một số nơi như quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) không đánh đồng, biết phân biệt tác phẩm nghệ thuật công cộng đích thực khơi dậy ý thức cải tạo môi trường xanh, sạch, đẹp. Cho nên, quận Hoàn Kiếm đã tạo điều kiện để nhóm họa sĩ thực hiện dự án nghệ thuật công cộng ở phường Phúc Tân. Kết quả, từ sau khi dự án được khánh thành, khu vực trước đây có cảnh quan không đẹp, ùn ứ rác đã “thay da đổi thịt”. Quan trọng nhất là người dân đã trân trọng các tác phẩm nghệ thuật công cộng, chung tay gìn giữ môi trường, vệ sinh chung.

Còn rất nhiều cách để tận dụng ưu thế của nghệ thuật công cộng nhằm bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, đặt tác phẩm nghệ thuật công cộng tại nhà đón tiếp, trạm dừng nghỉ ở các vườn quốc gia, danh lam thắng cảnh... tạo hiệu ứng rộng khắp. Nếu chính quyền, cơ quan quản lý có tầm nhìn, tin rằng những họa sĩ chân chính sẽ nhiệt tình sáng tạo để chung tay giữ môi trường mãi xanh.

MỘC LAN