Nhiều thách thức trong gìn giữ bản sắc văn hóa

Phần lớn dân cư sinh sống trên khu vực miền núi, biên giới tỉnh Nghệ An thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó các dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu có tỷ lệ cao. Nhiều dân tộc sinh sống đan xen đã tạo cho khu vực miền núi phía Tây Nghệ An sự đa dạng về văn hóa, với nhiều ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán đặc sắc. Trải qua quá trình dài của lịch sử, đồng bào các dân tộc trên địa bàn luôn đoàn kết, chung sức bảo vệ, xây dựng vùng đất biên cương, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp. Cùng với những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn đã không ngừng được nâng lên về mọi mặt. Bên cạnh những đổi thay tích cực, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở miền núi, biên giới tỉnh Nghệ An cũng đang đối diện với những thách thức không nhỏ trong gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

leftcenterrightdel

    Đồng bào dân tộc Thái ở xã Thông Thụ, huyện Quế Phong trình diễn nghệ thuật “khắc luống”. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó phải kể đến tác động của mặt trái thời kỳ bùng nổ thông tin. Bên cạnh đó, việc dịch chuyển lao động từ vùng cao, biên giới về đồng bằng, thành phố và các khu vực khác để tìm việc làm cũng tác động không nhỏ đến việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người dân ở Tây Nghệ An trong quá trình tìm việc làm ở các địa phương khác đã bị các đối tượng xấu tuyên truyền tin theo tà đạo, đạo lạ. Sau khi trở về quê, họ mê muội từ bỏ phong tục tập quán lâu đời của dân tộc mình. Nguy hại hơn, còn có những đối tượng tìm cách lôi kéo người dân địa phương đi theo những thứ văn hóa lai căng, biến tướng. 

Góp sức bảo vệ, phát huy văn hóa của đồng bào

Trong suốt quá trình dài, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Nghệ An được đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới yêu thương, đùm bọc, hỗ trợ để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Bằng tấm lòng tri ân, tinh thần trách nhiệm, những người lính mang quân hàm xanh luôn trăn trở làm sao để nhân dân nâng cao cuộc sống, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp.

Bám sát địa bàn, các đơn vị, đồn Biên phòng của BĐBP tỉnh Nghệ An đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP còn có nhiều cách làm hay góp sức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới.

leftcenterrightdel

Cán bộ Đồn Biên phòng Thông Thụ, BĐBP tỉnh Nghệ An và nhân dân địa phương nhảy sạp.

Những năm gần đây, BĐBP tỉnh Nghệ An đã tổ chức Chương trình “Cán bộ, chiến sĩ BĐBP học tiếng dân tộc” trên diện rộng, có hiệu quả. Việc tổ chức cho bộ đội học tiếng dân tộc góp phần gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào trên địa bàn, đồng thời giúp bộ đội có thể giao tiếp với nhân dân bằng chính ngôn ngữ của bà con. Thông qua đó phục vụ tốt hơn cho công tác bảo vệ biên giới, đồng thời hiểu rõ hơn phong tục tập quán, những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trung tá Nguyễn Văn Thưởng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhôn Mai, BĐBP tỉnh Nghệ An cho biết: “Cùng với nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống, đơn vị cũng phối hợp với các ban, ngành, địa phương có biện pháp bảo vệ, gìn giữ những nét văn hóa tốt đẹp của đồng bào. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập các câu lạc bộ  “Bảo tồn và phát huy dân ca - dân vũ” của đồng bào dân tộc Thái. Thông qua đó, bà con rất hào hứng luyện tập, biểu diễn các nội dung như đánh cồng chiêng, thổi sáo, nhảy sạp, khắc luống…".

Có thể khẳng định, bằng những hoạt động ý nghĩa, BĐBP tỉnh Nghệ An đang thiết thực góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực biên giới.

VIẾT LAM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.