Từ mồng 3 đến ngày mồng 5 tháng Giêng đã có gần 13 vạn du khách đã đến dâng hương, vãn cảnh chùa. Ngay từ sáng sớm ngày mồng 6, hàng nghìn du khách thập phương đã đến với quần thể di tích chùa Hương. Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) TP Hà Nội, Phó trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương, trụ trì chùa Hương, đã có những chia sẻ với chúng tôi về lễ hội chùa Hương năm nay, văn hóa, văn minh trong lễ hội. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 |
Thượng tọa Thích Minh Hiền. |
Phóng viên (PV): Xin Thượng tọa giới thiệu sơ qua một số nét mới về Lễ hội chùa Hương năm nay?
Thượng tọa Thích Minh HIền: Quần thể thắng cảnh chùa Hương bao gồm các đền, chùa, hang động nằm rải rác ở 4 thôn; Yến Vĩ, Đục Khê, Hội Xá và Phú Yên thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Ngày mồng 6 tháng Giêng hằng năm là ngày khai hội chùa Hương. Ngày này vốn là ngày mở cửa rừng của người dân địa phương. Lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng mùa xuân.
Sáng nay, bắt đầu Lễ khai hội chùa Hương với những chương trình ca múa nhạc, văn nghệ, niêm hương kỳ nguyện cho quốc thái dân an… Đặc biệt, nét mới đáng lưu ý là năm nay, Lễ hội Chùa Hương có thêm phần triển lãm nhiếp ảnh “Chùa Hương xưa – nay” được khai mạc vào đúng ngày khai hội. Triển lãm trưng bày 182 bức ảnh về chùa Hương, được chụp từ năm 1927 đến nay. Những bức ảnh này nằm trong bộ ảnh là kỳ công của Chư tăng, phật tử nhà chùa trong nhiều năm qua, trong đó có nhiều bức ảnh có giá trị lịch sử. Đây là lần ra mắt đầu tiên về nhiếp ảnh chùa Hương xưa, nay, là nét đẹp và cũng góp phần nghiên cứu lịch sử.
PV: Thưa thượng tọa đi lễ chùa, vãn cảnh chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống đẹp từ thời cha ông ta để lại. Với chủ đề “Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch”, ban tổ chức chùa Hương mong muốn điều gì từ du khách?
Thượng tọa Thích Minh Hiền: Chủ đề “Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch” được đề ra với mong muốn mỗi người đi chùa Hương làm sao giữ được vẻ thanh lịch, văn minh, những quy định của chính phủ, của ban tổ chức với mỗi du khách khi du khách hành hương trẩy hội, bắt đầu từ nhà mình, bước chân lên xe, các quy định mua vé… bà con đừng làm trái. Chủ đề “Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch” thực ra đã được ban tổ chức duy trì vài năm nay để lễ hội chùa Hương giữ vị trí xứng đáng đang có là điều quan trọng nhất.
 |
Quang cảnh khai hội chùa Hương. |
Đối với tăng ni, phật tử với ai đi đạo Phật đi lễ chùa đầu năm chỉ cần đơn giản, để tránh những điều không cần thiết. Chỉ cần thanh bông, hoa quả, lễ đơn giản, cúng giàng lên tam bảo, lên tứ sự lấy 4 điều là ẩm thực, y phục, thuốc men, sàng tọa để cúng giàng trên tăng, trên tiền vạn lục chính trụ sứ. Đây là những điều mà phật tử ai cũng biết. Nếu bà con chỉ đi du xuân, thưởng ngoạn cũng phải hiểu một chút, biết một chút về nghi lễ của đạo phật, để tránh nhầm lẫn về nghi lễ của bên tứ phủ, tín ngưỡng dân gian… Đi lễ phật chỉ cần những thứ chay tịnh mang vào chùa đầu năm, tránh những điều hiểu lầm, ngộ nhận, không được mang vào chùa những đồ tạp, đồ cúng lễ tam sinh, những thứ trái thuần phong mỹ tục của người Việt, rượu bia… Bên cạnh đó, có một điều khá nhiều người hay mắc phải, du khách nên tránh là đã cúng giàng không nên tự ý hạ xuống trừ trường hợp nhà chùa đưa cho.
Đối với khu di tích, khu du lịch nào cũng vậy , không chỉ với chùa Hương, vấn đề bảo vệ cảnh quan, môi trường của khu di tích là một điều vô cùng quan trọng từ xưa đến nay, không chỉ bây giờ. Riêng chùa Hương, chúng tôi đã ý thức được điều này. Đặc biệt với các tự viện trong quần thể. Chùa Hương có 21 điểm di tích thì có tới 16 điểm là chùa, chủ yếu mang văn hóa Phật giáo. Bà con đi vào các ngôi chùa, đặc biệt ở chốn sơn lâm, có sơn thủy, từng được chúa Trịnh Sâm đề là kỳ sơn tú thủy, là nét đẹp của bà mẹ thiên nhiên ban tặng, không cớ gì mà tàn phá, không chăm chút.
Hằng ngày, các tăng ni trong các tự viện của Hương Sơn đều vẫn cố gắng giữ gìn cảnh quan chung. Tuy nhiên, nếu phóng tầm mắt ra cả quần thể di tích thì vẫn còn những điều đáng lưu tâm, hơi chạnh lòng là vấn đề rác thải của du khách để lại. Đây là vấn đề mà Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương rất lo ngại do chúng tôi đã làm nhưng chưa làm được triệt để. Bao nhiêu năm nay, chúng tôi đã phải nhặt từng cọng rác, nhặt từng cái lá bà con mang vào đây. Trong một năm, mỗi du khách chỉ cần mang 0,5kg là chúng tôi cũng đủ nặng rồi. Mỗi năm có 1,5 triệu người thì sẽ là bao nhiêu tấn rác? Mỗi ngày ở động Hương Tích là 2 tấn rưỡi rác các loại quả là con số lớn. Chúng tôi đã nghĩ tới việc đóng gạch, chế tạo khí đốt… như các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Vấn đề vệ sinh môi trường tác động tới không gian khu di tích là một điều nan giải không riêng gì chúng tôi ưu tư, trăn trở mà cần tất cả mọi người chung tay gánh vác. Thông qua các phương tiện truyền thông chúng ta hãy giảm thiểu rác thải, từ trong chính mỗi gia đình, từ trong chính mỗi con người khi đi hành hương lễ phật.
PV: Được biết, chùa Hương đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2017. Điều này có phải là một sự khẳng định về tầm quan trọng của danh thắng Hương Sơn không thưa thượng tọa?
 |
Thượng tọa Thích Minh Hiền giới thiệu triển lãm ảnh. |
Thượng tọa Thích Minh Hiền: “Chùa Hương đi trước, về sau”, rất mừng là sau một thời gian thẩm định, nay chùa Hương cũng được Nhà nước quyết định, Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12-2017. Đây cũng là một sự kiện tái khẳng định cho quần thể di tích, danh lam thắng cảnh chùa Hương đã được công nhận vào năm 1962. Đây không phải là công nhận mới mà là tái khẳng định lại, cho chùa Hương có một danh xưng mới, tước vị mới chứ thực ra bản chất gần như không thay đổi. Tuy nhiên, sự công nhận này với chúng tôi là điều đáng mừng và cũng rất lo vì đã mang danh rồi thì làm sao cho xứng đáng, bảo tồn và phát huy tốt những giá trị của khu di tích.
Sáng 19-5-1958, Hồ Chủ tịch về thăm chùa Hương nhân dịp sinh nhật của Người. Lúc đó, Người đã lên động Hương tích, ăn trưa ở đền Trấn Song (nay là đền Cửa Võng). Năm nay, kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm, trong các số tạp chí Chùa Hương, chúng tôi đã đưa thông tin chính xác về ngày giờ Người đến chùa Hương, đi cùng những ai. Năm nay, thường vụ huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức dự kiến đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 19-5, đồng thời kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm chùa Hương. Đây là sự kiện khá nổi bật trong năm của chùa Hương.
PV: Xin trân trọng cảm ơn thượng tọa!
MINH NHÃ thực hiện