Phát triển văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Hành chính minh bạch-kinh tế phát triển-văn hóa đặc sắc-xã hội văn minh-nhân dân hạnh phúc”.

Để thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TU, tỉnh Quảng Ninh đưa ra các giải pháp: Bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc của Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

leftcenterrightdel
 Người dân thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) tham gia Lễ hội đền Cửa Ông tri ân công đức Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng. 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh, quá trình phát triển kinh tế-xã hội qua các giai đoạn lịch sử, Quảng Ninh là nơi hội tụ của rất nhiều người từ các địa phương khác đến làm ăn, sinh sống, lập nghiệp, mang đến sự kết hợp đa dạng văn hóa. Sống gần biển nên con người Quảng Ninh hòa hợp với thiên nhiên, phóng khoáng, ước mong cuộc sống bình yên, sống đoàn kết, thương yêu, trọng nghĩa tình. Người Quảng Ninh kính trọng thương yêu cha mẹ, ông bà, tôn vinh các bậc tiền bối có công khai hoang khẩn đất. Hàng chục năm qua, việc duy trì nghi lễ truyền thống mừng và rước cụ Thượng hằng năm ở khu vực Hà Nam (thị xã Quảng Yên) là minh chứng sinh động. Cuộc sống nơi biên cương núi non hiểm trở, thường bị thiên nhiên đe dọa, giặc giã thổ phỉ, hải phỉ cướp bóc đã hình thành, tôi luyện người Quảng Ninh có đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, kiên cường, mưu trí, sáng tạo.

Văn hóa Quảng Ninh được hình thành bởi sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa văn hóa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng, miền trong nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của công nhân vùng mỏ. Con người Quảng Ninh có sự kết hợp giữa văn hóa biển với những giá trị truyền thống, bản địa như hào sảng, lành mạnh, thân thiện với văn hóa công nhân mỏ hiền hậu, sáng tạo, văn minh, đoàn kết, kỷ luật, đồng tâm. Tính cách con người Quảng Ninh chia thành 5 tiểu vùng văn hóa. Đó là người Kinh thành thị; người Kinh ở nông thôn làm nông nghiệp; người vùng biển hải đảo và ven biển; văn hóa công nhân mỏ và văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi. 

Sau khi có Nghị quyết số 11-NQ/TU, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể trong tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh. Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu phố văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”... Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm tổ chức các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật lành mạnh, tích cực; đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được cải thiện, góp phần xây dựng và hoàn thiện phẩm chất con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh cho biết, cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy, ngày 30-11-2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 3504/QĐ-UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Với 4 chương, 23 điều, Quy tắc ứng xử gồm hai phần chính: Quy tắc ứng xử chung; những quy tắc ứng xử trong cộng đồng nơi cư trú và tại một số nơi công cộng cụ thể. Trong đó, Quy tắc ứng xử chung (gọi tắt là “Quy tắc 5T”) gồm: Thượng tôn pháp luật; Tôn trọng bản thân và người khác; Tôn trọng và bảo vệ môi trường; Thân thiện, văn minh, hào sảng; Trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

Để quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh đi vào cuộc sống và lan tỏa, thời gian qua, các địa phương, cơ quan, đơn vị, các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến, xã, phường, thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh từ gia đình đến cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Qua đó giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, hình thành nét văn hóa, thói quen ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện, xây dựng hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp và niềm tin đối với doanh nghiệp và du khách khi đến Quảng Ninh. “Mục tiêu cao nhất của việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhằm góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh văn minh, thân thiện, hiện đại và đáng sống, đồng thời giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Quảng Ninh cho thế hệ hôm nay và mai sau”, ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.

Bài và ảnh: MINH TÂM