Tháng 11, mùa cưới đã đến. Có dịp đi “thực tế” cùng với các cô dâu, chú rể tương lai chuẩn bị cho ngày cưới mới thấy trăm mối bộn bề. Người ngoài dân sự đã vậy, đối với thanh niên trong quân đội trước ngưỡng cửa hôn nhân hạnh phúc cũng không ít những lo toan…
Dịch vụ cưới, giá cả trên “giời”
Nhìn những cửa hàng “dịch vụ đám cưới” đang nở rộ như nấm mọc sau mưa thì biết xu thế đua trưng diện đang trở lại. Với khẩu hiệu: “Một ngày cho cả trăm năm, một giờ cho cả đời” những cửa hàng này đã làm mềm lòng không ít đôi bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc sống gia đình. Và thực tế là: một cái tặc lưỡi hàng năm trả nợ…
Đôi bạn Phương, Nguyên ở khu tập thể Đền Lừ (Hà Nội) làm “con nợ” đến nay đã là năm thứ ba. Mỗi lần tâm sự, Phương lại than thở: “Biết thế đừng có cố, để đến giờ khổ vì nợ đòi. Con cũng chẳng dám đẻ vì chưa trả hết nợ. Trăm sự chỉ tại cái tội đua đòi”. Phương và Nguyên đều là công chức hạng bình bình của một công ty nhà nước. Ba năm trước, đám cưới của họ khiến không ít người thầm ghen tị với cỗ bàn lên tới vài trăm mâm ở một khách sạn lớn của Hà Nội. Riêng bộ ảnh cưới chụp ngoại cảnh cũng ngốn tới hơn chục triệu đồng. Để tổ chức được đám cưới “hoành tráng” này, Phương và Nguyên đã phải đi gán giấy quyền sử dụng căn hộ chung cư mà hai gia đình gom góp mua cho họ ra ở riêng.
Ở Hà Nội bây giờ, đám cưới nào “sành điệu” phải chụp ảnh và thuê áo cưới ở Altamoda, hay ít ra cũng phải là Phượng Anh. Tiệc cưới phải đặt ở khách sạn cỡ Melia, Sheraton, Hanoi Tower, hay ít ra là ở khách sạn Thắng Lợi. Tiêu chuẩn trên là một thứ “mốt” để người ta soi vào và… làm khổ mình.
Hàng áo cưới Altamoda, một bộ album ảnh cưới thuộc loại rẻ nhất (25 tấm ảnh khổ 22x35 cm) chụp trong studio cũng có giá khoảng 5 triệu đồng, chụp ngoài trời 7 triệu đồng. Trong khi đó giá một tấm ảnh cỡ 22x35 cm ở các hiệu ảnh thường giá không quá 20 nghìn đồng. Tổng số chi phí dành cho việc trang điểm, thuê áo cưới, chụp ảnh… sơ sơ cũng ngót chục triệu đồng. Đó là còn chưa kể đến cỗ cưới.
Giá ở mọi thứ dịch vụ đắt đến mức vô lý, nhưng lại vẫn hợp lý qua lời của người cung cấp dịch vụ: “Giá cả chung, đâu chẳng vậy. Với lại cả đời mới có một lần, so đo đắt rẻ, mất…hên”. Thật vậy, tôi đi tới các cửa hàng ảnh viện áo cưới trong nội thành Hà Nội gặp nhiều đôi bạn trẻ và đều nhận được lời nhận xét: “Đó giá chung, là chuyện bình thường, chi phí phải thế mới đủ!”.
Tôi chợt nhớ lại đám cưới của một người đồng đội cũ mà chạnh lòng. Đám cưới quê, kéo dài suốt 3 ngày từ khi dựng rạp đến khi xếp rạp. Cỗ bàn tự gia đình làm lấy, tính chi ly ra chưa tới 80 nghìn đồng một mâm. Tổng chi phí ước chừng gần chục triệu đồng, đó là tính cả chiếc giường đôi mới tậu thêm cho phòng hạnh phúc của cô dâu, chú rể. Đám cưới của bộ đội ở quê là vậy đó, và cũng chỉ “lo” được có vậy thôi.
“U ơi, con là bộ đội!”
Dịch vụ cưới, giá cả như vậy bạn trẻ trong quân đội trước ngưỡng cửa hôn nhân bước vào mùa cưới với tâm trạng giống nhau: lo lắng! Tôi gặp Nam, trung uý QNCN ở Quân khu Thủ Đô, anh tâm sự: “Lo nhất là người yêu không thông cảm, đòi tổ chức đám cưới linh đình. Lo nữa là cô ấy không hợp với môi trường quân ngũ… không thích tổ chức đám cưới trong đơn vị. Rồi lo gia đình nhà vợ, nhà mình thích tổ chức cầu kỳ cho bằng người”. Tâm sự của Nam cũng là tâm sự của nhiều đồng chí khác đang công tác tại các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thiếu tá Nguyễn Văn Nhương-tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 20 (Quân khu Thủ Đô) kể: “Ngày tôi cưới vợ, đơn vị đứng ra tổ chức ngay tại hội trường của đơn vị. Cỗ bàn giao cho nhà ăn giúp. Văn nghệ góp vui có các hạt nhân văn nghệ trong đơn vị. Mỗi người giúp một chút, vui vẻ, thân tình mà lại hợp với đời sống của bộ đội”. Anh Nhương cho biết thêm, hiện giờ đơn vị anh cũng có một đồng chí chuẩn bị lập gia đình. Đơn vị đã thống nhất giúp đỡ hội trường, phông màn, bàn ghế, nhà bếp giúp phần chế biến thức ăn..., nói chung là giúp tất cả những điều gì có thể.
Đơn vị giúp đỡ là vậy nhưng chưa phải hết nỗi lo. Vì cô dâu ngày lên xe hoa, ai cũng mong muốn mình được khoác bộ váy cưới, chụp tấm ảnh kỷ niệm. Tình cờ tôi được biết một “địa chỉ hồng” cứu cánh của các “chú rể bộ đội”. Đó là cửa hàng Bích Sinh ở 20 Hàng Bông, một trong những cửa hàng áo cưới khá uy tín ở Hà Nội. Bà Bích Sinh chính là mẹ của danh thủ bóng đá đội Thể Công và đội tuyển quốc gia Hồng Sơn. Hơn 10 năm nay cửa hàng của bà có chế độ “khuyến mại” đặc biệt dành cho cô dâu, chú rể là bộ đội, công an. Bà Bích Sinh vui vẻ kể: “Đấy, mới hôm qua có một chú gọi điện nói: “U ơi, con là bộ đội…” rồi đưa vợ đến cửa hàng tôi. Cửa hàng vẫn làm như mọi khi, giảm 50% giá. Giúp trang điểm, tặng một nửa số ảnh cưới…”. Tôi thích thú hỏi: “Những trường hợp là bộ đội, công an đến với cửa hàng có phải làm “thủ tục” gì không? Như giấy giới thiệu của đơn vị chẳng hạn?”. “Ôi dào, không cần những thứ đó. Anh nào không mặc quân phục thì có cái thẻ quân nhân cho u xem qua một cái. Còn anh nào mặc quân phục thì thôi, miễn luôn cả cái khoản trình thẻ… Với lại, con mắt của u cũng quen nhìn rồi, cứ thấy anh nào bộ đội, công an là biết ngay. Các anh cũng giống như con u vậy!”. “Giảm giá nhiều như vậy có làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của cửa hàng không ạ?”. Chị Hải-vợ của danh thủ Hồng Sơn, đỡ lời mẹ chồng-“Một năm cửa hàng em làm dịch vụ cho cả trăm đám cưới ấy chứ. Giảm giá cho đám cưới của các anh bộ đội nào dễ thiệt hại gì”. Bà Bích Sinh gật gù nhìn cô con dâu: “Ừ, tôi không tính lời lãi với bộ đội, công an…”.
Trong hơn 10 năm thực hiện khuyến mại đặc biệt, cửa hàng Bích Sinh đã giảm giá cho hàng trăm đôi uyên ương trong ngày cưới (trung bình một năm có khoảng 20 đôi là bộ đội hoặc công an đến với cửa hàng Bích Sinh). Bà Bích Sinh tâm sự: “Nhà tôi có hai anh bộ đội, một anh công an, nên tôi hiểu mức độ thu nhập của mấy chú bộ đội, công an lắm. Tôi cũng nghĩ như con mình thôi… giúp được đến đâu là tôi giúp”. Không chỉ có giúp với chế độ giảm giá đặc biệt như vậy, bà Bích Sinh cũng rất sẵn lòng dạy nghề trang điểm cô dâu cho vợ bộ đội.
Gặp những người như anh Nhương, bà Bích Sinh tôi thật sự cảm thấy thanh thản trong lòng. Một đám cưới bộ đội có nhiều người giúp đến vậy, hẳn sẽ được “trăm năm hạnh phúc”./.
Bài và ảnh: Đông Hà