Từ khi còn là một cô gái trẻ gắn bó với đôi quang gánh đơn sơ bên góc phố Hàng Chiếu, cô Thoa đã là một biểu tượng trong lòng những người yêu thích món phở gánh. Bắt đầu sự nghiệp vào những năm 90 của thế kỷ trước, gánh phở của cô là điểm dừng chân quen thuộc của những người lao động dậy từ rất sớm.

Cô Thoa - người gắn bó với “phở gánh” suốt hơn 30 năm, dù tuổi đã cao, nhưng bằng lòng nhiệt thành, tâm huyết với nghề, cô vẫn mong muốn giữ gìn được nét văn hóa ẩm thực đặc sắc này.

Cô kể: “Lúc mới bắt đầu bán cũng khó khăn lắm. Cô phải đi chợ tự tay chọn từng sợi bánh phở, nước dùng thì phải ninh kỹ từ đêm hôm trước”. 

Dù đã chuyển về khu vực Chợ Gạo với hàng quán khang trang hơn, nhưng nhờ vào tình yêu thương của những người sành ăn dành cho, món phở nhà cô vẫn thu hút rất đông thực khách. “Ngày trước, cô mở quán từ 3 rưỡi sáng và chỉ bán đến 7 giờ là hết hàng, nhưng giờ nhiều người biết đến nên cô bán đến tận 9 rưỡi, thậm chí 10 giờ. Mỗi người đến đây đều không ai giống ai, nhưng nhìn chung là họ yêu thương vị phở này, giống như cô yêu cái nghề của mình vậy” cô Thoa chia sẻ đầy tự hào.

Điều làm nên sự đặc biệt của hương vị phở cô Thoa là tình yêu nghề cô gửi gắm vào từng bát phở. Cô tâm niệm rằng hương vị nước dùng phải tinh tế, đậm đà nhưng không làm mất đi cái hồn của phở Hà Nội gốc. “Nước dùng phải trong, thịt phải mềm, bánh phở phải tươi. Quan trọng nhất là phải giữ được cái hương vị đấy suốt từng ấy năm”. Cô tâm sự: “Từ trước đến giờ, cô vẫn bán hai món chính là phở thường và sốt vang. Lúc nào mở quán, cô cũng phải chuẩn bị hai nồi nước dùng sôi nóng để khi bát phở được đưa ra phải giữ được trọn vị”.

Một bát phở giữ trọn hương vị suốt hơn 30 năm là minh chứng cho câu chuyện làm nghề của một nghệ nhân đích thực.

Cũng giống như bao nghề khác, câu chuyện mà cô Thoa chia sẻ chất chứa bao nỗi niềm “thăng, trầm” cùng những kỷ niệm của một thời gian khó. Cô kể “Hồi trước còn bán gánh, những ngày mưa bão, phố xá vắng vẻ, cô vẫn bán từ 3 rưỡi. Nhiều khách họ thèm phở, họ đến thấy mình bán là họ mừng lắm. Cô thấy cô không chỉ bán phở mà còn san sẻ niềm vui, sự an ủi đến với họ. Nhiều người họ quý, họ gọi bằng mẹ Thoa, cô cũng thấy vui trong người”.

Quả thật, từ đôi quang gánh ngày đầu đến quán phở hiện tại, hành trình của cô Thoa không chỉ là cả chặng đường của một người làm nghề mà còn là câu chuyện về sự bền bỉ, gắn liền với niềm đam mê và quyết tâm giữ gìn một nét văn hóa ẩm thực Hà Nội.

Tuy vậy, thời gian không chờ đợi ai. Cô thừa nhận: “Bây giờ sức khỏe không còn như xưa, lưng cô đã yếu đi rất nhiều, không còn ngồi xổm cả buổi được nữa. Bởi thế, cô mới chuyển về đây, mở một quán khang trang, tiện lợi hơn”.

Cô chia sẻ: “Bây giờ, nhiều bạn trẻ đến đây ngoài việc ăn phở, họ còn biết đến cô, họ đến để hỏi cô về câu chuyện gánh phở. Cô cũng thấy vui vì điều đó. Đôi khi cô nghĩ, không biết mình còn đủ khỏe để tiếp tục với quán phở này thêm 10 năm nữa không, nhưng chắc chắn, cô sẽ truyền lại cho các con của mình. Cô tin khi mình đặt cả trái tim vào nghề, hương vị đích thực của món ăn sẽ không bao giờ bị quên lãng”.

Quán phở hiện tại của cô Thoa, gắn liền với thương hiệu Phở gánh Hàng Chiếu trứ danh.

Dẫu đã chuyển sang một mặt bằng khang trang hơn, đi kèm với việc không ngừng thay đổi để phù hợp với nhịp sống hiện đại, như sử dụng bếp ga thay bếp than, bổ sung các phương thức thanh toán hiện đại... song, điều không thay đổi chính là cách cô tiếp đón thực khách bằng sự chân thành và ấm áp như chính những người thân yêu trong gia đình.

Từ đôi “gánh phở” bên góc phố đến thương hiệu “Phở gánh Hàng Chiếu”, câu chuyện của cô Thoa là minh chứng sống động cho sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại - nơi mà nét cổ kính của Hà Nội vẫn trường tồn bên cạnh nhịp sống bộn bề. Ở đó, không chỉ có hương vị của bát phở nóng hổi, mà còn nồng nàn hương vị của ký ức, của những câu chuyện đời người lặng lẽ trôi qua bên đôi quang gánh và dấu ấn văn hóa ẩm thực còn lưu lại.

THANH TÙNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.