Năm 20 tuổi, đồng chí đảm nhiệm cương vị Phó bí thư Huyện ủy Triệu Phong, lãnh đạo phong trào chống thực dân, phong kiến tại địa phương và bị địch bắt, giam cầm tại Nhà tù Lao Bảo, sau đó bị đày biệt giam ở Nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong giai đoạn Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, đồng chí Phan Kiệm vượt ngục ra ngoài cùng các đồng chí của mình thành lập tổ chức đảng, lãnh đạo đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ở Đắk Lắk khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập chính quyền cách mạng và giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk.

Từ năm 1949, đồng chí Phan Kiệm được phân công vào Nam công tác, làm trợ lý cho đồng chí Lê Duẩn, sau đó giữ cương vị Quyền Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí giữ trọng trách Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. Năm 1957, lần thứ 2 đồng chí Phan Kiệm bị địch bắt, đày ra biệt giam ở “chuồng cọp” Côn Đảo. Năm 1961, chính quyền tay sai Sài Gòn đưa tàu hải quân ra Côn Đảo áp giải đồng chí về Sài Gòn để tra khảo, khai thác. Khi tàu vào đến cửa biển Cần Giờ, lợi dụng đêm tối, địch sơ hở, đồng chí đã nhảy khỏi tàu trốn thoát, được người dân giúp sức đưa về cơ sở cách mạng ở Sài Gòn ẩn náu. Đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sau đó nghỉ hưu. Đồng chí mất ngày 7-10-1998.

leftcenterrightdel

Đồng chí Phan Kiệm. Ảnh tư liệu 

Tri ân công lao to lớn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên, tỉnh Đắk Lắk đã lấy tên Phan Kiệm đặt cho một con đường chính ở thành phố Buôn Ma Thuột.  

Vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Phan Kiệm (15-7-1920 / 15-7-2020), thực hiện chỉ đạo của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với các cơ quan chức năng, đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân, tôn vinh. Sáng 15-7-2020, đoàn cán bộ của Thành ủy TP Hồ Chí Minh do đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy (nay đồng chí Trần Lưu Quang giữ chức Bí thư Thành ủy Hải Phòng) đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm đồng chí Phan Kiệm và thăm hỏi gia đình. Thay mặt lãnh đạo Thành ủy, đồng chí Trần Lưu Quang đánh giá cao và bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với thân thế, sự nghiệp, công lao đóng góp cho cách mạng của đồng chí Phan Kiệm. Đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, lấy tên đồng chí Phan Kiệm đặt cho một con đường tại TP Hồ Chí Minh. 

Với những công lao đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là dấu ấn của đồng chí Phan Kiệm đối với Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, việc đặt tên đường Phan Kiệm nhằm thể hiện sự tri ân, tôn kính với hiền nhân, đồng thời cơ sở để đẩy mạnh giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau, do đó, cần sớm được thực hiện. 

NGUYỄN MINH NHỊ