QĐND - Sông Lô đi vào lòng người bằng những lời thơ, câu hát thấm đẫm trữ tình, dòng sông huyền thoại này còn là “bản anh hùng ca” bất tử soi sáng những chiến công lẫy lừng của Quân đội ta. Xuân về, theo dòng Lô Giang lịch sử, cảnh sông nước thanh bình, đồng lúa, nương dâu xanh tốt không khỏi làm xao xuyến lòng người bởi vẻ đẹp của miền quê trù phú. Ngoài thưởng ngoạn sắc Xuân, những ai từng một thời gắn bó, muốn quay lại “tắm nước dòng Lô” sẽ lại được hòa mình vào những lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống, mang hơi thở hồn đất, hồn người đồng bào các dân tộc nơi đây.

Sông Lô giống như một con rồng xanh nằm ưu tư cuộn mình giữa núi rừng Việt Bắc. Trước kia, hai bên bờ sông toàn lau trắng um tùm làm trận địa mai phục cho Quân đội ta cất giấu vũ khí nhấn chìm tàu Pháp. Giờ trở lại bến sông xưa, dường như vẫn vang dội những chiến công hào hùng đó với ráng chiều vàng lên màu huyền sử. Từ Hà Nội ngược theo dọc miền lau, qua ghềnh Khoan Bộ (Phương Khoan-Sông Lô-Vĩnh Phúc) nhìn những nương ngô, bãi mía tốt tươi mà lòng bồi hồi nhớ tới chuyện xưa. Chính nơi đây đã đánh dấu một mốc son đầu tiên của lịch sử Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam bằng chiến thuật “đặt gần, bắn thẳng” đã bắn chìm tàu Pháp, mở màn cho chiến thắng sông Lô năm 1947.

Tượng đài Chiến thắng Sông Lô tại thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hồng Sáng.

Rời Khoan Bộ ngược lên phía tả ngạn, thuyền của chúng tôi tròng trành giữa bến đò Đức Bác (Vĩnh Phúc). Phải chăng, do được đắm mình trong tiếng du dương của điệu xoan, nhịp trống mà ai nấy cũng thấy mông lung, xao xuyến. Các chàng trai làng Đức Bác đánh trống quân hát giao duyên cùng những cô đào phường xoan bên làng An Thái (Việt Trì-Phú Thọ). Đây là hội Khai xuân cầu đinh (Mồng 1 tháng Hai âm lịch) được tổ chức thường niên. Mỗi cô đào đều mặc áo tứ thân, đầu chít khăn mỏ quạ, váy thúng, yếm đào được chia ra làm ba tốp, mỗi tốp bốn cô thành một kép xoan vừa hát vừa chèo thuyền sang bến. Trai làng đánh trống quân có quai dây bằng vải ra đón phường xoan. Cứ ba bốn anh đón một cô đào. Rồi chàng trai cất tiếng hát trước và những cô gái ứng đối theo sau với bao câu ca mượt mà, đằm thắm từ bến sông đến tận sân đình. Trò chuyện với nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Lịch,  được biết, đất An Thái trước kia là phường xoan gốc nên vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các thức nhạc cổ như: Hát nói, hát ngâm, hát ghẹo, hát đối, hát đan xen và hát xướng lĩnh… kết hợp với những điệu múa dân gian đậm nét trữ tình ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, dân khang vật thịnh...

Tiếp tục ngược dòng sông Lô, cảnh sông nước hữu tình, những nét đẹp văn hóa truyền thống làm chúng tôi càng thêm yêu quê hương, đất nước. Tức cảnh sinh tình, nhà thơ trẻ Khúc Hồng Thiện bỗng ngân hai câu Kiều: "Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng". Anh san sẻ lòng mình, mỗi dòng sông, ngọn núi đều có dáng hình đất nước. Sông Lô là dòng sông hoa lửa “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”. Dọc hai bên bờ sông có biết bao nhiêu di tích, đền, đài minh chứng cho lịch sử hào hùng của dân tộc. Không ai bảo ai, chúng tôi thắp một nén hương thơm thả xuống giữa dòng. Tôi bật nhạc nghe bài “Trường ca sông Lô”, còn Khúc Hồng Thiện nướng thêm bắp ngô nếp để cùng nhau nhâm nhi chén rượu nồng. Không gian lắng đọng, lòng người xốn xang. Nghe tinh ra sẽ thấy trong nhạc Văn Cao còn có cả thi và họa nữa. Bài hát kết nối một cách nhuần nhuyễn các điệu thức, tốc độ, nhịp điệu khác nhau mang âm hưởng hào hùng, bi tráng. Tôi cho rằng đây là nhạc phẩm hay nhất viết về dòng Lô. Phải chăng khi đó, Văn Cao cũng đi dọc miền lau, chứng kiến cảnh xóm làng bị đốt trụi “nền nhà trơ than xám”, cảnh “thây giặc trôi về ngập bờ”, cảnh “đoàn quân trên đường chiến thắng trở về chiến khu”, cảnh dòng sông bao la hùng vĩ, chảy về xuôi… mà viết nên một nhạc phẩm vượt thời gian như thế.

Rượu vừa cạn ly thì thuyền cũng vừa cập tới phố phủ Đoan Hùng. Địa danh này nổi tiếng với những trái bưởi thơm ngon, ngọt mát. Tiếc rằng mùa xuân chưa có trái chín, chỉ có những bông hoa bưởi trắng tinh tỏa hương thanh khiết. Trước kia, nhân dân xã Chí Đám và Hữu Đô hái bưởi đem sơn đen rồi thả xuống dòng Lô giả làm thủy lôi hướng luồng tàu địch. Giờ đây, bưởi Đoan Hùng với vị ngọt, thanh sẽ làm mát lòng du khách thập phương. Không chỉ có bưởi ngon, mà lòng dân cũng kiên dũng trong kháng chiến. Tại ngã ba nơi con sông Chảy nhập vào sông Lô này, quân và dân ta đã bẻ gãy gọng kìm chiến lược của thực dân Pháp, phá tan âm mưu tấn công Việt Bắc bằng đường thủy. Đứng trên khuôn viên Tượng đài Chiến thắng Sông Lô, tôi mường tượng ra trận chiến năm xưa với những xúc cảm nghẹn ngào-dòng Lô cuộn sóng, ngầu ngầu lửa đạn, nhân dân hai bờ hân hoan chiến thắng. Tượng đài nằm trên núi Đồn với diện tích 2,6ha. Nhìn từ xa, toàn bộ khu di tích giống như một con thuyền đang lao về phía dòng sông. Còn đài chiến thắng mang hình tượng một ngọn lửa cháy đang tỏa lên bầu trời cao lộng. Đây là công trình lịch sử văn hóa mang đầy tính biểu cảm khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Chia tay phố phủ Đoan Hùng, nghe hương Xuân giăng mắc, thoang thoảng qua làn hương bưởi trắng trong mà thấy lòng nhẹ lại. Càng đi càng như bị ru ngủ bởi cảnh sắc thiên nhiên, xóm làng ven sông yên ả thanh bình. Chúng tôi đến với thành Tuyên thơ mộng. Tuyên Quang là một thành phố nhỏ nằm bên dòng Lô, được biết đến với thành nhà Mạc, cây đa Tân Trào, mái đình Hồng Thái, bến nước Bình Ca... Về với xứ Tuyên, về miền gái đẹp. Cái đẹp mặn mà của những thiếu nữ miền sơn cước đã làm say lòng bao khách tình si. Theo thuyết xưa thì nhiều người tin rằng, nơi đây từng là thành trì của vua tôi nhà Mạc, khi vương triều sụp đổ, rất nhiều cung tần mỹ nữ đã trẫm mình xuống dòng Lô tuẫn tiết tỏ lòng son sắt với vua. Riêng tôi thấy mảnh đất này có dòng Lô, có hồ Nà Hang, có núi Bạch Mã… không khí trong lành, sản vật tốt tươi, hội tụ linh khí hiền hòa của đất trời tạo điều kiện cho con người sống khỏe mạnh, yêu đời. Về với Tuyên Quang, về với “Thủ đô kháng chiến”, với lán Nà Lừa, với đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, được người dân kể chuyện kháng chiến mà thấy rực lên lòng tự hào dân tộc.

HỒNG HÀ