 |
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè-Tranh của Huỳnh Phương Đông. |
Gần đây có nhiều cuộc triển lãm và ra mắt những tập sách in tranh ký họa và ảnh của các họa sĩ, nhà nhiếp ảnh mặt trận, phải khẳng định ngay những ký họa, những bức ảnh này là vốn tư liệu quý giá về các sự kiện lịch sử, chiến tranh cách mạng, về những con người trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Tuy nhiên, cảm nhận chung của nhiều người sau khi xem những triển lãm và tập sách này là dường như còn thiêu thiếu một cái gì đó…
Những chú thích ấn tượng
Cầm trên tay cuốn sách in tranh “Huỳnh Phương Đông-góc nhìn chiến tranh và hòa bình” do nhóm tác giả người Mỹ Lin-xây Ki-ang (biên tập), Giô-han-na Bran-xơn (tiểu luận) và Đa-vít Tô-mát (thiết kế mỹ thuật) giới thiệu, tôi chợt nhận ra “cái thiêu thiếu” đó chính là câu chuyện xung quanh những bức tranh ký họa. Cách bố cục theo cốt chuyện là một trong nhiều cách hiệu quả mà Bran-xơn thể hiện qua cuốn sách này. Bran-xơn là nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật. Ông rất quan tâm tới bối cảnh khi ra đời tác phẩm. Chính vì vậy mà ông đã giới thiệu khá kỹ về nhiều bức tranh bằng những câu chuyện thú vị. Ví dụ như bức tranh số 24: “Bé Mười Một bất khuất” là một bức tranh chân dung vẽ bằng chì đen trên giấy. Bran-xơn chú thích: “Một trong những nhân vật đáng nhớ trong tác phẩm của Huỳnh Phương Đông là em gái 11 tuổi, người đã cứu quân giải phóng nấp trong làng em-khi quân địch càn quét lùng sục. Nhận thấy có dấu hiệu giặc phát hiện nơi ẩn nấp của bộ đội, với trí thông minh, ngay trước mặt đội tuần tra, em đã khéo léo che hết dấu vết, đánh lạc hướng quân địch”. Một bức chân dung khác được chú thích: “Nguyễn Văn Lực là chuyên gia về mìn clây-mo, một loại vũ khí giết người vì khi nổ mảnh đạn có thể bắn tung ra bán kính 100 mét với một cung 60 độ. Loại mìn này do Mỹ sản xuất, nhưng quân giải phóng đã nhanh chóng bắt chước và chế tạo được ngay tại xưởng sản xuất vũ khí trong căn cứ. Lực là chuyên gia đặt mìn ở những nơi khó phát hiện và lợi hại nhất”. Còn nhiều chú thích khác cũng tạo ra ấn tượng không kém vì trong đó lồng những lời bình về phong cách mỹ thuật, lý do mà tác giả (Huỳnh Phương Đông) vẽ, hay hoàn cảnh cuộc sống của người trong tranh đến hiện tại…
Với mỗi chú thích như vậy, rõ ràng tác giả đã dẫn người xem vào câu chuyện của những người trong ký họa. Đọc chú thích khiến người xem thích thú xem tranh; xem tranh lại tò mò đọc chú thích… tác giả thật khéo dẫn dắt người xem. Sức hấp dẫn của những bức tranh ký họa nâng lên nhiều qua những chú thích như vậy.
Nên trưng bày với những chú thích tỉ mỉ
Giống như nhiều hoạ sĩ mặt trận khác, họa sĩ Huỳnh Phương Đông vẽ tranh ký họa ngay trong thời điểm diễn ra sự kiện. Chính vì thế mà bên dưới bức tranh bao giờ cũng đề rất kỹ câu chuyện của người, sự vật, sự kiện trong tranh. Thông tin được lọc ra từ tranh rất nhiều, tuy nhiên, không phải bao giờ người biên tập, dàn dựng cũng chú ý đến điều đó. Họa sĩ Huỳnh Phương Đông là người tổ chức và cũng là người tham gia nhiều cuộc triển lãm ký họa cũng thừa nhận rằng triển lãm tranh ký họa của ta còn thiếu những chú thích tỉ mỉ.
Các triển lãm tranh ký họa “Một thời chiến tranh”, “Một thời hoa lửa”, “Ký họa chiến trường”… của các tác giả là hoạ sĩ quân đội ở Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam gần đây không có được những chú thích tỉ mỉ như vậy. Một phần nguyên nhân là do người biên tập, dàn dựng, trưng bày chưa chú ý đến phần chú thích. Thường thì các tác giả tự chọn tên cho tác phẩm của mình. Nhiều tác giả lại chú thích như tác phẩm nghệ thuật thông thường. Ví dụ như chân dung hay có chú thích tên người (trong tranh); tranh về sự kiện thì đề tên địa danh, hoặc sự kiện… thế nên nhiều khi tên tranh bị trùng lặp, thiếu sinh động. Ta vẫn thường gặp chú thích như: “Em gái Hà Nội”, “Chị A-thanh niên xung phong”, “Anh B-đại đội trưởng”, “Bên bờ Hiền Lương”, “Chiều ở Cam Lộ” v.v.. Nên thấy rằng, tranh ký họa là một dạng tư liệu hình ảnh về người thật việc thật, nếu chỉ nêu tên một cách chung chung như vậy “tư liệu hình ảnh” đó sẽ kém sức thuyết phục rất nhiều.
Ở một lĩnh vực khác là nhiếp ảnh, lâu nay chúng ta cũng đã luôn thấy “thiêu thiếu”, “thèm thèm” khi xem ảnh về những sự kiện, cảnh sắc, con người không có thêm những chú thích. Ảnh nghệ thuật cần những tiêu đề hoặc không đề đã đành bởi tính khái quát của nó nhưng ảnh tư liệu, báo chí tại sao lại thiếu.
Để làm được một chú thích sinh động, chúng tôi nghĩ là hoàn toàn không khó, vì khi các tác giả nộp tranh, ảnh để triển lãm thường nộp kèm một tờ “lý lịch” khai những điều liên quan đến tác phẩm ví dụ như các mục sáng tác năm nào, ở đâu, bằng chất liệu gì, kích thước, tên tác phẩm, giá bán… tại sao ta không thêm vào đó phần chú thích cho câu chuyện đi kèm bức tranh, bối cảnh sáng tác. Tác giả tranh, ảnh cũng hứng thú hơn khi viết lại câu chuyện đó mà ban tổ chức triển lãm có thêm một câu chuyện sinh động, ít tốn kém kinh phí mà hiệu quả thuyết phục lại lớn hơn nhiều.
Có thêm những câu giới thiệu rõ, gọn về con người, sự kiện trong tranh, ảnh là thể hiện cách làm trách nhiệm, sự trân trọng của các nhà tổ chức triển lãm, các nhà xuất bản đối với nhân vật, tác giả và người xem, người đọc. Người không phải “trong cuộc”, người thế hệ sau, qua những chú thích, những câu chuyện như vậy sẽ hiểu thêm giá trị mỗi bức tranh, ảnh, hiểu thêm về con người, đất nước trong những bối cảnh khác nhau.
Bài và ảnh: LÊ ĐÔNG HÀ