Trong vở kịch, Cuội với tài nói dối của mình đã leo lên được vị trí rất cao trong triều đình. Đạt đến đỉnh cao danh vọng, sự nghiệp nhưng Cuội không thể hạnh phúc bởi tình bạn, tình yêu đều rời bỏ Cuội. Cái kết rất đau, Cuội muốn nói một câu thành thực cũng không ai tin. Đó là kết của vở kịch, còn trong dân gian, Cuội vẫn là một danh xưng xấu dùng để phê phán hành vi nói dối, nói khoác của ai đó. Ai hay “nói cuội” sẽ không được sự tin tưởng của mọi người!

Hiện tượng “cuội” đang có xu hướng lan rộng ở xã hội ta. Ở mức độ nhỏ thì “chém gió” nói khoác; mức độ vừa thì có thủ đoạn, mưu mô; còn ở mức độ cao, đó là hiện tượng lập lờ, mập mờ, thiếu minh bạch, nói “một nửa sự thật”. Biểu hiện của “thói cuội” thật thiên hình vạn trạng nhưng nói gọn lại chỉ cần mấy chữ: Lừa người, lừa mình. Lừa người thì khoác lác, mê hoặc người ta để lấy danh, lấy lợi, lâu dần sinh ra ngộ nhận, tự lừa mình, ngỡ những cái dối trá của mình là thực. Đặc điểm này rất giống nhân vật nhạc công trong vở kịch “Lời nói dối cuối cùng”. Hắn vốn là một anh gò thùng, gò chậu cùng với Cuội lừa vua, cho rằng tiếng gò thùng mới là âm nhạc. Vua ngu dốt nghe theo. Sau anh gò thùng cũng ngộ nhận mình là đại nghệ sĩ. Trong xã hội ta có bao nhiêu "anh gò thùng" đang ngỡ mình là nghệ sĩ?

Điều đáng buồn là tâm lý bầy đàn, số đông trong thời buổi thông tin đa chiều hiện nay là chất xúc tác cho “thói cuội” phát triển. Trong vở kịch của Lưu Quang Vũ viết cách đây 30 năm cũng đã nhắc tới hiện tượng này. Các quan cận thần của nhà vua, những vương tôn, công tử, nữ chúa cứ trông ý vua mà a dua tán tụng hay xua đuổi, chê bai. Vua nói thằng bán bánh đa là con vua, lập tức tất cả tôn hắn lên làm thái tử, bất cần phân biệt đúng sai, phải trái. Thành ra một mình Cuội lừa cả một triều đình, chuyện tưởng khó mà lại dễ.

Rốt cuộc thì Cuội cũng chỉ là một tay khôn lỏi. Cuội ngu dốt, ít học nhưng biết dùng bằng cấp giả để lừa người. Cuội nghèo đói, rách nát nhưng lại biết lợi dụng vốn của người khác để làm giàu cho mình. Cuội lừa thằng bán bánh đa và hứa trả bằng ngôi vua. Thằng bán bánh đa sau này được làm thái tử, nhưng thật ra lại bị lừa tiếp để trở thành con rối cho Cuội giật dây. Chuyện này rất giống với câu chuyện của nhiều doanh nghiệp hiện tại được hứa hẹn lợi ích bởi những "ông Cuội" trong xã hội ta bây giờ. Thằng bán bánh đa vứt ngôi vua thì có vòng tay của mẹ để về, còn nhiều doanh nghiệp mà vứt dự án thì chỉ có phá sản.

Lúc thiên hạ có nhiều điều mập mờ, người “thông minh” cho rằng, thằng Cuội mới là hay, là đáng học. Nhưng khi giá trị đã trở về đúng trật tự của nó, thằng Cuội nhất định sẽ bị cô lập. Bởi sự dối trá không bao giờ được nhân dân hoan nghênh, ủng hộ. Dân gian hay Lưu Quang Vũ phê phán nhân vật Cuội, qua nhân vật này để phê phán xã hội. Dân gian đưa Cuội lên cung trăng để nó ở một mình. Còn Lưu Quang Vũ cho Cuội làm tể tướng nhưng phải sống một cuộc đời cô độc, không hạnh phúc. Ngẫm ra, Cuội thật đáng trách và cũng rất đáng thương.

LÊ ĐÔNG