Các đại biểu tham quan triển lãm văn hóa về phật giáo

Trong suốt chiều dài lịch sử 4 ngàn năm, dân tộc ta, từ Bắc đến Nam, từ các dân tộc thiểu số đến người Kinh - đa số, trong tâm thức mỗi người ít nhiều đều mang một niềm tin hoặc một tín ngưỡng, tôn giáo nào đó. Sự khác biệt về tinh thần giữa người có đạo và người không có đạo, giữa các tôn giáo, tín ngưỡng, không làm mất đi ý thức chung về một dân tộc Việt Nam, về một Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất mà biết bao thế hệ đã phải đổ mồ hôi, xương máu để xây dựng, gìn giữ đến nay. Đất nước ta tươi đẹp như ngày nay, dân tộc Việt Nam được bè bạn quốc tế tôn vinh như ngày nay; bản sắc văn hóa và con người Việt Nam được khách thập phương mến mộ có một phần không nhỏ sự đóng góp của các tôn giáo.

Trong bản chất của mình, không có một tôn giáo nào đi ngược lại lợi ích của con người, cũng như không có một người dân nào đi theo tôn giáo là để chống lại Tổ quốc mình, dân tộc mình. Tuy nhiên trong lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử các nước, tôn giáo đã từng bị các lực lượng chính trị lợi dụng làm công cụ cho những toan tính. Các cuộc “Thập tự chinh”, chiến tranh tôn giáo trong lịch sử thế giới đã chứng minh điều đó.

Ở nước ta, dưới chế độ phong kiến, với những lý do khác nhau đã từng diễn ra chính sách bài ngoại, đàn áp tôn giáo. Lịch sử còn ghi lại rằng vào thế kỷ thứ XVII, XVIII, chúa Nguyễn và chúa Trịnh đã từng trục xuất các thừa sai và đàn áp giáo dân (Thiên chúa giáo), khi thực dân Pháp ráo riết tìm cách xâm lược Việt Nam. Nhằm phục vụ cho ý đồ chính trị “chia để trị”, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách bất bình đẳng đối với các tôn giáo. Thiên chúa giáo được đề cao; nhiều cơ sở, giáo hội trở thành nơi tích tụ ruộng đất.

Tương tự như vậy, chính sách tôn giáo dưới chế độ cai trị của đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam cũng là chính sách bất bình đẳng. Nhiều cuộc đàn áp tôn giáo đã từng diễn ra, điển hình là cuộc đàn áp Phật giáo ở Sài Gòn và Huế tháng 5 năm 1963. Hòa thượng Thích Quảng Đức đã phải tự thiêu để phản đối chính sách bất công của Mỹ và chính quyền tay sai.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã mở ra một thời đại mới cho dân tộc ta - Thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhân dân làm chủ, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chế độ xã hội mới cũng đã mở ra một thời kỳ phát triển tự do, công bằng, bình đẳng của các tôn giáo.

Ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân, “Tín ngưỡng tự do, lương giáo, đoàn kết”. Xuyên suốt các Hiến pháp Việt Nam từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 1992, nhà nước ta đều quy định công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, có quyền tự do theo hoặc không theo tôn giáo. Chính trong môi trường chính trị lành mạnh đó, các tôn giáo đã có cơ hội thuận lợi để hoạt động và phát triển theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, đồng thời đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các tôn giáo đã trở thành thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều giáo dân đã trở thành anh hùng, liệt sĩ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như những người lao động xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, các quyền và tự do tín ngưỡng tôn giáo được bảo đảm trong chính sách, pháp luật và trong thực tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong cả nước, riêng 6 tôn giáo lớn: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo, Hồi giáo, số giáo dân lên tới hơn 20 triệu người, chiếm khoảng 25% dân số. Hiện nay tỷ lệ tăng giáo dân tương tự như tỷ lệ tăng dân số. Điều đó chứng tỏ sự phát triển của các tôn giáo ở Việt Nam là tốt đẹp. Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 66 nghìn các chức sắc tôn giáo, hơn 22 nghìn các cơ sở thờ tự. Ở nhiều nơi chính quyền địa phương đã giúp các tôn giáo tu sửa nhà thờ, chùa chiền, miếu mạo... Các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo với đủ các cấp học như Học viện Phật giáo, Chủng viên Thiên chúa giáo, Viện Thánh kinh Thần của đạo Tin lành đã và đang hoạt động với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương.

Quan hệ quốc tế của các tôn giáo Việt Nam được duy trì và phát triển. Số lượng xuất - nhập cảnh của các giáo sĩ, chức sắc tôn giáo ngày càng tăng lên.

Các tôn giáo đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới đất nước, nhất là trong lĩnh vực xã hội. Các cơ sở từ thiện, nhân đạo do các tôn giáo tự nguyện tạo dựng phát triển nhanh chóng ở nhiều nơi. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh miễn phí, các lớp học tình thương, dạy nghề trong đó có cả những người nhiễm HIV, những trẻ em lang thang cơ nhỡ, bị bố mẹ bỏ rơi... do các tôn giáo đảm nhận đã góp phần quan trọng, chia sẻ những khó khăn to lớn với Nhà nước.

Với mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các thế lực thù địch trong và ngoài nước mưu toan phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ các tôn giáo, chia rẽ người có đạo với người không có đạo, chia rẽ đồng bào thiểu số với đồng bào đa số…, chúng vu cáo nhà nước ta đàn áp tôn giáo, Đảng Cộng sản “vô thần”, chủ trương xóa bỏ tôn giáo...

Thực tế hoàn toàn khác. Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là người lãnh đạo nhà nước và xã hội luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quan niệm của Đảng ta về xã hội XHCN và con đường đi lên CNXH không loại trừ bất cứ một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta”. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập, cũng như pháp luật các quốc gia đều quy định quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Đây là một quyền dân sự, chính trị quan trọng, song không phải là một quyền tuyệt đối mà là một quyền có hạn chế nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội, sức khỏe, quyền và lợi ích của người khác.

Pháp luật của nhà nước ta chưa bao giờ xem việc đi theo một tôn giáo là hành vi phạm pháp. Pháp luật của chúng ta chỉ trừng trị những kẻ lợi dụng tôn giáo để xâm phạm lợi ích của cộng đồng, xâm phạm quyền và lợi ích của công dân mà thôi. .

Sự kiện Ủy ban Tổ chức Quốc tế (IOC) lựa chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức Đại lễ Phật đản quốc tế năm 2008 chẳng những là sự thừa nhận chính sách và pháp luật tự do tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam mà còn xem Việt Nam là một quốc gia tiêu biểu cho việc bảo đảm các quyền công dân và quyền con người.

Chủ đề chính “Sự cống hiến của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” cùng với các chủ đề khác do Giáo hội Việt Nam đề xuất, được IOC nhất trí và đánh giá cao như sự thay đổi khí hậu toàn cầu; những mâu thuẫn trong gia đình, chiến tranh và hàn gắn; những thay đổi xã hội; Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số… đã thể hiện ý thức trách nhiệm cao của Phật giáo Việt Nam không chỉ với phần Đạo, với phần hồn, mà còn đối với phần Đời, phần Xác của con người.

Nhìn lại lịch sử dân tộc ta, nhất là từ thời kỳ phong kiến đến nay, có thể nói chưa có thời kỳ nào, chưa có chế độ xã hội nào, chính sách, pháp luật đối với các tôn giáo lại quang minh chính đại, khoan dung, công bằng, bình đẳng như trong chế độ ta.

TS. Cao Đức Thái (Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh)