Hoạt động này trước đây được diễn ra trực tiếp tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giờ nghiên cứu thực tế đã được chuyển đổi từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến để thích ứng, phù hợp với điều kiện học tập, nghiên cứu của học viên.
Trong không gian hội trường lớn, học viên ngồi giữ khoảng cách bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Điểm nhấn của không gian hệ thống màn hình máy chiếu, âm thanh có kết nối mạng internet đã được hiệp đồng trước với phòng đào tạo. Để bắt đầu buổi nghiên cứu, cô Dung giới thiệu với cả lớp về mục đích, ý nghĩa, nội dung, phương pháp giờ nghiên cứu thực tế. Sau đó, các thuyết minh viên của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là Phạm Thu Giang và Nguyễn Phương Thảo cùng hỗ trợ giúp các học viên khám phá vùng văn hóa Đông Sơn. Màn hình máy chiếu được truy cập trực tiếp với không gian trưng bày ảo 3D của bảo tàng. Bước vào không gian văn hóa Đông Sơn, thuyết minh viên giới thiệu: “Văn hóa Đông Sơn được phát hiện đầu tiên vào năm 1924 ở bên bờ sông Mã thuộc xã Đông Sơn, huyện Đông Sơn (nay là phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa). Đây cũng là một trong những nền văn hóa nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á...”. Cứ như vậy, thuyết minh viên mô tả, giải thích, tương tác một cách trực quan trên mô hình 3D. Trong suốt giờ nghiên cứu thực tế, các thuyết minh viên đã đưa các học viên theo lộ trình khám phá hiện vật như buổi tham quan trực tiếp. Một số hiện vật gắn với nội dung định hướng, trao đổi được giới thiệu chi tiết hơn.
 |
Giảng viên trao đổi cùng học viên trong giờ nghiên cứu thực tế trực tuyến. |
Sau khoảng một tiếng đồng hồ trải nghiệm, học viên bước vào nội dung thu hút, được chờ đón hơn cả là giao lưu, trao đổi cùng thuyết minh viên. Học viên được bày tỏ những quan điểm, ý kiến của bản thân về những nội dung được giới thiệu như sự ra đời nhà nước đầu tiên, biểu tượng trống đồng, các loại vũ khí trong thời kỳ Đông Sơn, các loại hình mai táng. Quá trình giao lưu sôi nổi, nhiều nội dung được đề cập, luận giải có tính chất khoa học giúp học viên nhìn nhận, đánh giá các vấn đề lịch sử một cách khoa học, chính xác. Từ đó, giáo viên có những định hướng nội dung, thái độ, tư tưởng rõ ràng. Là người tích cực đưa ra nhiều vấn đề trong quá trình trao đổi, Binh nhất Lê Quảng Dương, học viên Đại đội 6 chia sẻ: “Tôi và các đồng đội đã có được trải nghiệm bổ ích trong giờ nghiên cứu thực tế trực tuyến. Dù không được trực tiếp nghiên cứu, quan sát các hiện vật nhưng quá trình khám phá qua không gian 3D đã mang đến những hiệu ứng thú vị, cuốn hút cho giờ học”.
Qua trao đổi với Trung tá Lê Duy Thắng, Chủ nhiệm Khoa Văn hóa-Ngoại ngữ, chúng tôi được biết, để thích ứng với tình hình dịch Covid-19, lãnh đạo, chỉ huy khoa và cán bộ bộ môn đã đề xuất hình thức nghiên cứu thực tế trực tuyến thay thế cho nghiên cứu trực tiếp tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Công tác hiệp đồng, nắm tình hình được thực hiện một cách chặt chẽ giữa khoa với Phòng Đào tạo, đơn vị và bảo tàng. Cũng vì vậy, hoạt động nghiên cứu thực tế trực tuyến đã diễn ra thuận lợi, tạo sức lôi cuốn với học viên. Trung tá Lê Duy Thắng khẳng định: “Hoạt động này vừa bảo đảm việc thích ứng dạy học trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vừa góp phần tăng cường tính tích cực, chủ động trong học tập của học viên. Qua đó, học viên năm thứ nhất có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường học tập mới”.
Bài và ảnh: NGUYÊN ĐỨC