Ở Việt Nam, trong các thời kỳ tiền hiện đại (trước thế kỷ 20), rất nhiều thành cổ được xây dựng trên khắp đất nước. Tuy nhiên, qua thời gian khắc nghiệt, các di tích thành cổ ngày một xuống cấp. Do đó, chỉ riêng việc ghi chép lại một cách đầy đủ và khoa học vị trí địa lý, cấu trúc, số đo, hình ảnh và một số di vật tìm thấy trong phạm vi di tích đã là một công việc có ý nghĩa khoa học lớn, đòi hỏi nhiều công sức, chưa kể tới việc nghiên cứu sâu về chúng. Chính vì vậy, cuốn sách "Thành cổ Việt Nam" do nhà khảo cổ học Đỗ Văn Ninh cùng các cộng sự của ông thực hiện là công trình có giá trị trên nhiều phương diện.

  Bìa cuốn sách.

Việc nghiên cứu các tòa thành trong cuốn sách được chia làm 4 giai đoạn lớn: Thành thời dựng nước, thành thời Đại Việt, thành thời Lê và thành thời Nguyễn. Bằng những tư liệu thư tịch cổ, kế thừa những công trình nghiên cứu của thế hệ đi trước, với những tư liệu điền dã khảo cổ học trong nhiều năm, qua chọn lọc, sắp xếp, tác giả đã tập trung vào việc nghiên cứu hai khía cạnh của thành cổ là loại hình và đặc điểm. Khoảng thời gian, niên đại nghiên cứu của các tòa thành được bắt đầu từ công trình hiện được biết sớm nhất trong lịch sử là thành Cổ Loa thời An Dương Vương. Điểm kết thúc là ở những công trình xây dựng dưới thời vua Tự Đức khoảng giữa thế kỷ 19, khi mà về cơ bản, hệ thống thành lũy của triều Nguyễn đã xây dựng xong.

Sau khi đưa ra hàng loạt cứ liệu lịch sử cùng phân tích đặc điểm về vị trí địa lý, cấu trúc, nguyên-vật liệu xây dựng... tác giả đã đưa đến những nhận định về các tòa thành cổ Việt Nam. Bên cạnh giá trị kiến trúc, PGS, TS Đỗ Văn Ninh cho rằng: “Trình độ kỹ thuật xây dựng không quyết định tính bất khả xâm phạm của công trình và tính bất khả chiến thắng của dân tộc”. Một trong những điểm khác giữa lịch sử Việt Nam và nhiều nước khác là những thành trì xây dựng tốn kém thường không phát huy tác dụng, thậm chí còn phụ lòng chủ nhân khi quốc gia hữu sự.

Vậy tại sao trong lịch sử, người Việt vẫn bỏ sức xây thành đắp lũy? Thực tế đã chứng minh, chúng ta không phụ thuộc vào thành trì, không coi thành trì là “tấm khiên” có thể ngăn cản kẻ thù tuyệt đối. Thành lũy vốn là công sự bất động nhưng quân ta trong hầu hết trường hợp đã sử dụng rất linh hoạt, không đứng im với công sự bất động mà ngược lại, chỉ coi công sự như điểm dừng tạm thời trong cả cuộc vận động tiến công. Chúng ta phòng thủ nhưng không cố thủ. Những thành trì, đặc biệt là phòng tuyến ở vùng biên giới thông thường đều được xây dựng với mục đích kìm chân giặc một thời gian nhất định khi đất nước bị xâm lược để cho hậu phương có thể chuẩn bị kháng chiến chu đáo. Chính vì lẽ đó mà nhân dân ta vẫn tiếp tục xây thành, hơn nữa còn thường xuyên tìm mọi cách nâng kỹ thuật xây dựng lên tới đỉnh cao.

Với những tư liệu khách quan về nền kiến trúc quân sự Việt Nam-một góc độ còn ít người nói tới-cũng như góc nhìn thú vị của tác giả trong việc phân tích cách dùng thành lũy của nhân dân ta, cuốn sách "Thành cổ Việt Nam" đã góp bàn về một trong những bí quyết làm nên thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giữ nước của dân tộc Việt Nam anh hùng.

BÙI CẨM UYÊN