Trong đó, thôn Trần Phú có hoạt động sản xuất cước lưới lâu đời và nhộn nhịp nhất với hơn 100 hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng nghìn nhân công trong thôn cũng như các vùng lân cận.

Tìm hiểu về lịch sử của nghề, người dân trong làng vẫn kể lại truyền thuyết: Thuở trước, có một cô gái người miền biển Thanh Hóa di cư ra vùng đất Trần Phú lập nghiệp. Trong chuyến vi hành qua nơi đây, nhà vua đã gặp nàng và đem lòng yêu thương rồi rước về cung, phong làm thứ phi. Sống với nhau nhiều năm không có con nên bà phi xin vua về vùng đất Trần Phú. Nhà vua ưng thuận và ban đất để bà sinh sống. Vốn biết đan lưới nên bà đã dạy cho người dân nơi đây cách làm lưới đánh cá. Kể từ đó, nghề làm lưới cước tồn tại cho đến ngày nay.

leftcenterrightdel
 Người thợ thủ công miệt mài làm ra các sản phẩm lưới đánh cá.

Chúng tôi đến nhà anh Đinh Ngọc Khuyến, một hộ sản xuất lưới lâu năm trong làng để tìm hiểu về nghề đan lưới. Gia đình anh sản xuất lưới cao cấp với nhiều kích cỡ khác nhau phục vụ khách hàng ở Hải Phòng, Quảng Ninh và một số tỉnh miền Trung. Anh Khuyến chia sẻ: “Nghề đan lưới vất vả, phải chịu thương chịu khó mới gắn bó được với nghề. Có những lúc thị trường tiêu thụ khó khăn, sản phẩm ứ đọng, không thu hồi được vốn để mua nguyên liệu cũng như trả công cho thợ. Tuy vậy, gia đình tôi cùng với những người thợ vẫn quyết tâm gắn bó với nghề truyền thống”.

Theo chân những người thợ lấy nguyên liệu về đan lưới, chúng tôi ghé vào nhà chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Đống Chanh, xã Minh Cường. Những phụ nữ trong xóm đến nhà chị Hiền để cùng làm nghề. Từng bó lưới trắng tinh được người thợ thắt phao, kẹp chì. Đôi bàn tay thoăn thoắt dùng ghim thắt chặt đầu phao vào lưới, sau đó mới kẹp chì. Kỹ thuật làm lưới không quá khó nhưng đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ, chỉ cần thao tác sai là lưới bị rối, phải gỡ ra làm lại. Mỗi người thợ tham gia vào một công đoạn, vì thế năng suất cũng tăng lên. Bằng hình thức khoán sản phẩm, thợ đan lưới tranh thủ mọi thời gian để làm. Thu nhập trung bình mỗi người khoảng 150.000 đồng/ngày. Vào thời vụ cao điểm, người thợ làm thêm cả buổi tối, tiền công tăng lên khoảng 200.000 đồng/ngày.

Nghề đan lưới giúp người dân xã Minh Cường có việc làm ổn định lúc nông nhàn, không phải ly hương mưu sinh. Với mức sống ở nông thôn, thu nhập từ nghề thủ công truyền thống cũng tạm ổn để người dân trang trải sinh hoạt, có điều kiện cho con cái học hành. Hiện nay, đáp ứng nhu cầu của thị trường, các hộ sản xuất còn làm nhiều loại như: Lưới che hoa, che rau, lưới bảo hiểm trong các công trình xây dựng, lưới quây để chăn nuôi gia cầm... Nhờ đa dạng hóa các sản phẩm nên người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập.

Sản phẩm lưới ở Trần Phú được tiêu thụ khắp nơi trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia, một số nước châu Âu. Chính nhu cầu của thị trường lớn đã thúc đẩy nghề sản xuất lưới phát triển. Nhiều chủ hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc hàng tỷ đồng để sản xuất sợi, đan lưới theo hướng chuyên môn hóa. Nhằm giữ gìn nghề truyền thống quê hương, địa phương lập đề án phát triển làng nghề gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra và nâng cao thu nhập, mức sống của người dân.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC