Ngày nay ít ai còn biết rằng nguyên thủy nó được gọi là bát thủy tiên, vì làm ra với hình dáng như vậy để trồng thủy tiên. Chỗ bầu tròn dưới eo thắt để giữ rễ và để rễ định hình. Như vậy, dù lá có mọc dài lên mấy thì cây cũng không bị ngả. Còn chỗ thắt eo là để củ thủy tiên có chỗ tựa vào mà không lọt xuống đáy bát làm hỏng rễ. Sau này, thủy tiên được trồng trong cốc thủy tinh để chơi rễ chứ người sành sỏi vốn không chơi rễ thủy tiên. Nếu chơi rễ, họ chơi rễ thiết mộc lan dù cả hai loại này đều được trồng trong bát có nước”.

Nếu hoa thủy tiên gợi trí tưởng tượng về hình ảnh những nàng tiên tha thướt, xiêm y trắng trong, xanh mướt, uyển chuyển khoe sắc trên mặt nước thì bát chiết yêu chính là chiếc đài với mặt hồ lặng sóng để tôn thêm vẻ đẹp ấy. Chiếc bát nhỏ vì thế chứa đựng một nét văn hóa thanh tao, nho nhã.

Bát chiết yêu được sử dụng tại quán ăn ngày nay để đề cao ẩm thực Việt. Ảnh: QUÁN 1946

Cùng với tác dụng ban đầu của bát chiết yêu, về sau người ta còn dùng loại bát này cho các món nước như cháo, bún, phở, miến... Với hình dáng đặc biệt, bát chiết yêu có công dụng thực tế rõ ràng giúp bề mặt món ăn nhanh nguội, nhưng phần dưới vẫn được giữ nóng, ăn đến đâu vừa vặn đủ nhiệt độ đến đó. Bát chiết yêu trở thành vật dụng hoàn hảo để thể hiện tinh hoa ẩm thực của nhiều món ăn Việt.

Chẳng hạn với món bún thang. Theo lối cổ, bún vào bát đến ngang chỗ thắt eo. Trên mặt bún là những món bày gồm trứng gà tráng mỏng thái sợi, lườn gà luộc xé sợi nhỏ, giò lụa thái sợi và ruốc tôm chia làm 4 phần đều nhau trên bún. Sắp xong đâu đấy, người nấu mới rắc chút rau răm lên chính giữa rồi chan nước dùng. Nước dùng trong bát bún thang ngày xưa chỉ cho dấp dấp ngang mặt món bày. Bát bún nhờ thế phô diễn được đủ màu sắc, mùi vị của cả trời đất, ngũ hành. Cùng với hoa văn điểm viền xung quanh miệng bát, bát bún thang càng tinh tế và tròn trịa.

Những món bình dân là vậy, ở những mâm cỗ, bát chiết yêu càng có vị trí riêng không thể thay thế. Chân bát cao làm mâm cỗ trông thanh thoát. Viền bát loe, rộng bản, dễ vẽ nhiều loại hoa văn để món cỗ trông càng sang trọng, đẹp mắt. Bát chiết yêu là vật dụng thiết yếu trong mỗi gia đình thời xưa và chuyện bát vì thế cũng là chuyện người, chuyện về văn hóa ẩm thực. 

Qua thời gian, ngày nay, bát chiết yêu ít được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, thay vào đó là những bát tô tròn trịa, bóng bẩy. Bát chiết yêu hầu như chỉ dành để bày trong những nhà hàng đặc chế và cho những người hoài cổ. Ở đó, chiếc bát ngày xưa được đưa lên hàng nghệ thuật, để người ta không chỉ thưởng thức tinh hoa ẩm thực, văn hóa mà còn thưởng thức những thoáng qua của thời gian, những hoa văn và thứ men tinh tế. Trong sự kiện "Hành trình ký họa châu Á Hà Nội 2019", nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đã dùng bát chiết yêu trong tiệc chiêu đãi bạn bè trong nước và quốc tế như một lời chào từ Tràng An xưa. Chiếc bát của một trời ký ức xưa đã góp phần tạo nên sự thành công cho sự kiện, thêm một nét duyên trong lòng những người yêu văn hóa Việt.

TOÀN LINH