Súng thần công (mã hiện vật A9-2782) được phát hiện trong các hố khai quật tại Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội thuộc Khu Trung tâm của Hoàng thành Thăng Long. Hiện vật được phát hiện trong các hố có địa tầng ổn định và tin cậy.

leftcenterrightdel

Bảo vật quốc gia Súng thần công thời Lê trung hưng đang được trưng bày trang trọng cùng hàng triệu hiện vật, tư liệu quý tại Hoàng thành Thăng Long. 

Súng thần công thời Lê trung hưng có hình trụ tròn gồm 4 phần: Miệng súng, thân súng, bầu súng và chuôi súng. Súng không có trục quay (trục điều hướng), quai và núm.

PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhận định, Súng thần công được sử dụng ở Đại Việt khoảng thế kỷ XVII. Công nghệ đúc súng của Đại Việt và sau này là Đại Nam đã đạt đến trình độ cao. “Các loại súng lớn thời phong kiến Việt Nam thường gọi là súng thần công, với ý nghĩa có sức mạnh thần linh, giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”, PGS, TS Tống Trung Tín nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Súng thần công thời Lê trung hưng thế kỷ XVII được chế tác tỉ mỉ, đạt trình độ cao.

Nói về việc chế tác và sử dụng súng thời xưa, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cho biết, chưa rõ súng được sử dụng lần đầu tiên trong quân đội Đại Việt từ khi nào, còn chính sử lần đầu tiên đề cập đến việc sử dụng súng đó là sự kiện trong trận đánh trên sông Hải Triều (nay là khúc sông giáp với hai huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên và huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), tướng nhà Trần là Trần Khát Chân đã sai quân dùng súng bắn vào thuyền chiến quân Chiêm.

Đến thời Hồ, súng đã được sử dụng phổ biến, thậm chí nhà Hồ còn chế tạo cả pháo với chủng loại khác nhau. Sách “Việt kiệu thư” cho biết, chỉ tính riêng trong trận Lục Giang ngày 21 tháng 2 năm Đinh Hợi (1407) giữa quân nhà Hồ với giặc Minh xâm lược, các loại súng pháo sử dụng nhiều, tên đạn trận đó “bắn ra như chớp giật”. Thời nhà Hồ, thuộc dạng súng hạng nặng là các loại pháo được gọi là thần công, hay súng “thần cơ” (hoặc thần cơ sang pháo). Sau này còn có súng phun lửa là loại vũ khí chứa chất cháy, dùng áp suất cao phun lửa để đốt mục tiêu. Thời Lê trung hưng có ống phun lửa, thời Tây Sơn có “hỏa hổ”…

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Đặc trưng của Súng thần công thời Lê trung hưng có hình trụ tròn.

Khi súng được trang bị nhiều cho quân đội thì trong các cuộc thao diễn quân sự, tập luyện võ bị và cả trong chương trình thi võ học, súng đều được sử dụng.

PGS, TS Tống Trung Tín cung cấp thêm thông tin, tại phía Tây kinh thành Thăng Long có một thao trường lớn dùng làm nơi diễn tập gọi là khu trường bắn, không chỉ dùng để tập luyện võ nghệ, thao diễn binh khí mà còn là nơi tập bắn cung, bắn súng. Trong thi cử, bắn súng là một môn thi bắt buộc, thí dụ năm Canh Tý (1780) đời Lê Hiển Tông định lại phép thi, theo đó bắn cung và bắn súng là kỳ thứ 2 trong khoa thi võ.

Trong một số văn bản, điển chế pháp luật của nhà Hậu Lê có nhiều quy định liên quan đến việc tập luyện, thao diễn, thi bắn súng… Nhờ sự rèn luyện tinh thông mà binh lính thời Hậu Lê rất giỏi bắn súng, điều này được người phương Tây ở nước ta khi đó ghi chép, tường thuật lại với sự thán phục.

leftcenterrightdel
Bảo vật quốc gia Súng thần công thời Lê trung hưng thu hút sự quan tâm của du khách mỗi khi tới Hoàng thành Thăng Long.

“Vũ khí cổ Việt Nam từ thời Lê trung hưng và nhất là thời Nguyễn, hỏa khí loại lớn như súng thần công bắt đầu có mặt và ngày càng phổ biến, phản ánh một cách sinh động nghệ thuật quân sự Việt Nam là Chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều”, TS Nguyễn Thị Hậu cho hay.

Cũng theo PGS, TS Tống Trung Tín: “Khi đã xây dựng hồ sơ để Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia thì phải có ý thức coi nó là bảo vật quốc gia thực sự, có các kế hoạch, phương án bảo vệ và phát huy giá trị để đông đảo công chúng hiểu và tự hào về giá trị của di sản”.

Bài, ảnh: HÀ ANH