QĐND - Đầu năm 2015, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã công bố và trao quyết định công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” cho sử thi Ê Đê (Khan) của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắc Lắc, sử thi M'nông (Ot Ndrong) của dân tộc M’nông tỉnh Đắc Nông và sử thi Ba Na (Hơmon) của dân tộc Ba Na các tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các sử thi Tây Nguyên, trong đó có Khan của đồng bào Ê Đê ở tỉnh Đắc Lắc đang là vấn đề cần quan tâm, nhất là khi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, đang hướng đến là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, sử thi của người Ê Đê có giá trị văn hóa và tinh thần rất đặc biệt trong đời sống cộng đồng. Nội dung sử thi không chỉ có tính giáo dục, gắn kết cộng đồng mà còn dự báo tương lai. Thông qua sử thi, đồng bào Ê Đê thể hiện khát vọng sống, ước nguyện xây dựng cộng đồng gắn kết, ở đó cái ác bị phê phán, trừng trị; cái tốt được xây dựng, tôn vinh. Trong sử thi có luật tục để hướng mọi người làm những việc tốt, tránh điều xấu. Sử thi Ê Đê thực chất là những lời nói (câu văn) vần, nên từ xa xưa người Ê Đê kể Khan dưới hình thức hát đối đáp, sau này không còn hát đối đáp nữa, mà chỉ một người hát kể cho nhiều người cùng nghe. Chính vì vậy, nghệ nhân hát kể không nhiều, thường mỗi buôn làng có một nghệ nhân. Buôn làng nào nhiều nhất cũng chỉ có 3-4 nghệ nhân. Nghệ nhân hát kể sử thi phải có trí nhớ tốt, chất giọng truyền cảm mới lột tả được tâm trạng của các nhân vật trong sử thi. Ngoài ra, hát kể sử thi phải có không gian phù hợp, là những dịp tập trung đông người trong buôn làng như lễ hội, lễ cúng, đám tang và sau mùa rẫy.
 |
Hát kể sử thi ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắc Lắc. |
Qua tìm hiểu tại xã Ea Tul, huyện Cư M’gar và xã Tân Tiến, huyện Krông Pách-đây là những địa phương còn lưu giữ được nhiều sử thi Ê Đê cho thấy, hiện nay nỗi lo lớn nhất là số người hát kể sử thi chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, lớp trẻ không đam mê nghe hát kể sử thi nữa, không gian cho hát kể sử thi cũng bị thu hẹp. Nghệ nhân Y Wang Hwing, 60 tuổi, ở buôn Triă, xã Ea Tul cho biết: Các lễ hội, lễ cúng, bến nước, không gian rừng, không gian nương rẫy trong buôn làng ngày càng ít đi. Lớp trẻ thì bị cuốn hút bởi những loại hình nghệ thuật hiện đại đã khiến cho việc tổ chức hát kể sử thi của buôn làng người Ê Đê không còn như xưa.
Cũng theo nghệ nhân Y Wang, kể Khan của đồng bào Ê Đê là sinh hoạt văn hóa dân gian có từ xa xưa, được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Ngày trước, hầu như buôn làng nào cũng có nghệ nhân hát kể (gọi là pô khan), có buôn 2-3 người biết kể Khan; những người thuộc nhiều sử thi được cộng đồng hết sức tôn trọng. Vào những dịp lễ hội, lễ cúng của buôn làng, hoặc tang ma, hầu hết đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em đều có thể tụ họp tại nhà dài để nghe kể Khan. Người thế hệ sau nghe lời kể Khan của người lớp trước, sau đó tự nhớ, tự trau dồi kỹ năng của mình để có thể kể lại cho người khác. Chỉ những người có năng khiếu, có trí nhớ tốt mới có thể nhớ trọn vẹn một hoặc vài bộ sử thi đồ sộ như Đam San, Đam Di, Khinh Jú..., mỗi bộ dài đến vài chục nghìn câu.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Y Ko Niê, Phó trưởng phòng nghiệp vụ, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắc Lắc cho biết: Đến nay, các nhà nghiên cứu đã thống kê, sưu tầm hơn 80 sử thi Ê Đê trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc, trong đó có 10 sử thi được in thành tác phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui được vinh danh là nỗi lo về duy trì, phát huy di sản này trong đời sống đương đại. Theo thống kê mới nhất, toàn tỉnh có hơn 700 buôn của người Ê Đê, nhưng chỉ còn 8 nghệ nhân hát kể sử thi ở 3 huyện Cư M'gar, Krông Pách và Krông Búc, so với con số 64 nghệ nhân vào năm 2003. Ông Y Ko Niê còn lo ngại nhiều nghệ nhân hát kể nổi tiếng trước đây đã qua đời, số khác thì lớn tuổi, chỉ nhớ một vài đoạn sử thi, hoặc chỉ biết tên sử thi mà không còn nhớ nội dung. Những sinh hoạt văn hóa, lao động ở buôn làng thay đổi, cùng quá trình đô thị hóa đã khiến không gian diễn xướng sử thi như nhà dài, chòi rẫy, lễ hội, bến nước mất dần; nhiều nghệ nhân không có cơ hội hát kể trong thời gian dài nên quên luôn sử thi mình từng nhớ.
Về những việc phải làm để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa sử thi Tây Nguyên, trong đó có sử thi Ê Đê, ngành văn hóa các tỉnh Tây Nguyên xác định: Trước hết, cần xây dựng kế hoạch và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy hát kể sử thi cho thế hệ sau bằng việc đưa sử thi vào giảng dạy ở các trường dân tộc nội trú; lập các câu lạc bộ hát kể sử thi ở buôn làng để truyền dạy cho thế hệ trẻ; cung cấp băng đĩa có nội dung hát kể sử thi phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở vào thời gian thích hợp; chuyển thể các sử thi thành phim ảnh để tuyên truyền; phục hồi không gian hát kể sử thi; tiếp tục sưu tầm, biên dịch, biên soạn, in và phát hành các bộ sử thi. Trên cơ sở đó, đưa sử thi từng bước đi vào đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng buôn làng, góp phần bảo tồn, phát huy một trong những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH - THANH TUYỀN