Trong đó có công tác quy hoạch, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ gồm 8 điểm với Ủy ban Di sản Thế giới, công tác bảo tồn, tôn tạo, các hoạt động tuyên truyền quảng bá giá trị khu di sản được tập trung và đẩy mạnh… Những kết quả thực hiện đó làm tiền đề cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị khu Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long trong những năm tiếp theo.

Các giá trị lịch sử - văn hóa của Thăng Long đạt 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu

Đó là khẳng định của PGS, TS Tống Trung Tín (Hội Khảo cổ học Việt Nam và Đoàn khai quật Viện Khảo cổ học, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội). 

leftcenterrightdel
Dấu tích đường nước dưới thời Lý ở Hoàng thành Thăng Long. 

Theo PGS, TS Tống Trung Tín, các cuộc khai quật khảo cổ học ở khu vực Kinh đô Thăng Long và khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ một hệ thống di tích và di vật lịch sử đồ sộ minh chứng tiêu biểu, xác thực cho lịch sử - văn hoá Thăng Long, lịch sử - văn hoá Việt Nam phát triển liên tục qua hơn 1.000 năm lịch sử từ các thời kỳ tiền Thăng Long đến các thời kỳ Thăng Long thời Lý - Trần - Lê sơ - Mạc - Lê Trung hưng - Tây Sơn - Nguyễn cho đến các thời kỳ cận hiện đại.

“Các giá trị lịch sử - văn hóa của Thăng Long đạt 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu đã đem lại cho Việt Nam và nhân loại một di sản thế giới mà giá trị to lớn của nó đã được chuyên gia Iamanaka Arika (Đại học Mie, Nhật Bản) từng khẳng định: “Để hiểu biết lịch sử nhân loại, di tích này không thể thiếu được”, PGS, TS Tống Trung Tín cho biết.

leftcenterrightdel
 Hoàng thành Thăng Long lung linh về đêm. Ảnh:Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

Khẳng định giá trị lịch sử to lớn của Hoàng thành Thăng Long, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Hơn 1.000 năm trước, vào thế kỷ 11 - Năm 1010, đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay được Vua Lý Thái Tổ chọn làm Kinh đô của nước Đại Việt và đặt tên là Thăng Long với mong muốn Kinh đô ngày càng phồn thịnh như linh vật Rồng thiêng bay lên. Trong suốt hơn 10 thế kỷ, từ thời Lý (thế kỷ 11 – thế kỷ 12) đến thời Nguyễn (thế kỷ 19 – thế kỷ 20), các triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục kế thừa, xây dựng và phát triển Thành Đại La trở thành Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội với vai trò, vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, dấu tích Kinh thành Thăng Long còn hiển hiện qua hệ thống di tích, di vật được tìm thấy tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long ngày nay.

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định: Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá dưới lòng đất.

Những ký ức vàng son về Kinh đô Thăng Long giờ chỉ còn lưu lại trong sử sách, tất cả dấu tích vật chất đều đã bị phá hủy, không còn tồn tại trên mặt đất. Từ năm 2002 đến nay, các cuộc khai quật khảo cổ học tại khu di tích này đã tìm thấy dưới lòng đất nhiều dấu tích nền móng cung điện, lầu gác và hàng triệu di vật. Đây là những bằng chứng sinh động phản ánh lịch sử huy hoàng của Kinh đô Thăng Long hơn một nghìn năm về trước.

Làm gì để bảo tồn, tôn tạo các di tích đã xuất lộ?

Khu di sản Hoàng Thành thăng Long trước và sau khi được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới đã có trải qua 20 năm khai quật và nghiên cứu. Cũng trong quá trình đó, vấn đề bảo tồn, tôn tạo các di tích xuất lộ luôn là một chủ đề chú ý sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và mọi tầng lớp nhân dân.

leftcenterrightdel
Các hiện vật được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: Kế hoạch quản lý giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045 được xây dựng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch quản lý Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2013, hiệu quả việc quản lý các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, đồng thời phân tích hiện trạng khu di sản trong giai đoạn hiện tại. Từ đó đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo tính nguyên gốc và toàn vẹn của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội như một kho lưu trữ chân xác các kiến thức về khảo cổ, văn hóa và di vật gắn với quá trình lịch sử của Nhà nước Việt Nam.

PGS, TS Tống Trung Tín kiến nghị: Từ giá trị to lớn của khu Di sản, giới khảo cổ học Việt Nam kiến nghị các cấp lãnh đạo có thẩm quyền tiếp tục cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đẩy mạnh việc thực hiện các khuyến nghị của UNESCO và cam kết của Chính phủ Việt Nam và UBND Thành phố Hà Nội. Kiến nghị UNESCO, ICOMOS cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đẩy mạnh việc nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, chỉnh trang toàn bộ khu Di sản, nhất là tại khu vực Trung tâm (không gian Chính điện Kính Thiên) để làm tăng thêm 3 giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Ông Christian Manhart cho rằng: Nghiên cứu và bảo tồn di sản là một quá trình rất lâu dài đòi hỏi phải có kế hoạch và thực hiện một cách chiến lược. Đồng thời, các ưu tiên và lĩnh vực trọng tâm trong nghiên cứu cần được xác định rõ ràng. Việc ghi tên Khu Trung tâm của Hoàng thành vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO là một vinh dự tạo ra những cam kết và trách nhiệm mới cho tất cả mọi người.

Theo ông Christian Manhart: Việc hoàn thành Kế hoạch quản lý toàn diện vào năm 2013 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng. Đây là một công cụ đắc lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tăng cường cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan; lồng ghép quản lý và bảo tồn; cải thiện việc diễn giải về khu di sản và các chương trình giáo dục; tiếp tục đầu tư vào nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên.

Bảo tồn và phát huy các giá trị của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được xác định là công cuộc lâu dài, phải được triển khai với sự thận trọng, đề cao tính khoa học và cần có cách thức thực hiện bài bản.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN