Từ nơi trưng bày hiện vật đến không gian giáo dục sống động

Bảo tàng là một hình thức giáo dục không chính thức, không bị ràng buộc như giáo dục chính quy. Do đó, vai trò giáo dục của bảo tàng không chỉ nằm ở việc truyền tải thông tin mà còn ở khả năng khơi gợi cảm xúc, kết nối tri thức với thực tiễn. Theo TS Trần Đức Nguyên, Trưởng khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: “Hiện nay, bảo tàng đang dần khẳng định vai trò giáo dục toàn diện về khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, đặc biệt thông qua những hoạt động trải nghiệm, tương tác thực tế”.

Hoạt động trải nghiệm giờ học nhóm gia đình tại Phòng Khám phá, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh do đơn vị cung cấp 

Nhận thức rõ vai trò đó, nhiều bảo tàng ở Việt Nam đã và đang nỗ lực đổi mới, từ hình thức trưng bày đến phương pháp giáo dục, nhằm tạo môi trường học tập sinh động, gần gũi hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Đồng chí Phạm Thị Mai Thủy, Trưởng phòng Giáo dục-Công chúng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chia sẻ: “Bên cạnh các hình thức giáo dục truyền thống như thuyết minh, tổ chức hội thảo, tọa đàm, giao lưu gặp gỡ nhân chứng lịch sử, xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của bảo tàng... Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn chú trọng đẩy mạnh các chương trình, hoạt động giáo dục, trải nghiệm như: “Giờ học lịch sử”, Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, tour tham quan-trải nghiệm... Từ đó, đem lại những trải nghiệm thú vị, hiểu biết sâu sắc, trực quan về lịch sử, văn hóa và truyền thống dân tộc, góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước với công chúng trẻ”.

Chuyển mình trong kỷ nguyên số

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và cách mạng 4.0, việc số hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại như một xu thế tất yếu, là cách tiếp cận mà các bảo tàng cần thực hiện để thu hút và phục vụ khách tham quan, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

Nhiều bảo tàng đã tích cực ứng dụng công nghệ số vào hoạt động giáo dục. Điển hình như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng bảo tàng ảo 3D, hệ thống thuyết minh tự động bằng 3 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn). Cùng với đó, bảo tàng thường xuyên chuyển đổi các chuyên đề trưng bày thành video trực tuyến, kết hợp tổ chức các hoạt động online, như: “Tour tham quan trực tuyến”, "Giờ học lịch sử online", trong đó hoạt động đáng chú ý là Chương trình “Khám phá di sản 3 miền”. Đây là kết quả phối hợp giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và gần 30 bảo tàng, di tích trên cả nước. Tính đến tháng 9-2024, chương trình đã tổ chức hơn 1.500 buổi học trực tuyến, thu hút gần 49.000 lượt học sinh tham gia. Những con số này là minh chứng cho thấy sức hút mạnh mẽ của bảo tàng đối với giới trẻ ngày nay. 

Tuy nhiên, trước sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động của bảo tàng, TS Trần Đức Nguyên cũng nhấn mạnh, bảo tàng không thể đánh mất bản sắc của mình, đó là thiết chế văn hóa mang đến thông tin trực tiếp, cụ thể, sinh động, trực quan, đa dạng dựa trên kết quả nghiên cứu, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây chính là điểm khác biệt, tính độc đáo, riêng có của bảo tàng mà không một phương thức nào có thể thay thế được.

Nhờ những thay đổi mạnh mẽ về phương thức giáo dục, bảo tàng dần trở thành không gian hấp dẫn, thúc đẩy giới trẻ chủ động tiếp cận và tham gia. “Nhiều sinh viên Khoa Di sản văn hóa đang trực tiếp góp mặt vào các hoạt động chuyên môn như kiểm kê hiện vật, xây dựng nội dung trưng bày, tổ chức sự kiện tại các bảo tàng lớn như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học... Cùng với đó, chương trình đào tạo của Khoa Di sản văn hóa cũng thường xuyên tích hợp thực hành qua các dự án như: “Tranh làng Mái”, “Muôn sắc cánh chuồn”, “Hành trình của rối”...; khuyến khích sinh viên phát triển ý tưởng và thực hiện đề tài khoa học. Đây là cách để gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo điều kiện cho sinh viên phát huy tư duy phản biện và năng lực sáng tạo”, TS Trần Đức Nguyên cho biết.

Bảo tàng đang dần xóa bỏ hình ảnh tĩnh tại để trở thành không gian mở, năng động và gần gũi hơn với thế hệ trẻ, nơi các em không chỉ được học mà còn được sống trong không gian di sản, làm việc, sáng tạo và lan tỏa giá trị di sản văn hóa từ chính những trải nghiệm của mình. Đó chính là lúc bảo tàng thực hiện trọn vẹn sứ mệnh kết nối quá khứ với hiện tại, gieo mầm tương lai từ những điều xưa cũ.

VÂN HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.