Bảo tàng Báo chí Việt Nam thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ, động viên to lớn của các nhà báo, gia đình nhà báo, các cấp hội nhà báo và các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương thông qua các hiện vật. Mỗi hiện vật, tư liệu nhận được vốn dĩ là những tài sản tinh thần quý giá được giữ gìn trong các cơ quan, đơn vị, trong các bộ sưu tập cá nhân, nay chính thức được trao gửi cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. 

 
Đại diện Bảo tàng Báo chí nhận hiện vật của các cá nhân.

Tại buổi lễ, Đài PTTH Ninh Bình hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam 1 máy ghi âm Marantz, 1 camera Panasonic M9000 sử dụng từ 1992 và đầu đọc băng cối; Đài PTTH Bắc Giang hiến tặng 1 camera Panasonic AJ D200 sử dụng từ 1999-2012 và 1 monitor Sony dùng trong trường quay của đài; gia đình cố nhà báo, Luật sư Phan Anh hiến tặng nhiều hiện vật quý cho bảo tàng như đĩa CD sưu tập Báo Thanh Nghị, sách viết về Luật sư, Nhà báo Phan Anh, nhiều bài viết về hiến pháp và quyền lập hiến và một số bức ảnh gắn bó với cuộc đời hoạt động của ông; nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu hiến tặng các hiện vật, trong đó có 1 bức ảnh trụ sở báo Độc lập năm 1948, 4 máy ảnh hiệu Hacoflex, Kodak và Pheinmetall được ông sử dụng từ 1945-1954, máy chữ hiệu Hermes Baby và sưu tập báo nước ngoài… đây là những kỷ vật quý gắn liền với quá trình công tác của ông...

Trước đó, sáng cùng ngày, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và 20 năm Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí”. Thông qua những nhân chứng lịch sử, những câu chuyện được kể lại của người trong cuộc, những hiện vật, bút tích, hình ảnh đều là bản gốc, triển lãm đã để lại ấn tượng sâu sắc với người xem.

Sổ ghi cảm tưởng của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. 

Rất quan tâm đến Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần gửi thư để động viên, dạy bảo, hướng dẫn một cách tỉ mỉ, chi tiết nghiệp vụ làm báo cách mạng… cho các học viên. Trong bức thư đề ngày 9-6-1949 của Người có đoạn viết: … “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: “ tất cả để chiến thắng”!

Tiếp thu lời dạy của Người, các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sau ngày tốt nghiệp, được tung mình vào đời sống chiến đấu, lao động sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên khắp mọi miền đất nước, góp phần làm rạng danh truyền thống báo chí cách mạng, tạo dựng sức mạnh của đội ngũ nhà báo- chiến sĩ. Nhiều người sau này đã trở thành những nhà báo, nhà hoạt động văn hóa văn nghệ nổi tiếng, có nhiều đóng góp được ghi nhận.

Triển lãm nhằm ghi nhớ một sự kiện lịch sử gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng, vị lãnh tụ xuất sắc của dân tộc ta; tôn vinh những đóng góp sáng tạo và hiệu quả trong công tác đào tạo cán bộ cách mạng, đào tạo cán bộ báo chí của đội ngũ những người thầy, những học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng 70 năm trước. Ngoài ra, triển lãm nhằm giới thiệu với các thế hệ nhà báo hôm nay và công chúng báo chí cả nước về một lớp nhà báo tiên phong trên mặt trận báo chí đã từng dành cả đời mình vì mục tiêu “Tất cả để chiến thắng” suốt những năm chống Pháp, chống Mỹ, những năm chiến tranh biên giới, những năm hòa bình gian khổ và anh dũng;

Triển lãm mang đến cho người xem, đặc biệt là các thế hệ làm báo về truyền thống và sức sống của báo chí cách mạng, một nền báo chí ra đời trong kháng chiến, từ nhân dân, vì nhân dân và dân tộc mà phát triển, mà vẻ vang.

Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN