Làng Đình Bảng, Từ Sơn từ lâu nổi tiếng với nghề làm bánh phu thê truyền thống  với hàng chục nhà làm bánh gia truyền. Bánh phu thê Đình Bảng nức tiếng gần xa không chỉ bởi hương vị truyền thống mà đây là là thứ bánh đặc trưng không thể thiếu trong mỗi dịp lễ Tết, cưới hỏi. Cứ vào dịp này, cả làng lại nhộn nhịp làm bánh như một công trường.

Để làm ra thứ bánh thơm ngon và đẹp mắt này đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu chọn lọc nguyên liệu đến chế biến thành phẩm. Chia sẻ về quá trình làm bánh, chị Nguyễn Thị Thu, chủ cơ sở sản xuất bánh Minh Thu, (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: “Bánh phu thê là sản phẩm của sự kỳ công chế biến, nguyên liệu làm bánh đều là những sản vật của đồng quê. Vỏ bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng xay mịn, lọc lấy tinh bột, sau đó nhào với đu đủ xanh nạo nhỏ, ngâm nước quả dành dành để tạo màu cho bánh. Nhân bánh chủ yếu là đậu xanh được đồ chín, sau đó trộn với đường kính và các gia vị khác như mứt bí, mứt sen và cùi dừa để tạo độ thơm, ngậy. Bánh phu thê được gói thành cặp, với 2 lớp lá: bên trong là lớp lá chuối, bên ngoài phủ lá dong, rồi buộc lại bằng sợi lạt đỏ”.

leftcenterrightdel
 Bánh phu thê được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản.
Sở dĩ bánh gói thành cặp là bởi dân gian xưa quan niệm bánh phu thê là hình ảnh tượng trưng cho đôi lứa nên duyên vợ chồng: “Hôm nay sum họp trúc mai - Tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm”. Màu xanh của lá bánh thể hiện sự thủy chung son sắt của người vợ Việt Nam, sợi lạt đỏ buộc bánh tượng trưng cho sợi tơ hồng se duyên cho đôi lứa gắn bó tình nghĩa vợ chồng. Mỗi chiếc bánh làm ra đều chan chứa tình yêu thương, sự đằm thắm, dịu dàng của người vợ hiền gửi gắm đến người chồng của mình. Cũng chính vì thế mà bánh trở thành thức quà đặc trưng trong mỗi mâm lễ ăn hỏi.

Không ít người lầm tưởng bánh phu thê là bánh su sê. Điểm khác nhau lớn nhất giữa 2 loại bánh này là bánh phu thê luôn gói theo cặp, chỉ có 1 màu vàng duy nhất và to hơn bánh su sê. Ngày nay, nhiều nơi sản xuất bánh phu thê, nhưng để hiểu đúng nghĩa và thưởng thức chuẩn hương vị bánh thì có lẽ chỉ có ở làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh – cái nôi làm ra loại bánh này.

Với đặc điểm là loại bánh dùng trong ăn hỏi và thương hiệu truyền thống đã tạo dựng trên thị trường, các chủ sản xuất bánh tại Đình Bảng luôn giữ được nguồn cung cầu khá ổn định. Không ít hộ gia đình khả giả hơn trước, có của ăn của để nhiều hơn nhờ nghề làm bánh gia truyền này. Dọc bên đường lối vào Đền Đô ở Đình Bảng, các hàng bánh gia truyền nối tiếp nhau, trở thành địa chỉ quen thuộc cho những khách tham quan muốn thưởng thức thứ bánh truyền thống này. Anh Bùi Khắc Bính, 51 tuổi, Ninh Bình, chia sẻ: “Năm nào nhà tôi cũng đến đây mua bánh. Đặc biệt là dịp tết, bánh phu thê không thể thiếu trong mâm cỗ gia đình tôi. Bánh có giá thành khá rẻ, ăn lại ngon ngọt, thơm, trông khá bắt mắt”.

leftcenterrightdel
Bánh phu thê – đặc sản người dân Kinh Bắc. 
Nghề làm bánh phu thê Đình Bảng đã và đang phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, song cũng gặp không ít trở ngại. Do bánh không bảo quản được lâu dài nên việc vận chuyển bánh đến các vùng trong và ngoài nước gặp khó khăn. Để bảo tồn và phát triển nghề làm bánh phu thê, lãnh đạo, chính quyền địa phương thường xuyên vận động người dân chú trọng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thành lập các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bánh với quy mô lớn để có thể mang đặc sản của vùng quê quan họ đến khắp mọi miền đất nước.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LINH