Cách trung tâm Thị trấn Sơn Dương chừng 30km, chúng tôi ghé thăm bản Mãn Hóa (xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), hiện ra trước mắt chúng tôi là một bức tranh tuyệt đẹp về xứ sở bình yên và thơ mộng của người Cao Lan.

Vẻ đẹp của Mãn Hóa được tạo bởi những sắc màu đặc trưng của nhà sàn Cao Lan, nép mình dưới những chân núi trùng điệp, phía trước là cánh đồng lúa bát ngát, những dòng suối uốn lượn và cả những văn hóa dân tộc chứa đựng sự tinh túy của núi rừng.

leftcenterrightdel

Bánh chim gâu là loại bánh có vỏ bọc ngoài bằng lá dứa rừng, được đan rất tỉ mỉ thành hình con chim gâu (hay chim cu gáy). 

Bánh nhỏ ẩn chứa tình mẫu tử của người Cao Lan

Mỗi món ăn của người Cao Lan đều mang trong mình một ý nghĩa nhất định. Nếu bánh vắt vai gắn liền với quá trình lao động cực nhọc của người Cao Lan thì bánh chim gâu (bánh hình con chim cu gáy) lại gắn liền với truyền thuyết nàng Slau Slam. Chiếc bánh nhỏ như lời nhắc nhở con cháu tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả của người mẹ đối với con, của những người thân trong gia đình đối với nhau.

Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn (sinh năm 1946), người bảo tồn những giá trị văn hóa của người Cao Lan tại Mãn Hóa kể: “Sự ra đời của bánh chim gâu gắn với truyền thuyết về nàng Slau Slam. Đó chính là một người con gái vừa đẹp người đẹp nết lại giỏi ca hát, khiến trai tráng trong bản ai ai cũng đem lòng yêu mến. Trước khi gả Slau Slam về nhà chồng, người anh đã căn dặn cô không được mở miệng khi về nhà chồng. Vì nghe theo lời của anh trai, nhà chồng Slau Slam đã ghét bỏ và đuổi cô trở về. Trên đường về, cô nhìn thấy một con chim gâu chết ở rìa đường với cái diều căng cứng đầy thóc, gạo. Cách đó không xa là tiếng kêu yếu ớt của chim non trong bụi dứa rừng, nàng mới nhận ra được lý do chim mẹ chết. Rơi lệ trước tình mẫu tử thiêng liêng của chim mẹ và chim con, Slau Slam đã lấy thức ăn trong diều của chim mẹ mớm cho chim non, sau đó dùng lá dứa đan làm giỏ đưa chúng về nhà nuôi”.

leftcenterrightdel
Người Cao Lan cho rằng, lá dứa rừng là một vị thuốc chữa được bệnh dạ dày do đó, gói bánh bằng lá dứa rừng sẽ vừa tạo vị thơm ngon cho bánh, vừa chữa được bệnh nên đây là loại lá rừng quen thuộc mà người Cao Lan yêu thích. 

Những chiếc bánh chim gâu tựa hình cánh diều to lớn của chim mẹ, bao bọc che chở cho đàn con thể hiện sự yêu thương, biểu tượng về tình mẫu tử thiêng liêng cao cả, hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ.

Sự kết tinh từ những nguyên liệu giản đơn

Bánh chim gâu chính là sự kết tinh từ những nguyên liệu đơn giản nhưng cách chế biến lại đòi hỏi sự khéo léo và cẩn thận. Chị Dương Thị Lâm (sinh năm 1987) thành viên Điểm sinh hoạt văn hóa Cao Lan tại bản Mãn Hóa cho biết: “Để làm được chiếc bánh chim gâu chuẩn, người Cao Lan thường phải lên rừng tìm những chiếc lá dứa xanh. Chỉ có gói bánh chim gâu bằng lá dứa rừng thì mới tạo được hương thơm đặc trưng cho bánh”.

leftcenterrightdel
Dưới đôi bàn tay khéo léo của người làm thì mỗi chiếc lá dứa rừng sẽ được uốn, đan thành hình con chim cu gáy rồi sau đó sẽ nhồi gạo nếp vào trong đến khi đầy thì đan kín lại rồi đem đi luộc. 
leftcenterrightdel
Để có một nồi bánh ngon thì trong suốt quá trình nấu, lửa phải đều và giữ chiếc bánh luôn ngập trong nước. Bánh sẽ chín sau khoảng 1 tiếng, sau đó vớt ra, để cho ráo nước và cắt đôi bánh ra để thưởng thức. 

Theo chị Lâm, cùng với lá dứa rừng, bánh chim gâu không thể thiếu gạo nếp. Gạo nếp được chọn để gói bánh là loại gạo nếp ngon, được vo sạch để ráo nước và trộn thêm một chút muối, tạo vị đậm đà cho bánh.

Không phải là món bánh chế biến cầu kỳ, nhưng để gói được chiếc bánh đẹp và thơm ngon thì cần phải đến đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Chiếc vỏ bọc bên ngoài của bánh được đan thành hình con chim gâu. Thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng để có thể đan thành thạo và khéo léo chiếc vỏ bánh cũng là cả một quá trình luyện tập. Vỏ bánh được đan từ 2 nửa lá dứa rừng, gấp làm 4 được đan theo kiểu nong mốt, vừa đan vừa uốn để chiếc bánh có đuôi.

leftcenterrightdel
Bánh chim gâu gắn với truyền thuyết về tình mẫu tử thiêng liêng của chim gâu mẹ với chim con. Vì vậy, người Cao Lan gói bánh chim gâu còn muốn gửi gắm thông điệp về tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả và tình thương yêu của những người thân trong gia đình đối với nhau. 
leftcenterrightdel
Bánh không chỉ được gói vào dịp lễ, Tết của bà con dân tộc Cao Lan mà còn trở thành món ăn phổ biến được giới thiệu hầu hết vào các dịp lễ hội, hội chợ, chợ quê… lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh với những vị khách phương xa. 

Sau khi đã làm xong vỏ bánh, công đoạn tiếp theo chính là nhồi gạo nếp vào trong vỏ, có thể thêm phần nhân đậu xanh, hay thịt vào giữa, gói lại và mang đi luộc. Trong suốt quá trình luộc, bánh phải được ngập hoàn toàn trong nước, sau một tiếng thì bánh sẽ chín, vớt chúng ra để nguội, cuối cùng thì cắt đôi để thưởng thức.

Những chiếc bánh chim gâu chính là cầu nối thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm của những người trong gia đình với nhau. Vì thế, nếu có dịp ghé qua Mãn Hóa (xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) nhất định bạn nên một lần trải nghiệm làm và thưởng thức món bánh này.

leftcenterrightdel
Sau khi đã đầy đủ nguyên liệu, các bà, các mẹ, các chị sẽ sử dụng đôi bàn tay khéo léo đưa nguyên liệu là gạo nếp mùa lúa mới nhồi vào trong rồi đem đi luộc. Video: Hồng Phúc 

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC