“Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay. Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây. Sài Gòn ơi, sắt son đã bao năm rồi, một ngày vui giải phóng...” - ca từ vui tươi, giai điệu rộn rã, hoành tráng của bài Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà vốn rất quen thuộc với công chúng suốt 30 năm qua - nhất là vào những dịp cả nước kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đặc biệt, kể từ ngày 30/4/2005, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM sẽ chính thức lấy ca khúc này làm nhạc hiệu...
Khi nghe cái tin "sốt dẻo" này, chúng tôi liền đến thành phố Vũng Tàu tìm tác giả ca khúc Đất nước trọn niềm vui, và thật chạnh lòng khi chứng kiến vợ chồng lão nhạc sĩ (ông nay đã 76 tuổi) sống lặng lẽ và không lấy gì làm sung túc trên một căn gác chật hẹp đối diện với rạp hát Duy Tân. Hôm ấy lại cúp điện, nhạc sĩ đã phải trả lời phỏng vấn với một lưng áo đẫm mồ hôi khiến chúng tôi cảm thấy áy náy và thương ông vô cùng. Dẫu vậy ông vẫn rất vui vẻ kể lại chuyện đời mình.
Tên thật của nhạc sĩ y như một nhân vật có thật trong lịch sử võ thuật Trung Hoa: Hoàng Phi Hồng ! Quê ở Hà Nội, bố mất sớm, nhà nghèo nên ông chỉ học tương đương lớp 4 đã phải bỏ để đi làm trong một nhà in của Pháp. Sau tổng khởi nghĩa 1945, ông thoát ly lên tỉnh Phúc Yên với nhiều nhiệm vụ phục vụ cách mạng: Tổng phụ trách thiếu nhi, tổ trưởng ấn loát rồi tự học nhạc và tập tành sáng tác những bài hát ngắn có nội dung tuyên truyền chống giặc (tự vẽ bìa, tự in và phát tán).
Chính nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là người thầy dạy sáng tác đầu tiên cho ông (qua thư tay, chưa hề biết mặt nhau). Năm 1949, ông được học khóa nhạc đầu tiên của Trường Văn nghệ liên khu Việt Bắc rồi làm Trưởng đoàn Văn công tỉnh Vĩnh Phúc. Bài hát đầu tiên của Hoàng Hà được phát trên sóng phát thanh là Không một lời khai. Năm 1953, sau một trận càn của giặc Pháp, ông và một người bạn suýt chết ngạt trong hầm bí mật ở vùng tạm chiếm thuộc xã Cẩm La nếu các du kích không cứu kịp (do đó, từ năm 1968 Hoàng Hà còn có một bút danh nữa là Cẩm La). Năm 1960, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam rồi về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho tới lúc về hưu.
Về ca khúc Đất nước trọn niềm vui, nhạc sĩ Hoàng Hà tâm sự: "Chỉ đến ngày 26/4/1975 tôi mới biết chiến dịch đánh thẳng vào Sài Gòn được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi rất xúc động, nghĩ: một khi chiến dịch đã được mang tên Bác thì không thể không chiến thắng, và ngay trong đêm đó tôi viết Đất nước trọn niềm vui với những câu nghĩ về Bác: "Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông. Rạo rực thay hôm nay Bác vui với hội toàn dân...". Viết xong, tôi với con trai cứ nghêu ngao hát mãi. Lúc đầu, tôi tính đưa Đài Phát thanh Giải Phóng (mỗi khi sáng tác "chi viện" cho đài này thì tôi ký tên Cẩm La). Thế nhưng khi đưa cho nhạc sĩ Triều Dâng đọc thì anh ấy bảo: "Bài này phải ký tên Hoàng Hà" và quyết định hôm sau ghi âm ngay (Trung Kiên hát, Đỗ Dũng phối nhạc - lúc đó còn khá sơ sài). Bài hát được phát vào đúng sáng 1/5/1975 cùng với bài Như có Bác trong ngày đại thắng của anh Phạm Tuyên... Thời điểm sáng tác ca khúc ấy chỉ có một ngày nhưng là kết tinh của cả một quá trình, một đời người. Khi viết tôi đang ở Hà Nội, mãi đến năm 1977 mới... lần đầu tiên thấy Sài Gòn. Sau 30 năm, được tin Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM lấy ca khúc này làm nhạc hiệu, tôi rất sung sướng và cảm động. Với tôi đó là một phần thưởng bởi sáng tác không chỉ để giải trí mà còn phải đạt được tính thẩm mỹ, tính hiệu quả cao. Như vậy tôi đã có 4 ca khúc được các "nhà đài" chọn làm nhạc hiệu: Đài PTTH Vĩnh Phúc (bài Vĩnh Phúc quê tôi), Đài Phát thanh thành phố Việt Trì (Ánh đèn trên cầu Việt Trì), Đài PTTH Khánh Hòa (Chào Nha Trang giải phóng) và Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM. Riêng tác phẩm Tiếng rừng dương (giao hưởng viết về Côn Đảo) được giải nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1997.
Theo: ThanhnienOnline.