Hơn thế, giá trị truyền thống của quy ước, hương ước được đan cài với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), kết hợp nhuần nhị trong việc thực hiện với bộ quy tắc ứng xử của TP Hà Nội, góp phần tích cực vào việc phát huy tinh thần đoàn kết, hình thành những giá trị văn hóa mới của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đề cao tinh thần cộng đồng trong gian khó

Từ trung tâm huyện Quốc Oai hướng về phía tây khoảng 12km, dọc hai bên triền đê sông Tích nổi tiếng của xứ Đoài mộng mơ là những khóm hoa đủ sắc màu. Trong cái nắng chói chang của mùa hè, những bóng áo xanh tình nguyện thấp thoáng dưới gốc cây phượng trên sân Trường THPT Tuyết Nghĩa thu hút chúng tôi. Phía sau yên những chiếc xe máy là thùng loa phát thanh, vừa lau ráo mồ hôi trên mặt, vừa chỉ vào thùng loa, anh Dương Văn Minh, Bí thư Đoàn thanh niên xã Tuyết Nghĩa cho biết: “Tranh thủ thời gian gần trưa, người dân vừa đi làm về, chúng tôi kéo loa đài làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, kêu gọi người dân tham gia ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của Chính phủ”. Tiếp đó, Bí thư Đoàn xã dẫn chúng tôi đi quanh trường, giới thiệu công trình do Đoàn thanh niên xã Tuyết Nghĩa thực hiện chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là bức tranh bích họa và vườn hoa, cây cảnh dọc bờ tường của Trường THPT Tuyết Nghĩa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trí, Phó chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa cho biết, xã về đích NTM từ năm 2016, phấn đấu năm 2022 sẽ về đích NTM nâng cao. Đạt được những kết quả này đều dựa vào sự quyết tâm của cả hệ thống chính quyền và người dân; trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò xung kích; đồng thời, có phần đóng góp từ việc người dân thấm nhuần và thực hiện tốt các hương ước, quy ước của các thôn, làng trong xã.

Ông Nguyễn Văn Canh (bên trái), Bí thư Chi bộ thôn Hương Lam, xã Đại Đồng (Thạch Thất) trao đổi về hương ước, quy ước thôn với cán bộ văn hóa xã. 

Nhờ sự chung tay của bà con mà thôn Hương Lam, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất đã xây dựng được các thiết chế văn hóa mới. Ngồi trong đình Hương Lam, ông Nguyễn Văn Canh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Hương Lam giới thiệu với chúng tôi bộ quy ước, hương ước của thôn được UBND xã thông qua với 7 chương, 18 điều; nổi bật trong đó là truyền thống coi trọng sự gắn kết gia đình, dòng họ, làng xã của người dân. Trên cơ sở kế thừa, hương ước, quy ước được cộng đồng dân cư chọn lọc, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và phong tục, tập quán của địa phương. Cuốn sổ theo dõi việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và mừng thọ được ông Canh giới thiệu vui là “phụ lục giám sát các quy định của quy ước, hương ước”. Mở những trang ghi đầu năm 2021, mục cưới hỏi có ghi: “Cặp đôi Nguyễn Văn Đức-Phạm Thị Hoa Mai do dịch Covid-19 chỉ tổ chức lễ ăn hỏi, hủy tiệc cưới”; mục mừng thọ: “Hai ông Nguyễn Văn Thuyên và Kiều Văn Hải đón tuổi 70 không tổ chức lễ mừng thọ”... Ông Canh cho biết, không chỉ đến thời gian này, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các hoạt động mừng thọ, hiếu hỉ, việc tang tổ chức gọn nhẹ, văn minh mà từ 5 đến 6 năm nay, thực hiện theo quy ước, hương ước, bà con trong thôn luôn nhắc nhở nhau nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm các quy định.

Tới xã Mê Linh, huyện Mê Linh, chúng tôi được nghe những câu chuyện kể về tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, giúp nhau trong hoạn nạn của người dân nơi đây. Thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh từng phải thực hiện lệnh cách ly, phong tỏa do có ca mắc Covid-19 vào thời điểm đầu tháng 4-2020. Ông Nguyễn Viết Minh, Phó chủ tịch UBND xã Mê Linh gọi đó là những ngày "nông thôn không ngủ". Ông xúc động khi nhắc tới tấm lòng thơm thảo của người dân Mê Linh. Đó là câu chuyện bà con trong thôn chia nhau từng bó rau, quả cà chua, chai nước mắm, khẩu trang, lọ nước rửa tay... Hay câu chuyện người dân ở những thôn trong xã không bị ảnh hưởng bởi dịch đã tiếp tế, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con thôn Hạ Lôi... "Tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, lúc khó khăn, hoạn nạn chính là điều được thể hiện trong quy ước, hương ước được tiếp nối từ bao đời nay của người dân xã Mê Linh”, ông Nguyễn Viết Minh cho hay.

Những bất cập cần tháo gỡ, khắc phục

Nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp, ban, ngành, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các quy ước, hương ước, quy tắc ứng xử văn hóa lan tỏa sâu rộng vào đời sống của nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn đó những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ, giải quyết.

Qua tìm hiểu thực tế tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai được biết, trong 19 tiêu chí phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, xã có 2 tiêu chí cơ bản đạt và 5 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí về môi trường, trường học, sản xuất... Bởi vậy, để về đích NTM nâng cao vào năm 2022 theo kế hoạch đề ra, địa phương cần phải cố gắng vượt qua một số hạn chế, bất cập. Ông Nguyễn Duy Nhu, Chủ tịch UBND xã Bình Minh trăn trở về khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường của địa phương. Người dân Bình Minh chủ yếu làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm. Trong quá trình làm nghề đã phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Nhằm khắc phục những tồn tại này, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh.

Tuy nhiên, đến nay, theo ông Nhu, dự án còn một số vướng mắc khi chưa tìm được đơn vị đấu thầu. Việc dự án chưa đi vào hoạt động nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương là điều khó tránh khỏi. Trước mắt, để hạn chế những bất cập đang tồn tại, ông Nhu cho biết: “Chúng tôi thành lập các đội kiểm tra, phối hợp với các ban, ngành liên quan của huyện tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn thực phẩm mà người dân đưa về giết mổ. Đồng thời, chú trọng việc tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường”.

Nói về những kết quả đạt được trong việc thực hiện triển khai hai bộ quy tắc ứng xử của thành phố kết hợp trên nền tảng phát huy vai trò của hương ước, quy ước tại địa phương, ông Đỗ Văn Cường, Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Thanh Oai thừa nhận vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là vấn đề đạo đức trong phạm vi gia đình hay như những tranh chấp, mâu thuẫn về chế độ, chính sách, đất đai của người dân. Một phần nguyên nhân từ quá trình huyện Thanh Oai sáp nhập địa giới hành chính từ Hà Tây (cũ) về Hà Nội, một bộ phận người dân còn tồn đọng những việc chưa được giải quyết thỏa đáng dẫn tới việc không thực nghiêm túc các quy định trong hương ước làng xã. “Để giải quyết vấn đề này, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tuyên truyền về quyền lợi của người dân chưa đến nơi đến chốn”, ông Đỗ Văn Cường cho biết.

Theo Báo cáo về tình hình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư năm 2016 của Bộ Tư pháp, Hà Nội có 6.732 hương ước, quy ước được niêm yết, phổ biến đến cộng đồng dân cư. Trong đó, 2.094 hương ước, quy ước được kiểm điểm, thực hiện hằng năm.

(còn nữa)

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ - NGUYỄN HOÀI