Nhân dịp Trung ương chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, phóng viên Báo Quân đội nhân dân gặp gỡ một số chuyên gia, nhà khoa học để góp phần làm rõ một vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm thời gian gần đây: Phòng, chống, ngăn chặn sự tha hóa con người và những lệch chuẩn văn hóa trong xã hội. 

TS Hoàng Thị Hoa.

Môi trường văn hóa (MTVH) có ảnh hưởng, tác động sâu sắc đến việc xây dựng phẩm chất, nhân cách con người và xây dựng nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh. MTVH tốt đẹp thì con người được “tắm mình” trong bầu khí quyển lành mạnh để sống nhân văn, tử tế hơn. Đây là một nhiệm vụ quan trọng đã được Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng chỉ ra. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, xã hội vẫn còn không ít lỗ hổng về văn hóa khiến đạo đức, nhân cách con người đang đứng trước nhiều thách thức. Đây cũng là vấn đề trăn trở của TS Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VH, GD, TN, TN&NĐ) của Quốc hội, khi trao đổi với chúng tôi.

Không có môi trường văn hóa tốt đẹp, khó có nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh

Phóng viên (PV): Thời gian gần đây, nhiều hiện tượng lệch chuẩn văn hóa liên quan đến giới trẻ, nhiều sản phẩm “rác rưởi” mà có người gọi là dòng “nhạc tù”, “phim xã hội đen”, “tiểu phẩm giang hồ” trôi nổi trên mạng xã hội; vấn nạn bạo lực học đường xảy ra ở nhiều nơi rất đáng báo động. Theo bà, nguyên nhân của thực trạng trên do đâu?

TS Hoàng Thị Hoa: Tôi cho rằng, ngoài lý do chủ quan là một bộ phận thanh thiếu niên ở lứa tuổi bồng bột, tâm sinh lý chưa hoàn thiện, thích a dua, đua đòi theo những trào lưu văn hóa lệch chuẩn trên mạng xã hội, còn xuất phát từ căn nguyên sâu xa là do nhiều nơi chưa chú trọng chăm lo xây dựng MTVH lành mạnh để giới trẻ được thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần bổ ích, phong phú.

PV: Với nhiều người, MTVH là một khái niệm khá “trừu tượng”, thế nên chưa có những việc làm cụ thể để chung tay góp sức xây dựng MTVH lành mạnh. Theo bà, điều này có đúng thực tế không?

TS Hoàng Thị Hoa: Nội dung xây dựng MTVH rất rộng, bao gồm những mặt cơ bản: Xây dựng đồng bộ MTVH gắn với hệ giá trị, chuẩn mực cụ thể trong gia đình, trường học, địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, cảnh quan môi trường gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; xây dựng quy chế, quy định hợp lý để người dân chủ động tham gia các hoạt động văn hóa... Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng đã khẳng định, MTVH phải là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa con người Việt Nam và xây dựng mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học và mỗi cộng đồng có MTVH tốt đẹp. Vì không có MTVH tốt đẹp, khó có thể kiến tạo nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh.

Người dân Khu dân cư số 2, huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) tìm đọc thông tin, sách báo tại nhà văn hóa. Ảnh: HOÀNG HÀ.

Tôi xin đưa ra ví dụ về MTVH liên quan đến đạo đức xã hội. Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong năm 2015, cả nước có 24.101 vụ ly hôn, trong đó 8.000 vụ do bạo lực gia đình. Trẻ em chứng kiến bạo hành gia đình sẽ phải chịu những cú sốc tâm lý, nhân cách méo mó, gặp nhiều khó khăn hơn để trở thành công dân có ích cho đất nước.

Trường học được coi là môi trường giáo dục an toàn, không gian sinh hoạt, học tập, rèn luyện khá lý tưởng, nhưng một bộ phận học sinh cũng đang bị tác động không nhỏ bởi những hệ lụy tiêu cực từ MTVH, nhất là mạng xã hội. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến 2018, cả nước có hơn 9.900 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường xảy ra trong nhà trường.

Rõ ràng, nếu chúng ta xây dựng được “cái nôi” văn hóa gia đình, văn hóa học đường thực sự lành mạnh thì sẽ góp phần giảm những con số đáng buồn trên.

PV: Chủ trương xây dựng MTVH của Đảng đề ra từ nhiều năm nay, nhưng vì sao đời sống văn hóa ở nhiều nơi còn không ít hạn chế, bất cập, thưa bà?

TS Hoàng Thị Hoa: Khách quan mà nói, công tác xây dựng MTVH những năm qua đã được triển khai rộng khắp, nhiều nơi có cách làm hay, sáng tạo, góp phần xây dựng môi trường xã hội ổn định, văn minh. Nhưng thực tế, những việc làm được vẫn còn hạn chế so với những tồn tại, bất cập trong xây dựng MTVH. Đời sống văn hóa tinh thần của công nhân, người lao động, đồng bào miền núi nhiều nơi vẫn ở mức thấp; hoạt động lễ hội ở nhiều nơi có biểu hiện biến tướng lệch lạc; thiết chế văn hóa có số lượng khá lớn nhưng thiếu cơ chế vận hành, hoạt động nghèo nàn, chưa thu hút người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao...

Khi đến công tác tại hai tỉnh Bình Dương và Vĩnh Phúc (hai địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn) để tìm hiểu về đời sống văn hóa tinh thần của công nhân, chúng tôi cảm thấy rất buồn khi thiếu trường mầm non gửi con trẻ; nhà văn hóa có đấy nhưng hoạt động năm thì mười họa. Anh chị em công nhân là chủ thể của MTVH nhưng cả chính quyền địa phương, ban quản lý khu công nghiệp dường như đã quên mất điều này. Chính quyền nhiều địa phương còn lúng túng trong quy hoạch, xây mới trường mầm non khi lượng trẻ em tăng đột biến khiến công nhân phải gửi con ở các cơ sở tư thục. Tôi lấy ví dụ ở Na Uy, một cô giáo chỉ được trông tối đa 3 trẻ; ở ta, nhiều khu vực đông công nhân có khi một cô giáo phải chăm sóc cả chục cháu bé, áp lực đó ít nhiều dẫn đến những chuyện đau lòng về bạo hành trẻ em.

Xây dựng môi trường văn hóa cần phải thực chất để góp phần bồi đắp đạo đức, lối sống cho con người

PV: Bà có thể lý giải vì sao chúng ta có nhiều phong trào xây dựng MTVH, nhiều danh hiệu về văn hóa, nhưng lối sống, đạo đức của một bộ phận người dân trong xã hội đang “xuống dốc”?

TS Hoàng Thị Hoa: Sức lan tỏa, tác động của các phong trào, danh hiệu văn hóa chưa cao, chung quy vẫn là cách làm chưa hiệu quả; vẫn còn chồng chéo nội dung, triển khai lúng túng, tiêu chí không rõ ràng, chạy theo thành tích, khen thưởng chưa tương xứng… Đó là những yếu tố khiến các phong trào, danh hiệu liên quan đến xây dựng MTVH ngày càng kém giá trị, thiếu thực chất. Cả nước có tới 19 triệu/22 triệu gia đình được tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, nhưng vì sao nạn bạo hành gia đình, số vụ ly hôn những năm qua vẫn có xu hướng tăng? Một trong những lý do là nhiều địa phương báo cáo không trung thực hoặc trao danh hiệu một cách dễ dàng. Một khi phong trào văn hóa rơi vào hình thức thì tác động lên đời sống sẽ rất thấp và thiếu tác dụng đối với việc giáo dục, bồi đắp những giá trị sống tích cực, nhân văn cho con người.

PV: Nếu triển khai hiệu quả, thực chất các phong trào xây dựng MTVH thì chắc chắn góp phần cải thiện đạo đức xã hội, nhưng đó không phải là “chìa khóa vạn năng”. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

TS Hoàng Thị Hoa: Chuyện đạo đức xã hội sa sút có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan của con người. Điều đó đòi hỏi mỗi chúng ta phải thường xuyên rèn luyện, tu thân tích đức; cán bộ lãnh đạo thì phải tự giác nêu gương, sống trong sạch, tự trọng, liêm khiết; người dân thì phải tự giác chấp hành pháp luật, thực hiện những đạo lý tốt đẹp của dân tộc và chuẩn mực văn hóa cộng đồng. Tóm lại, trong xã hội mở cửa, hội nhập và cơ chế thị trường hiện nay, ai cũng phải có trách nhiệm rèn luyện, hoàn thiện đạo đức cá nhân để góp phần giữ gìn đạo đức gia đình, đạo đức xã hội. Người giàu mà không giữ mình sẽ sa vào lối sống xa hoa, hưởng lạc; người nghèo mà không giữ nhân cách thì dễ “sinh đạo tặc”…

PV: Công tác lập pháp và giám sát của Quốc hội cần có hoạt động nào để góp phần xây dựng văn hóa trở thành “bức tường thành” ngăn chặn các hành vi băng hoại đạo đức xã hội, đạo đức con người, thưa bà?

TS Hoàng Thị Hoa: Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng, Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ của Quốc hội được giao thẩm tra một số luật quan trọng, như: Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Du lịch, Luật Thể dục-Thể thao, Luật Thư viện… Nếu tìm hiểu các luật sẽ thấy quyền lợi, nghĩa vụ tham gia đầy đủ các hoạt động văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được bảo đảm và mở rộng.

Với công tác giám sát, các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe nguyện vọng nhân dân; qua đó kịp thời phát hiện, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến xây dựng MTVH. Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ đã kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu luật hóa một số quy định về nếp sống văn minh, trật tự, vệ sinh môi trường; xây dựng quy định, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa. Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; bảo đảm các nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án phát triển văn hóa, thể thao.

Những luật trên sẽ giúp xây dựng MTVH lành mạnh ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, cần có sự chung tay thực thi nghiêm túc của các bộ, ngành và địa phương, sự đồng lòng tham gia của đông đảo người dân thì nhiệm vụ xây dựng MTVH nói chung, việc phòng, chống đạo đức xã hội xuống cấp nói riêng mới đạt được kết quả khả quan trong thời gian tới.

Hội nhập sâu rộng với thế giới bên ngoài được ví như mở cánh cửa để đón “luồng gió” mới vào nước ta. Trong luồng gió đó, ngoài những “ngọn gió” mát lành, trong trẻo, thơm tho, còn có những “bụi bặm”, thậm chí “vi rút độc hại” có thể xâm nhập sâu vào nước ta khiến văn hóa dân tộc có nguy cơ bị lai căng, mất gốc và ảnh hưởng xấu đến lối sống con người và đạo đức xã hội. Trong bài phỏng vấn tiếp theo, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sẽ có nhiều kiến giải sâu sắc về vấn đề này. 

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(còn nữa)

THIỆN VĂN - HÀ HOÀNG (thực hiện)