Bên cạnh đó là sự phát triển phong phú của loại hình khí nhạc và đời sống âm nhạc đa dạng trong thời kỳ phát triển và hội nhập. Đó chính là lý do mà tháng 11-2014, Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á-Thái Bình Dương (ACL) quyết định kết nạp Việt Nam vào hiệp hội và đề nghị Việt Nam đăng cai Festival Âm nhạc mới Á-Âu trong khuôn khổ Hội nghị ACL lần thứ 34 năm 2016 (từ ngày 12-10 tới). Trao đổi với phóng viên Báo QĐND, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, đây là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức cho âm nhạc Việt Nam.

Phóng viên (PV): Thưa nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, với số lượng gần 100 tác phẩm khí nhạc, giao hưởng, opera, vũ kịch… của các tác giả từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ gửi đến Việt Nam để các đơn vị nghệ thuật hàn lâm dàn dựng và biểu diễn, lại hầu hết là những tác phẩm mới với nhiều hình thức sáng tạo. Như thế có khó cho các nghệ sĩ Việt Nam?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Chúng tôi đã gặp rất nhiều thách thức. Ví dụ có một tác phẩm đoạt giải của Hội nghị ACL tổ chức tại Nhật Bản, viết cho cây đàn violin, khi chúng tôi chuyển cho nghệ sĩ Bùi Công Duy tập luyện, sau gần một tuần anh Duy gửi trả lại, bảo bản nhạc rất khó, không thể chơi. Chúng tôi lại tiếp tục gửi sang nhờ một giáo sư, nghệ sĩ violin của Học viện Âm nhạc quốc gia Tchaikovsky (Nga), nhưng cũng bị ông từ chối vì tác phẩm khó quá, không thể đánh nổi. Đó chỉ là một số ít trong những tác phẩm khó, nhưng lại mang đúng tinh thần của Festival, nhiều tác phẩm khiến cho nhạc công, nghệ sĩ phải dùng hết tài năng, trí tuệ để có thể đọc được các bản nhạc và đưa đến một làn gió mới tới công chúng. Hơn nửa năm nay, các nghệ sĩ, nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam… đã tập trung cao độ cả ngày lẫn đêm tập luyện. Kết quả, có 98 tác phẩm phong phú về màu sắc, cung bậc cảm xúc để có thể biểu diễn phục vụ khán giả trong nước, quốc tế.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy và các nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam sẽ biểu diễn những tác phẩm mới của các nhà soạn nhạc quốc tế trong Festival Âm nhạc mới Á-Âu năm nay. Ảnh: Quang Trung 

PV: Theo nhạc sĩ, cơ hội của Việt Nam khi đăng cai cùng lúc hai hoạt động của ACL lần này là gì?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Là sự khẳng định tài năng nghệ sĩ, nhạc công chuyên nghiệp của Việt Nam đến đâu khi mà chúng ta phải biểu diễn tốt các sáng tác mới rất khó của Pháp, Anh, Nhật Bản... Trong xu hướng phát triển âm nhạc, chính tai của những người sáng tác hay nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển chuyên nghiệp còn cảm thấy xa lạ, trong khi những sáng tác mới còn phải được chơi bằng những nhạc cụ có tính năng mới, thậm chí chưa xuất hiện ở Việt Nam.

Cơ hội lớn nữa là chúng ta giới thiệu được những gương mặt nhạc sĩ mới, trẻ, các tài năng biểu diễn. Như lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu tác phẩm tứ tấu đàn dây của nhạc sĩ Trọng Đài; 3 gương mặt nhạc sĩ trẻ thuộc thế hệ “9X” đang học Khoa Lý luận-Sáng tác-Chỉ huy của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Bên cạnh đó là những tài năng biểu diễn như Bùi Công Duy chơi violin; Hà Miên, Quốc Dũng chơi violoncelle; Trọng Bằng thổi sáo flute…

Mang chủ đề “Âm nhạc-hội tụ và lan tỏa”, chúng tôi đã mời một số nghệ sĩ đến từ Học viện Âm nhạc quốc gia Tchaikovsky, cặp nghệ sĩ chơi violin Tây Ban Nha, nhóm nhạc trống Nhật Bản… Họ đến biểu diễn và truyền đạt kinh nghiệm biểu diễn cho nghệ sĩ Việt Nam thông qua các buổi giao lưu và tọa đàm. Ngoài 8 buổi diễn phục vụ miễn phí tại Phòng hòa nhạc lớn Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, thì điểm nhấn sẽ là chương trình hòa nhạc giao hưởng khai mạc Festival tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế với hai phần, phần 1 do nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy dàn nhạc 80 nghệ sĩ, nhạc công chơi các bản nhạc mới của nhạc sĩ quốc tế; phần 2 hứa hẹn sức hấp dẫn bởi chính các nhà soạn nhạc sẽ chỉ huy dàn nhạc chơi tác phẩm của mình, ngoài các nhạc sĩ đến từ Nhật Bản, Xin-ga-po, Hồng Kông (Trung Quốc) thì Việt Nam có nhạc sĩ Thiếu Hoa và tôi chỉ huy dàn nhạc biểu diễn một trích đoạn trong tác phẩm nhạc kịch “Lá đỏ”.

PV: Đời sống âm nhạc Việt Nam thời gian vừa qua vẫn còn “chòng chành”, nghiêng phần nhiều về phía nhạc trẻ, ca khúc đại chúng. Vậy bao giờ chúng ta mới có thể cân bằng được đời sống âm nhạc như mong muốn của rất nhiều người, thưa nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Đúng là nhiều năm nay khi nhắc tới âm nhạc là người ta nhắc đến nhạc trẻ, ngôi sao nọ kia mà đang quên mất cốt lõi của nền âm nhạc - nền tảng bê tông của một ngôi nhà, là khí nhạc. Chúng tôi đang nỗ lực tổ chức nên các sự kiện âm nhạc mang tính chính thống, có sự tham gia của quốc tế để tạo sự cân bằng và nhiều màu sắc cho âm nhạc. Tuy nhiên, cũng cần sự đồng hành, hưởng ứng của nhiều cấp, ban ngành. Ví dụ như năm 2014, khi đi dự Festival âm nhạc tại Nhật Bản, tôi đã đi tìm hiểu ngay ở TP Tô-ki-ô có tới hơn 20 dàn nhạc giao hưởng. Khán giả của họ đủ các đối tượng, người già 70-80 tuổi, công nhân, giáo viên, sinh viên cho tới các cháu mẫu giáo. Điều đặc biệt là trước khi vào phòng hòa nhạc, khán giả được phát một bản nhạc có lời, dàn nhạc chơi những bản nhạc vui, nhẹ nhàng, đến phần cuối thì khán giả đứng lên đồng thanh hát trên nền nhạc giao hưởng phối khí bài hát đó. Tôi chợt nghĩ, giá như chúng ta có cách làm như thế, chẳng hạn phối khí bài hát “Em ơi Hà Nội phố” thì chắc chắn khán giả ai cũng có thể hát và sẽ dần tạo cho mình thói quen đến xem nhạc giao hưởng. Hay các trường học, phụ huynh tổ chức cho con em đến dàn nhạc, Nhà hát Lớn Hà Nội để tìm hiểu về nhạc cụ, qua sự hướng dẫn của nhạc công, rồi giúp các em tập chơi đàn, thích xem hòa nhạc… Âm nhạc bác học của chúng ta đang có những khoảng cách nhất định với công chúng, hy vọng tới đây sẽ được quan tâm nhiều hơn để đưa khí nhạc đến với đông đảo công chúng.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)