Báo Quân đội nhân dân bình chọn 10 sự kiện văn hóa, giáo dục, du lịch, thể thao tiêu biểu trong năm qua, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
1. Tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Được tổ chức sau đúng 75 năm ngày Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra (24-11-1946 / 24-11-2021), Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị và có bài phát biểu quan trọng, định hướng cho sự phát triển văn hóa của đất nước trong thời gian tới.
    |
 |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.Ảnh: TRỌNG HẢI |
Hội nghị là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
2. UNESCO vinh danh hai danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương và ghi danh Nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam
Trong phiên họp sáng 23-11, tại Paris (Pháp), hai danh nhân Việt Nam là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh. Việc vinh danh hai danh nhân văn hóa của Việt Nam được Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 thông qua trong danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023”. Hồ sơ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm Ngày sinh, 200 năm Ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được thông qua cùng với 58 hồ sơ khác.
Những ngày gần kề kết thúc năm 2021, Nghệ thuật xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chủ thể của nghệ thuật xòe Thái là cộng đồng người Thái, cư trú ở vùng Tây Bắc Việt Nam, canh tác chủ yếu là trồng lúa nước. Theo Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, việc ghi danh xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ văn hóa phi vật thể của thế giới, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản UNESCO đang thúc đẩy.
3. Giới thiệu Việt Nam tại World Expo 2020 Dubai
Nhà triển lãm Việt Nam và các hoạt động trong Ngày Quốc gia Việt Nam, Ngày ASEAN do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức tại Triển lãm World Expo (Triển lãm thế giới) 2020 Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để lại nhiều ấn tượng đẹp với bạn bè quốc tế.
    |
 |
Tổng thống Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio thăm Nhà triển lãm Việt Nam.Ảnh: PHƯƠNG HÒA |
Trong lần thứ 7 tham dự Triển lãm thế giới, với chủ đề “Hội tụ quá khứ, lan tỏa tương lai”, Nhà triển lãm Việt Nam thông qua ngôn ngữ triển lãm kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại đã giới thiệu các giá trị tinh hoa truyền thống và thành tựu đổi mới sáng tạo của quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, du lịch Việt Nam, mở ra cơ hội gia tăng hợp tác, đầu tư giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông và thế giới.
4.Giáo dục vượt khó, tiếp tục thắng lớn trên sân chơi quốc tế
Năm 2021, ngành giáo dục bị tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19. Lần đầu tiên, học sinh nhiều địa phương dự lễ khai giảng năm học mới qua truyền hình. Phần lớn trong số 22 triệu học sinh, sinh viên chỉ đến trường khoảng hai tháng và học online suốt thời gian còn lại. Lần đầu tiên, học sinh lớp 1 của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước chưa một lần được đến lớp.
    |
 |
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trao bằng khen tặng học sinh đoạt giải tại kỳ thi quốc tế.Ảnh: THU HÀ |
Năm nay, học sinh Việt Nam thắng lớn tại sân chơi quốc tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo cử 7 đoàn học sinh giỏi với 37 lượt học sinh tham gia Olympic. Kết quả, tất cả thí sinh dự thi đều đoạt giải, gồm 12 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 10 huy chương đồng và 2 bằng khen (giải khuyến khích); các đoàn học sinh Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại các Olympic quốc tế với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.
5. Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 thành công tốt đẹp
Liên hoan phim lần thứ 22 tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế với tinh thần linh hoạt, thích ứng trong điều kiện bình thường mới, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 an toàn, vừa đáp ứng được tiêu chí trang trọng của một kỳ liên hoan phim nhằm vinh danh các tác phẩm, các nghệ sĩ điện ảnh xuất sắc.
    |
 |
Phim "Mắt biếc" giành giải Bông sen vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22.Ảnh do đoàn làm phim cung cấp |
Đây còn là sự kiện quảng bá hình ảnh con người, đất nước Việt Nam, đặc biệt là xứ Huế thơ mộng, tạo nên sự kết hợp giữa nhà sản xuất phim với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghiệp điện ảnh gắn với du lịch, quảng bá di sản văn hóa. Ban tổ chức đã trao 18 giải thưởng tặng các tác phẩm xuất sắc, 26 giải cá nhân xuất sắc, trong đó giải Bông sen vàng dành cho phim hay nhất “Mắt biếc”.
6. Tích cực phát triển văn hóa đọc
Năm 2021, ngành xuất bản đã có nỗ lực cao để số về đầu sách và doanh thu giảm không đáng kể, xấp xỉ đạt hơn 92% so với trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19.
    |
 |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải thưởng cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021.Ảnh: HÀM ĐAN |
Để văn hóa đọc không bị suy thoái, đứt gãy, Bộ VHTT&DL cùng nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị nỗ lực tổ chức nhiều cuộc thi, giải thưởng trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, như: Giải thưởng Sách quốc gia; các cuộc thi: Đại sứ văn hóa đọc, Giới thiệu sách trực tuyến, Viết lời giới thiệu sách, Khoảnh khắc cùng sách... Trong đó, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam lần đầu tiên phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quân, thu nhận được 89.149 bài dự thi.
7. Nghệ thuật biểu diễn nỗ lực vượt qua đại dịch
Là một trong những lĩnh vực hoạt động văn hóa, chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn trong năm qua đã buộc phải dừng, hủy; nghệ sĩ lâm vào tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian trầm lắng, ngành nghệ thuật biểu diễn đã có những thay đổi tích cực để thích ứng với tình hình.
    |
 |
Tiết mục biểu diễn trong chương trình trao giải Cuộc thi sáng tác ca khúc "Hát lên Việt Nam-Let’s sing VietNam”.Ảnh: CHÂU XUYÊN |
Nhiều nhà hát, tổ chức, cá nhân đã tổ chức các chương trình nghệ thuật trực tuyến, sáng tác, dàn dựng vở diễn, ca khúc...; đặc biệt, chuỗi Chương trình nghệ thuật trực tuyến “Kết nối yêu thương, vượt qua đại dịch” do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) chỉ đạo đã thu hút hàng nghìn nghệ sĩ trong nước và ở nước ngoài. Các chương trình đã đem lại những cảm xúc tích cực, cổ vũ người dân cùng các lực lượng tuyến đầu quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung tay chiến thắng đại dịch.
8. Du lịch thích ứng với “bình thường mới”
Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã giúp hoạt động du lịch dần trở lại. Đáng kể nhất là việc các địa phương tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Lần lượt Quảng Nam, Kiên Giang, Khánh Hòa đã đón những đoàn khách đầu tiên sau hai năm đóng cửa vì dịch Covid-19. Những tín hiệu khả quan từ các đoàn khách là động lực khiến nhiều địa phương khác đề xuất được tham gia chương trình thí điểm.
    |
 |
Chào mừng đoàn khách du lịch Nga đến Khánh Hòa ngày 26-12.Ảnh: HIỀN VINH |
Bên cạnh đó, du lịch nội địa cũng đã có những thay đổi về chiến lược, sản phẩm, cách tiếp cận... để thu hút du khách. Đồng hành với doanh nghiệp là hàng loạt sự kiện tìm cách gỡ khó cho du lịch như: Diễn đàn du lịch toàn quốc “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” của Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Hội thảo “Du lịch Việt Nam-phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức...
9. Bước tiến lớn của bóng đá Việt Nam
Năm 2021 đã chứng kiến bước tiến lớn của các đội tuyển bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Mặc dù rơi vào bảng đấu mạnh tại vòng chung kết futsal World Cup 2021 với Brazil, Cộng hòa Séc và Panama, nhưng đội tuyển bóng đá futsal Việt Nam đã thi đấu xuất sắc để góp mặt tại vòng 1/8, liên tục được truyền thông quốc tế khen ngợi, đánh giá cao bởi bản lĩnh, ý chí thi đấu.
    |
 |
Hành trình ấn tượng của đội tuyển bóng đá futsal Việt Nam tại vòng chung kết futsal World Cup 2021.Ảnh: VFF |
Lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển bóng đá Việt Nam góp mặt tại vòng loại cuối cùng World Cup, qua đó trở thành đội bóng thứ hai tại Đông Nam Á làm được điều này sau Thái Lan. Trước những đội bóng hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, đội tuyển bóng đá Việt Nam vẫn chưa giành được điểm số nào, song thông qua giải đấu, các tuyển thủ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh cho một hành trình dài phía trước.
10. Võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi làm rạng danh boxing Việt Nam
Ngày 24-10-2021 trở thành cột mốc đáng nhớ của boxing Việt Nam nói riêng và thể thao nước nhà nói chung khi võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi xuất sắc giành đai vô địch WBO thế giới hạng mini-flyweight. Cụ thể, Thu Nhi đã thắng đối thủ Etsuko Tada (Nhật Bản) bằng điểm số sau 10 hiệp, mỗi hiệp kéo dài 2 phút.
    |
 |
Võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi ăn mừng khi giành đai vô địch WBO thế giới.Ảnh: Cocky Buffalo |
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử boxing Việt Nam mới có một võ sĩ giành đai vô địch boxing chuyên nghiệp thế giới. Thu Nhi đã chứng minh cho thế giới thấy rằng, Việt Nam rất có tiềm năng phát triển boxing chuyên nghiệp.