Quê ở Quảng Ngãi nhưng nhà báo Nguyễn Quốc Bảo bén duyên với mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió từ khi vào học tại Trường Đại học Đà Lạt. Ra trường, mảnh đất và con người mến thương nơi đây đã níu anh ở lại gắn bó đến tận bây giờ.

Anh quan niệm, nghề báo bên cạnh bản lĩnh, kinh nghiệm, kiến thức thì sự đam mê và tình yêu nghề nghiệp chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt của mỗi tác giả, tác phẩm và đó cũng chính là “chất xúc tác” gắn người làm báo với hiện thực cuộc sống. Nếu không có yếu tố này, tác phẩm báo chí dễ bị rơi vào khô cứng, thiếu sức sống.

 Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo trong một lần tác nghiệp

Trong số các đề tài, nhà báo Nguyễn Quốc Bảo tâm huyết với vấn đề văn hóa. Anh luôn đau đáu về sự "biến mất" của những giá trị văn hóa truyền thống và tự đặt câu hỏi: Mình phải làm sao để góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc này? Anh mong muốn thông qua những tác phẩm của mình, nhiều người sẽ nhận thức rõ hơn về giá trị của văn hóa truyền thống và nếu không giữ gìn nó thì sẽ chẳng bao giờ tìm lại được, từ đó sẽ có ý thức hơn trong việc chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Tại Giải Báo chí Quốc gia năm 2020, phóng sự “Chàng trai bị ung thư và lớp học cho trẻ em nghèo” của anh và ê kíp đã gây xúc động khán giả bởi câu chuyện, cách truyền tải cũng như giá trị nhân văn trong đó. Nhân vật-chàng trai trẻ Nguyễn Công Nội mặc dù bị ung thư nhưng vẫn mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em nghèo.

Nhân vật qua đời nhưng câu chuyện chưa khép lại, đó là sự “xuất hiện” của hai người em trai, một người mới xuất ngũ đang quản lý thư viện của Công Nội, một người muốn chuyển công tác về gần nhà để tiếp tục duy trì lớp học. Hai chàng trai này đã viết tiếp những ước mơ còn dang dở của Công Nội. Điều đặc biệt là phóng sự không bình luận mà để nhân vật tự lên tiếng, tự chia sẻ và để khán giả cảm nhận.

Là người làm báo ở địa phương, nhất là làm báo hình, nhà báo Nguyễn Quốc Bảo cho rằng, mỗi người làm báo phải xác định mình phải sống chung với điều kiện khó khăn, đồng thời phải tìm cách khắc phục, tìm ra lợi thế trong cái khó khăn. Nghề báo cũng là nghề rất đặc thù, kiến thức và phương pháp làm việc luôn đổi mới, đặc biệt trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, nếu mình không cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng mới thì sẽ bị bỏ lại phía sau.

Anh luôn cố gắng tìm hiểu, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo hiện đại, cố gắng tiếp cận những phương pháp mới phù hợp với điều kiện làm báo ở cơ quan.

Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo tâm niệm, công chúng vừa là cái đích của tác phẩm, vừa là điểm xuất phát cho mỗi người làm báo dựa vào đó soi rọi, lựa chọn cách thể hiện làm sao để có sự tác động lớn nhất đến cảm xúc của công chúng. Cảm xúc của công chúng, tác động xã hội... chính là thước đo cho sự thành công của tác phẩm. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số hiện nay, sự tương tác giữa công chúng và tác phẩm báo chí ngày càng lớn thì vai trò của công chúng trong tác phẩm càng được thể hiện rõ.

“Để tác phẩm đoạt giải báo chí quốc gia, theo tôi điều quan trọng nhất là phải xác định tác phẩm ấy... không đoạt giải. Nếu ai đó nghĩ rằng thực hiện tác phẩm báo chí để giành giải thưởng này, giải thưởng kia thì khó có được một tác phẩm báo chí chất lượng.

Hãy thực hiện tác phẩm bằng tâm huyết của một người làm báo, nghĩ rằng tác phẩm đó để phục vụ công chúng, góp phần giải quyết những vấn đề nào đó của xã hội, thì sẽ có một tác phẩm hay, ý nghĩa và giá trị. Lúc đó giải thưởng sẽ đến như một lẽ tự nhiên. Cứ yêu nghề thì nghề sẽ không phụ mình”, nhà báo Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh.

Bài và ảnh: NGÔ KHIÊM