Nhằm mục đích tập hợp, lưu giữ, bảo quản, trưng bày các tài liệu, hiện vật về lịch sử và thành tựu báo chí nước nhà trong hơn 150 năm qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào ngày 28-7-2017 và đi vào hoạt động năm vào 2020.
Đây đã và đang là điểm đến quan trọng cho những người đam mê, yêu thích nghiên cứu về lịch sử báo chí Việt Nam, thông qua đó giáo dục, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về nghề báo tới du khách tham quan.
 |
Hình ảnh các nhà báo tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trưng bày tại Bảo tàng. |
Hơn 30.000 tài liệu, hiện vật của các nhà báo qua các thời kỳ
Hiện tại, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang lưu giữ hơn 30.000 tài liệu, hiện vật trong đó có nhiều bộ sưu tập quý như: Sưu tập Báo chí cách mạng 1925 – 1975; sưu tập Nhà báo Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh; sưu tập thiết bị, dụng cụ tác nghiệp và đồ dùng nhà báo, sưu tập báo chí Việt Nam giao lưu và hội nhập…
Trong số đó, có nhiều tài liệu, hiện vật chứa đựng những câu chuyện xúc động, ý nghĩa gắn liền với nghề báo qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, mà ở đó có cả máu và hoa, của một thời để nhớ.
Trong đó có máy quay phim hiệu BOLEX H16 Reflex của nhà báo Nguyễn Trưng. Nhà báo Nguyễn Trưng, sinh năm 1944 tại Bình Định, nguyên phóng viên điện ảnh chiến trường khu V, sau khi khu V giải thể, ông về công tác tại Đài Phát thanh Truyền hình Quy Nhơn.
 |
Máy quay phim hiệu BOLEX H16 Reflex của nhà báo Nguyễn Trưng được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
|
Cuối năm 1969, phóng viên Nguyễn Trưng được cử vào chiến trường khu V cùng người đồng nghiệp của mình là phóng viên ảnh Nguyễn Văn Giá (cùng cơ quan). Điểm tác nghiệp đầu tiên của họ là chiến trường Quảng Ngãi, khi đó rất khốc liệt.
Câu chuyện xúc động, đau thương bắt đầu vào một buổi chiều, đầu năm 1970. Sau hơn nửa ngày tác nghiệp, phóng viên Nguyễn Trưng và Nguyễn Văn Giá đang nghỉ chân tại một nhà dân và họ đã bị việt gian nghi ngờ và chỉ điểm cho giặc Mỹ tới bắt.
Do quá bất ngờ, hai phóng viên dường như không kịp trở tay, khi đó phóng viên Nguyễn Văn Giá chỉ kịp mang theo chiếc máy ảnh còn phóng viên Nguyễn Trưng mang theo chiếc máy quay phim BOLEX H16 Reflex để trong một chiếc gùi.
Hai người vòng ra sau nhà và chia ra 2 hướng để chạy. Phóng viên Nguyễn Trưng sau đó kịp nấp trong một bụi cây cách gia đình người dân đó không xa. Theo trí nhớ của ông, khi đó vào khoảng 3 đến 4 giờ chiều, và ông đã phải ngồi im ở đó cho đến khoảng 4 giờ sáng hôm sau. Ngồi trong bụi cây, ông nghe rõ tiếng bước chân của quân Mỹ đang xục xạo ráo riết lùng bắt mình. Ông nín thở chờ đợi từng phút qua đi và cũng không khỏi lo cho người đồng đội của mình không biết có kịp chạy thoát không.
Đến hôm sau, sau khi quân Mỹ rút đi, phóng viên Nguyễn Trưng mới hay tin đồng đội của mình đã hy sinh trong lúc chạy trốn. Người phóng viên quả cảm đã không may mắn như đồng nghiệp của mình, phóng viên Nguyễn Văn Giá đã bị trúng đạn của quân địch bắn từ trực thăng trong lúc chạy.
Sau này, khoảng năm 1982, người con trai của nhà báo liệt sĩ Nguyễn Văn Giá đã tìm vào Quy Nhơn gặp nhà báo Nguyễn Trưng để bày tỏ tâm nguyện muốn đi tìm hài cốt của cha đưa về quê hương. Sau một thời gian dài vất vả tìm kiếm, hài cốt của nhà báo liệt sĩ Nguyễn Văn Giá cũng được tìm thấy và đem về quê hương an táng trong niềm xúc động khôn xiết của gia đình, đồng nghiệp.
Trong số những hiện vật trưng bày ở Bảo tàng còn có chiếc máy ảnh Pentak được nhà báo Trương Quang Hường, phóng viên báo Quân khu IV tác nghiệp ở mặt trận 872 Lào năm 1972 – 1973.
Ngày 4-12-1972, phóng viên chiến trường Trương Quang Hường cùng 2 đồng đội tại Mặt trận 872 đóng tại tỉnh Bôlikhămsay (Lào) được giao nhiệm vụ vào hang ổ của bọn tàn quân Vàng Pao đang co cụm tại bản Mường Nhày để thuyết phục chúng trở về với cách mạng. Bọn này vốn nằm trong lực lượng Quân giải phóng nhân dân Lào, trước đó đã chiêu hồi theo Vàng Pao, bị quân ta truy quét chạy về co cụm tại đây.
Một điều kiện ngặt nghèo là tổ công tác không được mang theo bất cứ một thứ vũ khí nào để lấy lòng tin của đối phương. Thứ “vũ khí” duy nhất đó là chiếc máy ảnh Pentak và đồ nghề in tráng ảnh của Phóng viên Trương Quang Hường.
Suốt 6-7 tiếng đồng hồ tiếp cận với đối phương, cùng với những câu chuyện có lý, có tình của tổ công tác, những tấm ảnh được phóng viên Trương Quang Hường chụp, tráng và in ngay tại chỗ đã góp phần làm nhóm tàn quân bị thuyết phục, bằng lòng trở về với cách mạng.
Chiếc máy ảnh Pentak của phóng viên chiến trường Trương Quang Hường đã góp phần làm nên chiến công “vào hang bắt cọp” của tổ công tác.
Hiện thân của những "lòng trong, bút sắc"
Chiếc võng dù bị đạn xuyên thủng của nhà báo Đặng Minh Phương, phụ trách báo Cờ Giải Phóng Trung Trung Bộ từ năm 1966 – 1975 và câu chuyện về hiện vật này đã khiến người xem vô cùng xúc động khi đến tham quan Bảo tàng.
Nhà báo Đặng Minh Phương sinh năm 1928, sinh ra tại Phú Yên, năm nay đã ở tuổi 94, nhưng trí nhớ của ông rất mẫn tiệp. Câu chuyện về lần "chết hụt" tại chiến trường vẫn được ông kể lại mỗi khi nhân viên Bảo tàng Báo chí Việt Nam có dịp qua nhà thăm ông.
Những năm tháng làm báo ở chiến trường đã tôi luyện nên một nhà báo Đặng Minh Phương can trường, không ngại hiểm nguy dấn thân viết về những tấm gương anh dũng, đưa tin thời sự nóng hổi, dùng ngòi bút đấu tranh trực diện với kẻ thù...
 |
Võng dù bị đạn xuyên thủng của Nhà báo Đặng Minh Phương, phụ trách báo Cờ Giải Phóng Trung Trung Bộ từ năm 1966 - 1975.
|
Tháng 3-1955, nhà báo Đặng Minh Phương tập kết ra Bắc, sau đó được điều động về Báo Nhân dân. Làm việc ở Báo Nhân dân được 10 năm, tháng 7-1966, ông được cử vào chiến trường khu V phụ trách Báo Cờ Giải Phóng - cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng Trung Trung Bộ.
Trong một lần đi viết bài, do bị lạc đường nên nhà báo Đặng Minh Phương đành mắc tạm chiếc võng dù ở giữa rừng hoang ngủ tạm, chờ trời sáng rồi tiếp tục tìm đường trở về tòa soạn. Tuy nhiên, khi vừa nằm võng chưa được bao lâu thì ông nghe xa xa có tiếng máy bay quần thảo và rồi một loạt bom rải xuống nghe rung chuyển mặt đất.
Chỗ ông mắc võng, nhiều cây cối đổ rạp, đất đá văng lung tung nhưng dường như có một phép màu xảy ra, nhà báo Đặng Minh Phương vẫn bình an vô sự, duy chỉ có chiếc võng ông nằm bị mảnh bom xuyên qua phía chân làm rách một lỗ.
Ông hóm hỉnh kể lại: Nhờ thói quen nằm ngủ co chân nên ông mới thoát chết lần đó, bởi vì mảnh đạn xuyên qua phía đầu võng phía chân ông, nếu nằm duỗi thẳng chân sẽ bị mảnh bom phạt qua, mà giữa rừng hoang đêm vắng, cho dù nếu chỉ bị thương ở chân như thế cũng khó mà giữ được tính mạng. Sau này khi biết chuyện, nhiều đồng nghiệp của ông hài hước nói: Nhờ ông Phương "ngủ cong" mà thoát chết.
Hộp đèn viết báo do đồng chí Lê Viết Tâm, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nhà máy gỗ Đô Lương đã cho công nhân đóng tặng Tòa soạn báo Nghệ An để sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, năm 1967 cũng là một trong những hiện vật tiêu biểu của các nhà báo chiến trường.
Năm 1967, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng ra miền Bắc và nhiều tỉnh miền Trung, trong đó có Nghệ An. Để giúp phóng viên Báo Nghệ An có điều kiện làm việc ban đêm một cách bí mật (ngay cả khi máy bay địch bắn phá), đồng chí Lê Viết Tâm, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nhà máy gỗ Đô Lương đã cho công nhân đóng tặng Tòa soạn Báo Nghệ An hàng chục chiếc hộp bằng gỗ, bên trong đặt đèn Hoa Kỳ (một loại đèn sử dụng dầu hỏa làm chất đốt), có cửa che để viết báo, ngay cả khi đang có báo động Phòng không.
Nhờ có sáng kiến tuyệt vời này mà cán bộ, phóng viên báo Nghệ An vẫn duy trì tốt được hoạt động viết, sửa bài của mình ngay cả trong những hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn nhất.
Bộ sưu tập hiện vật của nhà báo Phan Quang (Báo Nhân dân) gồm: Bếp dầu hỏa, ấm và ca uống nước sử dụng trong các chuyến công tác ở Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị) từ năm 1972 – 1974 cũng để lại nhiều dấu ấn với người xem triển lãm.
Nhà báo Phan Quang khi đó là Trưởng ban Biên tập Kinh tế báo Nhân dân. Đây là những vật dụng cần thiết cho những chuyến công tác dài ngày và cơ động của nhà báo chiến trường công tác tại tuyến lửa miền Trung để viết bài phản ánh cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta và vạch trần tội ác của kẻ thù.
Nhà báo Phan Quang cho biết: "Hồi ấy tôi đi công tác chiến trường Quảng Trị, Vĩnh Linh... rồi năm 1975 vào miền Nam. Tôi được cấp quân phục như mọi người (ngoài những thứ trên còn có bi đông đựng nước, quân phục, mũ cối và mũ tai bèo, lương khô...).
Cái bếp và chiếc ấm cùng cái võng ấy tôi đi công tác thường để sẵn trong cốp xe ô tô dã chiến, gặp những hôm tắc đường do cầu vừa bị máy bay Mỹ đánh sập, lũ cuốn trôi, hay có khi gặp lụt, tắc nghẽn đường, tôi cùng anh lái xe đun nước, pha trà, nhỡ gặp nơi xa nhà dân mà phải ở lại lâu có thể nấu gói mì ăn liền dùng thay bữa...".
 |
Sưu tập hiện vật của nhà báo Phan Quang, báo Nhân Dân: Bếp dầu hỏa, ấm và ca uống nước sử dụng trong các chuyến công tác ở Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị) từ năm 1972 - 1974.
|
Những hiện vật trên là những ký ức về một thời hoa lửa, đã hằn sâu trong tiềm thức về một thời làm báo đầy gian khổ nhưng anh hùng. Trong số đó, có nhiều hiện vật chứa đựng những câu chuyện ý nghĩa, lay động cảm xúc của khách tham quan. Đó là những minh chứng tiêu biểu cho một thời kỳ làm báo hào hùng của dân tộc, là hiện thân của những tấm "lòng trong, bút sắc" trong nền báo chí Cách mạng Việt Nam.
NGUYỄN BA