Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (tháng 6-1968) cách nay hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị. Không chỉ vậy, chỉ dẫn đó của Bác cũng là lời nhắn nhủ, nhắc nhở đối với những ai đang gắn bó với nghề chữ nghĩa, như nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học-nghệ thuật, nhà báo, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản... không bao giờ được phép chủ quan với chính mình, mà phải lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, tiếp thu có chọn lọc những phê bình xác đáng của bạn đọc.
“Văn hay chữ tốt” là một trong những đặc trưng cơ bản của những người làm văn chương, báo chí, xuất bản. Có người còn gọi đó là nghề “phu chữ”. Hai từ “phu chữ” ở đây có thể hiểu là những người làm nghề chữ nghĩa cũng lam lũ, nhọc nhằn không khác mấy anh tiều phu lên rừng đốn củi và gian nan, vất vả không kém người nông phu làm lụng trên đồng ruộng. Ở hàm ý sâu sắc hơn, “phu chữ” cũng có nghĩa là “lao tâm khổ tứ” để biết sàng lọc, gọt giũa, chắt lọc, chưng cất, kết tinh nhằm làm cho mỗi trang sách, mỗi bài báo thêm rõ ràng, mạch lạc, sáng sủa, tinh tế để người đọc, người xem dễ tiếp nhận.
Người làm nghề văn chương, báo chí, xuất bản có “văn hay chữ tốt” là điều kiện, tiền đề để làm việc được thuận lợi, suôn sẻ hơn, nhưng điều đó chưa đủ. Cùng với tố chất “văn hay chữ tốt”, những người gắn bó với nghề chữ nghĩa muốn tồn tại lâu dài và tạo hình ảnh đẹp trong con mắt công chúng, thì rất nên, rất cần có thái độ cầu thị để hoàn thành sứ mệnh cao cả là “gieo trồng” văn hóa và bồi đắp, làm giàu đời sống tinh thần cho xã hội.
Dân gian có câu “Xưa nay thế thái nhân tình/ Vợ người thì đẹp văn mình thì hay”. Thật ra tâm lý “văn mình vợ người” không hẳn hoàn toàn xấu, vì đối với những người làm văn chương, báo chí, xuất bản phải trải qua một quá trình “thai nghén, mang nặng đẻ đau” mới có thể “sinh thành” ra đứa con tinh thần của mình, nên họ yêu quý, chiều chuộng, cưng nựng, vuốt ve, vỗ về, đùm bọc “đứa con” ấy cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, cái gì đi quá giới hạn cũng không hay. Vì thực tế, có người “dương dương tự đắc” coi tác phẩm, cuốn sách của mình là hay, là tốt, là độc đáo, là đáng đọc nhất. Thế nên, khi được ai đó góp ý thì họ không bằng lòng, thoải mái, thậm chí có người còn bày tỏ thái độ khó chịu và tìm cách phản ứng lại ý kiến phê bình của người khác. Tâm lý “văn mình vợ người” như vậy là phiến diện, lệch lạc, cực đoan.
Đã là một người chân chính, không ai dám khẳng định mình luôn hoàn hảo về mọi mặt. Đối với người làm văn, làm báo, làm xuất bản chân chính cũng không bao giờ tự coi tác phẩm, cuốn sách mình làm ra là hoàn thiện, hoàn mỹ. Vì dưới con mắt nhìn nhận, soi chiếu đa chiều của của hàng nghìn, thậm chí hàng vạn, hàng triệu độc giả, tác phẩm, cuốn sách vẫn có thể có lỗi này hay hạn chế khác. Do vậy, trách nhiệm của những người trong cuộc là cần lắng nghe, thấu hiểu mọi ý kiến góp ý, phản hồi của bạn đọc. Biết “gạn đục khơi trong” để tiếp thu những ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân thành, xác đáng, không chỉ là tinh thần cầu thị, mà còn thể hiện thái độ ứng xử đúng mực của những người làm văn chương, báo chí, xuất bản đối với độc giả. Đó là sự tiếp thu phê bình có văn hóa.
Mặt khác, những ý kiến đóng góp, phê bình cũng đòi hỏi phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, sử dụng ngôn từ đúng mực, đúng tầm. Đó là phê bình có văn hóa. Một khi văn hóa phê bình và phê bình văn hóa được khai thác, phát huy đúng lúc, đúng chỗ sẽ góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường văn chương, báo chí, xuất bản; đồng thời tiếp thêm động lực tinh thần để đội ngũ những người làm văn chương, báo chí, xuất bản nỗ lực sáng tạo, làm ra những tác phẩm, cuốn sách giàu tính chân-thiện-mỹ để phục vụ công chúng và xã hội.
PHÚC NỘI