Từ xưa trong xã hội, nếu như thầy đồ chăm sóc phần hồn cho con người, thì thầy thuốc trực tiếp chăm sóc phần sức khỏe, thể lực. Đã có nhiều danh từ chỉ về họ: Bác sĩ, tiên sinh, đốc tờ, lương y... nhưng dân gian có một cái tên cao quý mà gần gũi để gọi họ là "thầy thuốc"!
Người xưa đi học thường có chủ đích là “Tiến vi quan, thoái vi sư”. Nếu đỗ đạt ra làm quan, nếu chẳng thuận thì về quê làm thầy đồ ngồi dạy học hoặc làm thầy thuốc, trị bệnh cứu người.
Đã có những thầy thuốc Việt Nam lừng danh về y đức y thuật sống mãi với nhân gian. Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh đại danh y, Nguyễn Đại Năng... các đời trước và đời nay có bao nhiêu thầy thuốc là giáo sư, bác sĩ, tiến sĩ đức độ, tài năng mang hết tâm sức chăm sóc sức khỏe, phục vụ nhân dân.
Trong một bức thư gửi cho Hội nghị cán bộ ngành y tế Việt Nam ngày 27-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”.
30 năm sau, ngày 6-2-1985, Chính phủ quyết định lấy ngày 27-2 hằng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày truyền thống của ngành y tế. Đây là dịp để cán bộ, nhân viên trong ngành ôn lại truyền thống vẻ vang của mình, đồng thời để xã hội tôn vinh một nghề cao quý, nghề trị bệnh cứu người.
66 năm trôi qua, các thế hệ thầy thuốc nước ta luôn học tập và làm theo lời Bác dạy. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những chiến sĩ áo trắng đã không phụ niềm tin của nhân dân. Nữ bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm là một tấm gương sáng tiêu biểu cho thế hệ thầy thuốc trong thời chiến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chị Đặng Thùy Trâm là hình ảnh tiêu biểu về người thầy thuốc Việt Nam hết lòng thương yêu người bệnh và xả thân vì nghĩa lớn.
Không phụ lòng tin của cộng đồng, những thầy thuốc-lương y đã sống và làm việc hết lòng phục vụ nhân dân. Họ đã cứu nhân độ thế, giúp bao con người vượt qua cửa thần chết trở về với đời thường. Họ đã biết hy sinh quyền lợi cá nhân, coi trọng sinh mệnh con người là trên hết. Có thầy thuốc tình nguyện hiến dâng máu, một phần cơ thể mình để cứu người bệnh qua cơn hiểm nghèo, chiến thắng tử thần. Có những thầy thuốc tận tuỵ với y nghiệp, bị lây bệnh truyền nhiễm...
Những năm gần đây có nhiều chương trình y tế mang tính chất xã hội hóa cao, đạt hiệu quả tích cực. Nhiều thầy thuốc đã về tận làng quê, vùng sâu, vùng xa, trực tiếp hướng dẫn đồng bào phòng bệnh và chữa bệnh. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ở Việt Nam cả xã hội cùng chung tay góp sức ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch. Và nổi lên hình ảnh người thầy thuốc áo trắng và người thầy thuốc chiến sĩ đã hy sinh lặng thầm trên mặt trận bảo vệ sức khỏe nhân dân và giữ gìn sự bình yên cho xã hội, cộng đồng.
Thầy thuốc là những người được xã hội tôn quý. Nhưng xã hội cũng luôn mong muốn ở người thầy thuốc vừa có tâm, vừa có tay nghề cao, sáng y đức, giỏi y lý, sâu y thuật, nỗ lực giải quyết những căn bệnh hiểm nghèo, góp phần làm cho con người ngày càng khỏe mạnh! Để mỗi khi nhắc tới hai chữ lương y là người dân nhớ tới hình ảnh đẹp đáng trân trọng: Thầy thuốc!
Nhà giáo Ưu tú KHÚC HÀ LINH