Khi Nguyễn Công Trứ chắt lòng “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” hay Nguyễn Du khắc khoải “Hơn ba trăm năm sau có ai còn khóc Tố Như” thì đâu phải các ông chỉ nói lên nỗi lòng mình mà còn là của muôn dân, của mỗi bậc hiền tài.
Chí làm trai, chí tang bồng đã thôi thúc hàng triệu con người kế tục nhau đời này qua đời khác dốc lòng vì nghĩa lớn. Ngay phận đàn bà-nữ nhi cũng luôn sẵn lòng dâng hiến, hy sinh cho đất nước, quê hương, làm rạng danh gia đình, dòng họ. Sau những chặng đời làm nên công trạng, được các vị vua phong hầu kiến ấp, những người có công lại dốc lòng dốc của xây dựng các miền quê. Người dân quý trọng, tôn vinh đức độ và công tích của họ mà tôn vinh họ là thành hoàng, những vị thần đem phúc đến cho dân, cho nước và lập đền, đình thờ cúng, mở lễ và hội làng mỗi năm là vì thế. Họ khác hẳn với những người thất đức, bất tài, những kẻ sâu mọt đục khoét để “ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Bừng dậy từ chiều sâu lịch sử, đạo lý và nhân phẩm vì nước, vì dân của dân tộc ta đã thăng hoa rực rỡ trong thế kỷ 20 và những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 để hoàn thành sự nghiệp vĩ đại giải phóng dân tộc và mở ra triển vọng phát triển đất nước xán lạn chưa từng có. Vậy mà giữa những tháng năm tươi đẹp này lại nảy nòi những con người xấu xa hại nước hại dân. Họ đều từng là những người cầu tiến, có năng lực và được ăn học, được đào tạo, chăm sóc, tạo điều kiện. Họ cũng đã từng có đóng góp với tập thể, cộng đồng, nghề nghiệp và được trông đợi, gửi gắm. Vậy mà khi quyền lực đến tay, họ đã sa ngã trước những cám dỗ tầm thường. Những lời nói cuối cùng của họ trước tòa án của pháp quyền mà cũng là tòa án của lương tâm là những lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, cơ quan, tập thể, gia đình và lời cắn rứt tâm can: “Mất danh dự là mất tất cả”.
Những lời xin lỗi, những lời thức tỉnh quá muộn mằn. Không phải họ không biết đến danh dự nhưng trong thâm tâm họ đã ngộ nhận về danh dự, về quyền lực. Danh dự trong động cơ phấn đấu của họ là sự háo danh. Đã háo danh lại tham lợi nên quyền lực trong tay họ đã trở thành cái bả, càng say càng sa ngã.
Mới thấy trong bối cảnh sự chi phối của những lợi ích vật chất trong xã hội thị trường hiện đại thì việc giữ gìn, vun đắp cho danh dự, cho quyền lực đích thực vì việc chung, vì nước, vì dân mới khó làm sao.
Khi thói thực dụng, vị kỷ đang lan tràn, khi “cái tiếng” đi liền “cái miếng”, làm sao giữ được danh thơm. Không có động cơ trong sáng, không thường xuyên tu dưỡng, cảnh tỉnh mình để thành bản lĩnh, người ta không thể đứng vững trước vô vàn thứ cám dỗ quá dễ dàng, quá ngọt ngào. Không chân thành, thẳng thắn nói với nhau, cảnh tỉnh và giúp đỡ nhau, không tự phê bình và phê bình vì mình, vì mọi người thì đồng đội, đồng chí, anh em của chúng ta rất có thể lúc nào đó sẽ lầm đường lạc lối.
Các bản án đã tuyên, những người gây nên tội lỗi đã chìm khuất, song bóng tối từ họ vẫn len lỏi trong cuộc sống của chúng ta, khi người này người kia có chút chức quyền, khi chàng trai, cô gái này hay quý tử nào đó đã nhiễm thói ăn trên ngồi trốc, đã vỗ ngực “biết ta là ai không”, khi những kẻ háo danh hám lợi... vẫn chưa bị vạch mặt chỉ tên, khi những căn bệnh chạy chọt, luồn lách, xu nịnh, mua chuộc không được ngăn chặn, truy xét... Chỉ có ánh sáng của kỷ cương, luật pháp chiếu rọi, ánh sáng từ những tấm gương được lan tỏa mới xua đi thứ bóng tối lẩn khuất đó đây.
SA MUỘN