Hơn 2,5 triệu nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng

Tại hội nghị (được tổ chức theo hình thức trực tuyến qua 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh), các đại biểu thống nhất đánh giá: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra thành công. Kỳ thi được tổ chức tốt, an toàn từ khâu coi thi, chấm thi đến việc thanh tra, kiểm tra, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT và sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố. Điều đáng ghi nhận của kỳ thi năm nay là các trường ĐH, CĐ đã phối hợp có hiệu quả với các địa phương, cử cán bộ đủ số lượng, bảo đảm chất lượng và thực hiện đúng quy chế. Khâu chấm thi trắc nghiệm nghiêm túc, nắm vững quy trình mới, bảo đảm đúng kỹ thuật. Qua đó thể hiện trách nhiệm cao của các trường ĐH, CĐ với ngành giáo dục, với xã hội, với chất lượng nguồn tuyển, góp phần bảo đảm tính khách quan và thành công của kỳ thi năm nay.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 của cả nước đạt 94,06%. Kết quả này được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đồng thời cung cấp dữ liệu làm cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ và cung cấp thông tin bổ sung về chất lượng giáo dục phổ thông. Việc phân tích sâu phổ điểm của các tỉnh cho thấy kết quả thi phản ánh trung thực chất lượng giáo dục của các địa phương. Theo thống kê, có 653.278/887.000 thí sinh (chiếm tỷ lệ 73%) sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH với 2.575.305 nguyện vọng (tỷ lệ 3,9 nguyện vọng/thí sinh). So với 3 năm trở lại đây, tỷ lệ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ tương đối ổn định.

Trong tổng số nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ năm nay, các tổ hợp truyền thống như: Khối D1, A, A1, C, B là 5 tổ hợp chiếm 90% nguyện vọng của thí sinh. Thời gian tới, các trường cần đăng tải đầy đủ thông tin và giải đáp thắc mắc cho thí sinh, nhất là trong thời gian thí sinh điều chỉnh nguyện vọng (từ ngày 22-7 đến 31-7); đồng thời chịu trách nhiệm về việc thực hiện quy chế tuyển sinh, bảo đảm chất lượng đầu vào. Theo quy định, trước ngày 22-7, các trường phải công bố điểm sàn. Dự kiến, hệ thống sẽ thực hiện quy trình xét tuyển, lọc ảo và tiếp nhận thí sinh xác nhận/nhập học và xét tuyển bổ sung từ ngày 6-8 đến 8-8.

Các thí sinh tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ là 489.637 chỉ tiêu (tăng 7% so với năm 2018). Trong đó có 341.840 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT và 147.797 chỉ tiêu theo phương thức khác. Đối với các trường tuyển sinh bằng nhiều phương thức, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các trường cần xác định tỷ lệ phù hợp để bảo đảm chất lượng đầu vào; thống kê điểm thi THPT quốc gia của các thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển khác rồi so sánh điểm trung bình chung thi THPT quốc gia của các phương thức xét tuyển khác nhau. Rộng hơn, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường nghiên cứu, so sánh chất lượng quá trình học tập, tốt nghiệp, việc làm của các sinh viên vào học theo các phương thức tuyển sinh khác nhau để có phương án chủ động tuyển sinh, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cho các năm sau.

Tuyển sinh đáp ứng nhu cầu đào tạo

Nhiều năm qua, việc các trường được tự chủ phương thức xét tuyển, các giải pháp kỹ thuật, lọc ảo, nhóm xét tuyển Bắc-Nam… tạo ra kỳ xét tuyển ĐH nhẹ nhàng, công bằng, khách quan. Tuy nhiên, tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu ra nhiều ý kiến đóng góp về công tác tuyển sinh, trong đó tập trung về chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội, gỡ khó cho các trường đặc thù. Trao đổi về công tác tuyển sinh, GS, TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội dẫn ví dụ, nhiều ngành chỉ cần chỉ tiêu đào tạo vài trăm sinh viên nhưng lại tuyển sinh lên tới vài nghìn sinh viên. Điều này dẫn đến tỷ lệ sinh viên thất nghiệp hiện nay khá cao. Vì vậy, GS, TS Nguyễn Hữu Tú cho rằng: “Bộ GD&ĐT cần có giải pháp để giúp các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh một cách có hệ thống và có cơ sở khoa học”.

Bên cạnh những ngành thu hút nhiều thí sinh như kinh tế, kỹ thuật, nhiều ngành đặc thù gặp khó trong công tác tuyển sinh, trong đó có khối ngành nông nghiệp, lâm nghiệp. Theo GS, TS Phạm Văn Cường, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Hiện nay có một nghịch lý là sinh viên nông nghiệp, lâm nghiệp dù chưa ra trường đã có các nhà tuyển dụng "đặt hàng", thế nhưng đầu vào lại là câu chuyện khó. GS, TS Phạm Văn Cường mong muốn Bộ GD&ĐT đưa ra chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo của ngành.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, kỳ thi THPT quốc gia không chỉ thuần túy là công nhận tốt nghiệp, càng không phải chỉ phục vụ xét tuyển ĐH, CĐ mà quan trọng là để đánh giá chất lượng từng môn học, hướng tới giáo dục toàn diện; từ đó khắc phục những điểm còn hạn chế để có chính sách phù hợp. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, phương thức thi THPT quốc gia sẽ ổn định đến năm 2020. Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát để có lộ trình cho những năm tiếp theo. Về nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục ĐH, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Các trường quan tâm tới tuyển sinh nhưng điều quan trọng hơn là quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Các trường phải thực hiện đúng cam kết với người học về điều kiện bảo đảm chất lượng. Phải chú trọng kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở đào tạo, duy trì sự cạnh tranh công bằng, tránh gây nghi ngờ về chất lượng đào tạo khi có những vấn đề không minh bạch, không thực chất”.

Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên, danh sách thí sinh nhập học các trường của năm học 2018 và 2019 trên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ để người học và xã hội giám sát, thực hiện hậu kiểm đối với tất cả các trường. Nếu cơ sở giáo dục ĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý, trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. Hy vọng với những nỗ lực và quyết tâm của Bộ GD&ĐT, tới đây, giáo dục ĐH sẽ có bước tiến nhanh, vững chắc, nâng cao chất lượng, xây dựng uy tín của từng nhà trường, góp phần vào uy tín của giáo dục ĐH.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI