 |
GS, TS Trần Hồng Quân phát biểu tại hội thảo. |
Hội thảo lần này đặt ra vấn đề, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, mức độ cạnh tranh kinh tế với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á và thế giới càng ngày càng quyết liệt hơn. Do đó, nguồn lực con người, trí tuệ của người Việt Nam lẽ ra phải là điểm mạnh và lợi thế nhất trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa khai thác hiệu quả nguồn lực này để phát triển đất nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS, TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, bối cảnh thế giới có những biến đổi rất quan trọng, trong đó có cách mạng công nghiệp 4.0. Việc hội nhập là cơ hội nhưng cũng đòi hỏi sự cạnh tranh, trước hết chất lượng của đội ngũ lao động, chất lượng đào tạo, cấu trúc đội ngũ lao động, từ đó thúc đẩy liên quan đến mạng lưới, loại hình đào tạo.
Vấn đề hết sức quan trọng đó là tự chủ giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng trong bối cảnh mới. Do đó, Hội thảo sẽ cùng nhau trao đổi, tiến tới thống nhất nhận thức, từ đó có gợi ý để triển khai giải pháp cụ thể.
 |
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Trinh Phúc. |
Trong thời gian một ngày, gần 300 đại biểu đã tham gia phiên họp tổng thể và 3 phiên họp tiểu ban. Trong đó, tập trung thảo luận về Hệ thống giáo dục mở, hướng tiếp cận xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực giai đoạn 2021-2030 và nhận diện các rào cản trên con đường trở thành đại học đẳng cấp thế giới đối với các trường đại học Việt Nam...
Hội thảo đã nhận được hơn 100 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo từ các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong cả nước gửi về tham luận, trao đổi, chia sẻ nhận thức và kinh nghiệm về phát triển giáo dục đào tạo theo tinh thần của các Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết 19-NQ/TWvề đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo các đại biểu, muốn khai thác và phát huy tốt nguồn nhân lực, Việt Nam phải có một nền giáo dục mở hiện đại, có một hệ thống mạng lưới được sắp xếp khoa học, phát huy truyền thống và trí tuệ Việt Nam, với tư duy đổi mới không ngừng. Trường đại học trong sự nghiệp xây dựng xã hội học tập, góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao trước bối cảnh phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, giáo dục nghề nghiệp tiếp cận theo theo hướng mở, liên thông tạo cơ hội cho mọi người học suốt đời và góp phần xây dựng xã hội học tập cũng như tiếp cận với cơ hội việc làm, việc làm bền vững và phát triển bền vững...
Tin, ảnh: KHÁNH HÀ