Thằng bé gạ gẫm tôi ngày mai cho phép chơi game online cùng các bạn trong lớp. Đương nhiên là tôi không đồng ý.

Nhớ lại năm ngoái, khi dịch Covid-19 lần đầu tiên bùng phát tại Việt Nam, học sinh phải tạm dừng đến trường, chuyển sang hình thức học trực tuyến, lớp con tôi học qua ứng dụng Zoom-ứng dụng được các nhà trường sử dụng phổ biến thời điểm ấy. Trong quá trình học, con tôi vô tình click vào một đường link quảng cáo game, nhưng khi mở game thì chẳng thấy đâu, thay vào đó là toàn nội dung xấu, độc, phản cảm. Thấy những hình ảnh đó, tôi tá hỏa hỏi các phụ huynh trong lớp thì được biết nhiều gia đình cũng gặp hiện tượng tương tự. Ngay sau đó, ban giám hiệu nhà trường đã phải yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phối hợp với phụ huynh nhắc nhở các con cảnh giác trong quá trình học trực tuyến. Tôi cấm con trai sử dụng internet từ đợt đó.

Cô bạn đồng nghiệp sau khi biết tôi không cho con sử dụng mạng đã khuyên tôi không nên ngăn cấm con tiếp xúc với công nghệ. Bởi việc ngăn cấm đó chẳng khác nào ngăn trẻ tiếp cận với thế giới bên ngoài, không biết tận dụng các ưu điểm mà internet mang lại. Con gái của cô bạn tôi năm nay lên 5 tuổi. Dù chưa đi học lớp 1 nhưng đã tự biết đọc và bập bẹ nói tiếng Anh nhờ xem các video trên mạng, thậm chí con bé biết sử dụng các thiết bị công nghệ một cách rành rọt. Dĩ nhiên, tôi cũng hiểu rằng, trong thời đại công nghệ số như hiện nay, việc cho phép con làm quen và sử dụng internet là điều rất cần thiết, song, cạm bẫy từ internet với trẻ em cũng không phải ít.

Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), số cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tăng đều hằng năm, trong đó số cuộc gọi liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng có xu hướng tăng lên. Nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng. Trong khi đó, trước yêu cầu của chuyển đổi số trong giáo dục, phương thức dạy và học trực tuyến đang ngày càng được phổ biến thì câu hỏi làm thế nào để trẻ em được an toàn trên môi trường mạng đang là mối lo không chỉ của riêng các bậc phụ huynh.

Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây đặt ra nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên là rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng. Chương trình cũng đề ra trách nhiệm của các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương... trong việc tổ chức thực hiện. Với các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chương trình được kỳ vọng sẽ là bộ công cụ đủ mạnh để bảo vệ trẻ em trong “cơn bão công nghệ” như hiện nay. Bên cạnh sự vào cuộc của các bộ, ngành, thay vì cấm đoán trẻ tiếp xúc với công nghệ, các bậc phụ huynh nên trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng theo từng độ tuổi để trẻ tăng “sức đề kháng”, tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng.

UYÊN NHI