Ngày 20-2 (tức mồng 4 Tết), Lễ hội Cầu Mùa của dân tộc Tày đã được tổ chức tại Đình Tân Trào. Cách đó không xa, tại thị xã Tuyên Quang, Hội đua thuyền trên sông Lô cũng đã được khai mạc. Đây là hai hoạt động đầu tiên của tuần văn hóa du lịch thứ nhất của năm 2007. Tuần văn hóa này mang tên: “Du xuân trên Thủ đô Kháng chiến” gồm các lễ hội Lồng Tồng (mồng 8 Tết) tại Chiêm Hóa; Động Tiên (mồng 9 tháng Giêng) tại huyện Hàm Yên; đình làng Giếng Tanh (mồng 10) tại huyện Yên Sơn. Ngoài ra còn các hoạt động Lễ hội văn hoá các dân tộc Tuyên Quang, triển lãm ảnh Thủ đô Khu giải phóng và Thủ đô Kháng chiến diễn ra tại quảng trường Tân Trào, huyện Sơn Dương. Tuần văn hóa du lịch “Du xuân trên Thủ đô Kháng chiến” mở màn cho chiến dịch tiếp thị hình ảnh của tỉnh Tuyên Quang nhằm thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Trong năm 2007 này, ngoài tuần văn hóa du lịch “Du xuân trên Thủ đô Kháng chiến” được tổ chức đầu năm còn có hai tuần du lịch “Hành trình về Thủ đô Kháng chiến” diễn ra từ ngày 19 đến ngày 29 tháng 5 và “Tuyên Quang nhịp cầu hội nhập” diễn ra từ 21-12-2007 đến 3-1-2008. Ba tuần văn hóa tạo thành một chuỗi các hoạt động văn hóa-du lịch mang tính chất như những điểm nhấn hấp dẫn, thu hút du khách đến với Tuyên Quang-nơi mà phần lớn những danh lam thắng cảnh tự nhiên, di tích lịch sử… mới bắt đầu được khai thác và đã lộ diện những vẻ đẹp hiếm có.
Cây đa Tân Trào.

Nếu như tuần văn hoá du lịch thứ nhất có “gam màu” đậm đà dân tộc qua các lễ hội giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc anh em thì tuần văn hoá du lịch thứ 2 và thứ 3 lại được tiếp nối bằng các hoạt động văn hoá ấn tượng và hiện đại: Khai mạc tuần văn hoá-du lịch Hành trình về Thủ đô kháng chiến, khai trương điểm du lịch thác Bản Ba, khai mạc ngày hội “Huyền thoại hồ trên núi”, Hội chợ thương mại Na Hang lần thứ nhất, Thi hoa hậu du lịch Tuyên Quang lần thứ nhất, Giải quần vợt Mỹ Lâm-PARADISE, liên hoan dân ca các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang. Năm 2007 này chắc chắn là một năm “bận rộn” của ngành du lịch Tuyên Quang. Trong lần gặp mặt báo chí gần đây, đồng chí Chẩu Văn Lâm-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang-đã khẳng định: “Tổ chức 3 tuần văn hoá du lịch lớn này, Đảng bộ, chính quyền địa phương và nhân dân Tuyên Quang đã đặt quyết tâm xây dựng tỉnh nhà bằng tiềm năng du lịch, đưa ngành công nghiệp không khói này thành một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh”. UBND tỉnh đã giao cho Sở Thương mại và Du lịch, Sở Văn hóa-Thông tin, Sở Thể dục-Thể thao, Sở Tài chính, Sở Giao thông-Vận tải cùng nhiều ban, ngành liên quan quyết tâm tổ chức tốt các tuần du lịch trong năm 2007.

Nhìn lại thời điểm cách đây vài năm, hầu hết các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử không được khơi dậy tiềm năng, không được tiếp thị quảng bá hình ảnh. Các hoạt động của ngành du lịch Tuyên Quang diễn ra nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Trong khi các tỉnh như Thái Nguyên, Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái… đã “làm du lịch” từ trước đó khá lâu và có được những thành công đáng kể thì Tuyên Quang vẫn chỉ giậm chân tại chỗ theo lối: Ai đến với mình thì mình tiếp! Chính vì thế mà các đoàn khách du lịch không được biết nhiều về một Tuyên Quang giàu truyền thống, giàu bản sắc, giàu lòng hiếu khách… Nhiều đoàn khách đến lại không thoả mãn về điều kiện ăn ở cũng như các dịch vụ du lịch còn yếu kém thiếu nổi bật, thiếu hấp dẫn. Năm 2005 có thể nói là năm “bản lề” của ngành du lịch Tuyên Quang, khi UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thương mại và Dịch vụ, Sở Văn hoá-Thông tin tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thu hút khách du lịch đến với địa phương. Theo thống kê của tỉnh, năm 2006 số lượng du khách đến với Tuyên Quang là 330 ngàn lượt người, tăng hơn 400% so với năm 2005 (khoảng 80 ngàn lượt người), nộp ngân sách hơn 300 tỷ đồng. So với năm 2006, Tuyên Quang hy vọng sẽ tăng gấp đôi số lượt du khách sau năm 2007 này. Nhận thấy tiềm năng du lịch của địa phương ngày càng rộng mở, nhiều đơn vị kinh doanh tư nhân cũng đầu tư vào lĩnh vực này. Trong 2 năm gần đây đã có thêm 30 khách sạn đi vào hoạt động nâng tổng số phòng khách lên đến 700 phòng, trong đó có 200 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Giới thiệu về lợi thế của du lịch tỉnh nhà, đồng chí Chẩu Văn Lâm, nói: “Mặc dù thời điểm xuất phát của Tuyên Quang chậm hơn các tỉnh bạn nhưng chúng tôi có lợi thế để làm du lịch về nguồn, lại có tài nguyên thiên nhiên phong phú. Đó là cụm di tích lịch sử mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, có lán Nà Lừa, có hồ thủy điện Tuyên Quang rộng 8.000 héc-ta, có núi non Na Hang hùng vĩ, có suối nước khoáng Mỹ Lâm nóng 67 độ C, có truyền thống bản sắc đậm đà của các dân tộc thiểu số vùng cao. Chúng tôi tin mình sẽ thành công với du lịch”.

Thật vậy, du lịch về nguồn chính là lợi thế to lớn của Tuyên Quang. Khu di tích lịch sử cách mạng A.T.K Tân Trào được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt hiện còn lưu giữ 175 di tích lịch sử cách mạng… Năm 2006, chỉ riêng các hoạt động du lịch về nguồn đã thu hút được 200 ngàn lượt khách. Trong số này đặc biệt có số du khách của các cơ quan, ban, ngành trung ương về thăm nơi thành lập. Phong trào về nguồn lập bia tưởng niệm nơi thành lập của các cơ quan trung ương tạo ra nhiều điểm đến rất thú vị trong hành trình về nguồn.

Tiềm năng, cơ hội đã chín, ý Đảng, lòng dân đã thuận. Hi vọng trong tương lai không xa cái tên Tuyên Quang sẽ gắn với một loại hình du lịch đặc sắc của rất riêng Việt Nam: Du lịch về nguồn!

Bài và ảnh: ĐÔNG HÀ