Với gần 2.000 di tích lịch sử-văn hóa-cách mạng, hàng trăm lễ hội trong năm, quả thật Thăng Long-Hà Nội là một trong số địa phương đồng bằng Bắc bộ có nhiều lễ hội, với nhiều tục vui chơi kỳ lạ như: thi bắt trạch trong chum, thi bơi chải, hội đánh phất, đấu vật, đấu gậy, đánh trận giả, bơi cạn…

Vì có nhiều lễ hội diễn ra liên tục, cho nên ông, bà ta đã đặt ra những câu ca để nhắc mọi người và được truyền tụng qua nhiều thế hệ.

Hàng năm, cứ vào ngày mồng 5 tháng Giêng, khi cành đào Xuân trong những gia đình vẫn đâm lộc nở hồng, thì người Hà Nội, sớm ấy, đều nô nức đổ về gò Đống Đa (quận Đống Đa) dự hội:

Mồng 5 tháng Giêng nhớ cho

Thăng Long nô nức hội gò Đống Đa

Hội đền Cổ Loa, còn gọi đền Chủ, kéo dài nhiều ngày đầu xuân với sự tham gia của 8 làng chung quanh. Ngoài phần tế lễ, rước, có đủ các trò vui truyền thống: đấu vật, kéo co, đánh đu, leo dây, múa võ, múa cờ, bắn cung, đấu cờ người, thổi cơm thi, chọi gà, hát chèo… có câu:

“Chết bỏ con cháu, sống không bỏ mồng 6 tháng Giêng” hoặc

Ai về qua thăm Đông Ngàn

Ghé thăm thành ốc, Rùa Vàng tiên xây.

Lễ hội ba làng (Thạch Cầu, Ngọc Trì, Ngô Thôn thuộc phường Thạch Bàn-quận Long Biên) diễn ra vào sớm mồng 9 đến 12 tháng 2:

Làng Cầu đuổi lợn

Làng Cự kéo co

Làng Ngò chạy ngựa

Hội Kẻ (huyện Từ Liêm), nơi thờ ba anh em họ Quách Lăng và hai nàng họ Đinh mở ngày mồng 10 tháng 3 với tục luyện quân còn được ghi trong ngạn ngữ cổ Hà Nội:

“Chiêng thôn Đống, trống Hà Trì, mõ Tây Đam, tù và Thượng Cát (thôn Đống là làng Đống Ba, xã Thượng Cát. Hà Trì là Hạ Cát, xã Liên Mạc. Tây Đam là làng Đăm, xã Tây Tựu).

Còn ở làng Đăm (Tây Tựu-Từ Liêm), mở hội đua thuyền hào hứng từ ngày mồng 9 đến 13 tháng 3 trên một đoạn sông Nhuệ chảy qua làng:

Làng Đăm có hội bơi thuyền

Có lò đánh vật lưu truyền từ lâu

Hội Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên) có nghề bắt rắn từ lâu đời. Hội mở vào ngày 23-3 hằng năm, có tục diễn trò múa rắn, tưởng nhớ ông Tổ của làng, có tục danh “Dũng sĩ họ Hoàng” dạy dân cách bắt rắn và lập ra 13 trại khai hoang ở phía tây kinh thành Thăng Long xưa:

Nhớ ngày 23 tháng Ba

Dân ta vượt trại Nhĩ Hà thăm quê

Hội Gióng thuộc làng Phù Ðổng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội

Nhưng nói đến lễ hội truyền thống lâu đời và tiêu biểu nhất ở Hà Nội thì người dân Thăng Long-Hà Nội không thể nào quên được Hội Gióng. Bởi thế, ca dao Hà Nội đã nhắc và giục giã:

Ai ơi mồng 9 tháng Tư

Không đi Hội Gióng cũng hư mất đời

Hội diễn ra trên quê hương người Anh hùng dân tộc làng Gióng (xã Phù Đổng-Gia Lâm) đã cùng nhân dân đánh đuổi giặc Ân vào đời vua Hùng thứ VI ở nước ta. Đây là một hội quy mô, có trình thức chặt chẽ nhất trong các lễ hội cổ truyền ở Thăng Long Hà Nội.

Sang tháng năm cũng còn một hội nữa rất đáng chú ý, đó là hội Chèm (xã Thụy Phương-Từ Liêm). Có câu:

Nhất vui là hội Cổ Loa

Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm

Hội Chèm mở ra nhằm tưởng nhớ Lý Ông Trọng, người có sức khỏe phi thường, đã tham gia cuộc kháng chiến chống quân nhà Tần xâm lược của nhân dân ta vào thời vua Thục An Dương.

Trên đây chỉ nêu ra một số câu ca dao về lễ hội tiêu biểu với mục đích: trước là lễ thần linh, bày tỏ lòng tri ân của làng xã đối với thần đã che chở, phù hộ cho dân làng yên ổn làm ăn, phong đăng hòa cốc, tránh được mọi dịch bệnh; sau là để con người có dịp giao lưu, cộng cảm, truyền thụ những đạo lý làm người, những mỹ tục và khát vọng cao đẹp, củng cố tình đoàn kết, phát huy tình yêu quê hương, đất nước, đúng với nghĩa sâu xa “Uống nước nhớ nguồn”.

Dù trong hoàn cảnh nào, lễ hội truyền thống đầu xuân vẫn rất cần thiết, nếu không con người biết hướng về đâu, đi về đâu?

Có điều, tổ chức thế nào để không xảy ra tệ nạn mê tín dị đoan, những trò lừa bịp “buôn thần, bán thánh”, hành vi lợi dụng lễ hội bày trò, gây chuyện lãng phí làm “nghèo” làng xã, làm giảm sự thuần khiết trong lễ giáo, về những thuần phong mỹ tục, dẫn tới sự nhàm chán…

PHẠM VĨNH