Năng động trong cách làm và những chính sách thiết thực
Để góp phần giữ gìn tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer, hằng năm, khi mùa hè đến, nhiều chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở ĐBSCL đều tổ chức lớp dạy chữ Khmer cho học sinh, điển hình như Sóc Trăng. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Sóc Trăng, đến nay đã có 80 chùa trên địa bàn tỉnh mở lớp dạy chữ Khmer trong dịp hè và thu hút 6.000-7.000 học sinh đến học mỗi năm. Ông Lý Rotha, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Việc dạy chữ Khmer ở các chùa Phật giáo Nam tông từ trước đến nay đã trở thành truyền thống, được các bậc phụ huynh và học sinh người Khmer đặc biệt quan tâm, ủng hộ”.
Cũng theo ông Lý Rotha: Để hỗ trợ kinh phí và động viên, khuyến khích các em học sinh dân tộc Khmer theo học tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, năm học vừa qua, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh trích ngân sách mua sách giáo khoa tiếng Khmer (từ quyển 1 đến quyển 5) tặng các nhà chùa. Địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi để các chùa thực hiện việc giảng dạy thống nhất với chương trình và sách giáo khoa chung của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, địa phương còn có chính sách hỗ trợ cho các vị sư tham gia dạy chữ Khmer tại điểm chùa vào dịp hè.
Tại Trà Vinh, nơi có hơn 32% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (cao nhất ở Nam Bộ), với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đến nay, việc học tập của con em đồng bào dân tộc Khmer đã ngang bằng, thậm chí một số tiêu chí cao hơn so với cộng đồng trong khu vực. Toàn tỉnh hiện có 94 trường tiểu học và 6 trường THCS tổ chức dạy song ngữ Việt-Khmer với gần 15.000 học sinh theo học. Cùng với dạy song ngữ Việt-Khmer, tỉnh còn vận động người dân chung tay lo việc dạy chữ Khmer cho học sinh, nhất là ở các xã vùng sâu. Ông Kiên Ninh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh chia sẻ: “Những năm qua, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ban quản trị các chùa thường xuyên vận động phật tử hỗ trợ đồ dùng dạy học, tặng xe đạp cho học sinh, giúp các em yên tâm đi học. Kết thúc khóa học, nhà chùa tổ chức khen thưởng những học sinh đạt kết quả khá, giỏi”.
Cùng với những chính sách trên, mới đây, tại TP Cần Thơ, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đã khánh thành giai đoạn 1. Tới đây, học viện đi vào hoạt động không chỉ giúp sự nghiệp giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer có bước phát triển vượt bậc, đào tạo nguồn nhân lực trong cộng đồng Khmer, mà còn vươn ra khu vực và hướng đến quốc tế. Đây cũng là nền tảng quan trọng trong bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer ở vùng ĐBSCL.
Thiếu chuyên nghiệp trong bảo tồn
Mặc dù việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết Khmer được nhiều địa phương quan tâm, nhưng thực tế cho thấy, số lượng người biết đọc, biết viết chữ Khmer không nhiều. Nguyên nhân là do việc dạy chữ cho cấp tiểu học theo chương trình của Bộ GD&ĐT, chủ yếu giúp học sinh các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc và viết chữ. Còn những em đã lỡ chương trình hoặc người lớn hơn cấp tiểu học thì phải học tạm tại các lớp điểm chùa ở địa phương. Mặt khác, tuy các lớp giảng dạy ngôn ngữ Khmer đang tiến hành thuận lợi, nhưng trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, phần lớn các địa phương đều phải tự xoay xở để bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc dạy, học tiếng Khmer. Cùng với đó, tại các địa phương, giáo viên dạy chữ Khmer tuy khá đông nhưng người có trình độ sư phạm lại rất ít. Theo ông Danh Ngọc Hùng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang: Cái khó của tỉnh là chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo cơ bản mà chỉ bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên biết tiếng dân tộc Khmer với nhau và sau đó đứng lớp dạy cho học sinh. Còn tham gia giảng dạy tại các chùa thì chủ yếu là nhà sư và một số phật tử tình nguyện.
Trường Đại học Trà Vinh tuy có Khoa Ngôn ngữ-Văn hóa-Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, nhưng sinh viên tốt nghiệp khoa này lại được cấp bằng cử nhân văn hóa. Giáo trình học của khoa cũng chỉ tập trung vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Khmer là chính, nên khi sinh viên tốt nghiệp ra trường, mặc dù nói và viết tiếng Khmer rất giỏi nhưng cũng không đủ điều kiện pháp lý để trở thành giáo viên dạy tiếng Khmer. Theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên có đề cập, nhưng thông tư hướng dẫn thực hiện đề án vị trí việc làm trong ngành giáo dục của Bộ GD&ĐT thì không có vị trí việc làm đối với giáo viên dạy tiếng Khmer. Vì thế, các địa phương không có cơ sở tuyển chọn hay thu hút giáo viên có đủ năng lực để tham gia giảng dạy.
Mặc dù các địa phương đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ nhằm thu hút học sinh tham gia học tiếng Khmer, thế nhưng theo thống kê, hiện hơn 90% đồng bào dân tộc Khmer biết nói tiếng Khmer, nhưng tỷ lệ biết đọc và viết chỉ khoảng 30%. Do đó, để nâng tỷ lệ người biết đọc và viết chữ Khmer thì cần phải củng cố, đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp. Để làm được điều này phải bắt đầu từ việc các bộ, ngành Trung ương bổ sung mã ngành trong đào tạo và bố trí vị trí việc làm trong tuyển dụng, sử dụng người lao động. Bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer sẽ không mang lại hiệu quả nếu chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của từng địa phương...
THÚY AN