 |
Hát giã bạn cuối hội |
Năm 2006, Bộ Văn hóa-Thông tin đã quyết định phân bổ 800 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hoá để hỗ trợ phục dựng 8 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số (theo quyết định số 5110/QĐ-BVHTT ngày 10-11-2006), tổ chức thực hiện trong dịp đầu xuân Đinh Hợi 2007. Hội Tòng Lệnh (thôn Tòng Lệnh, xã Trường Giang, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) là một trong tám lễ hội thuộc dự án ấy.
Hội Tòng Lệnh thường được tổ chức từ ngày 5 đến 7 tháng Giêng, song tất cả các hoạt động chính đều diễn ra vào ngày mùng 7 (chính hội). Theo ông Nguyễn Văn Diên (chủ tịch xã Trường Giang) thì Hội Tòng Lệnh là để tưởng nhớ tướng quân nhà Lý - Vũ Công Thành (còn gọi là Thân Cảnh Phúc). Ông là một người thông minh lỗi lạc, trung hiếu hơn người, đã có công dẹp tan nhà Tống giữ yên biên thuỳ suốt một dải từ Lạng Sơn đổ về. Ông đã được phong chức trung dũng hầu, chi viên đầu, rồi thượng tướng quân, được thay Hoàng Thượng tiếp nhận lễ cống vật của nước Ai Lao và Xiêm La tiến cống. Ngày nay tại đền Từ Hả vẫn còn lưu đôi câu đối về ông: Mã thượng tướng dư linh nhất phiến đan tâm quang vũ trụ/Thiền quang quy lĩnh vực thiên thu chính khí chí sơn hà. Ông được sinh ra ở đất này nhưng lại hóa tại Từ Hả - Lục Ngạn (năm 1026) trong một trận đánh lớn vì bị tráo kiếm giả. Mẹ ông (công chúa Lý Thị Cảnh) đau đớn không tin vào sự thật đã hỏi quân tướng: Tại sao con ta chết? Con bà chết như thế nào? nên các tướng lĩnh phải diễn lại trận đánh vào ngày 7-1 âm lịch. Từ đó về sau ngày này trở thành ngày Hội dân làng tưởng nhớ vị tướng quân tài đức này và ông cũng được coi như thành hoàng làng. Vì thế, qua nhiều năm, lễ hội đã có thêm nhiều hoạt động khác chứ không chỉ có trận giả như năm xưa.
Theo cụ Nguyễn Văn Tư - trưởng ban tổ chức lễ hội thôn Tòng Lệnh thì dù trải qua hàng nghìn năm, lễ hội Tòng Lệnh vẫn được giữ gìn. Song từ năm 1945 đến nay thì nó bị mai một dần. Nguyên nhân là do trong thời kháng chiến chống Pháp, nơi đây là vành đai trắng của địch, chúng đã phá bỏ hết chùa chiền, lấy hết đồ cúng tế. Vật duy nhất dân làng còn giữ lại được nguyên vẹn do mang đi giấu là chiếc kiệu rước thánh (tướng quân Vũ Công Thành). Cho đến tận năm 1994, được sự giúp đỡ của Sở Văn hóa-Thông tin, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, nhân dân nơi đây mới bắt đầu khôi phục và đến năm 1996 mới mở hội lại. Từ đó cho đến nay, năm nào thôn cũng tổ chức nhưng không đầy đủ các nghi lễ. Cho đến năm nay, được sự chỉ đạo và đầu tư của Bộ Văn hoá Thông tin, chính quyền xã đứng ra chủ trì tổ chức một lễ hội Tòng Lệnh, tái hiện lại khá đầy đủ các hoạt động như xưa đã diễn.
Cụ Tư cho biết: Lễ hội năm nay có sự tham gia của gần 1000 người đủ các dân tộc Kinh, Sán Dìu, Tày... chia thành 12 ban (có ban lên tới gần 100 người như ban rước kiệu có 92 người). Lễ hội Tòng Lệnh 2007 có hai phần chính là phần hội và phần lễ. Phần lễ được chú trọng hơn với: lễ rước kiệu, lễ dâng hương, lễ tế thần, lễ "Ai Lao cống tượng, Xiêm La cống vàng bạc", lễ cống Thần Nông, đánh trận giả; phần hội có giao lưu văn nghệ, tổ chức đánh bóng chuyền, vật cổ truyền, các trò chơi dân gian, đặc biệt năm nay là trồng cây đu theo lối cổ và chơi đánh đu. Tất cả các lễ đều diễn ra vào ngày mùng 7, riêng phần hội từ ngày mùng 6 (ở đây không kéo dài đến ngày mùng 8 vì theo quan niệm của các cụ, mùng 8 phải đi lễ đền Từ Hả, là nơi thánh hóa).
Để nhớ lại chiến tích của đức thánh Vũ Thành, lễ trận giả được diễn ra ngay sau đó. Trên sân hội người ta chia ra làm hai bên: bên quan và bên giặc. Bên quan chỉ có tám người gồm một quan giữ cờ trận, một quan múa gậy theo cờ, hai quan khênh trống cái, hai quan khiêng chiêng, hai quan khênh pháo. Tám quan này cởi trần, đóng khố. Cả tám người lấy nhọ đen vạch ngang trên trán làm hiệu. Ngày thì nhọ trán, đêm sờ thấy cởi trần là ta. Đây chính là trò đánh trận theo lối độn thổ.
Vào trận, bên quan cho quân đi quanh rạp. Đi đầu là quan múa cờ theo lối bỏ bộ, múa đánh bốn cửa. Cờ trận là cờ đỏ, đuôi nheo rộng 40cm, dài 60cm trên có thêu chỉ "Thái Bình". Sau đó quan múa gậy theo cờ đi sau. Trống chiêng tung, chỉnh tiền hô hậu ủng. Súng ống được chuyển rước quanh rạp.
Quân giặc chia làm hai mũi tiến vào. Một mũi mặc áo nâu xanh. Tướng giặc mặc áo hổ cái, quần thường, chân không quấn xà cạp. Một mũi quân mặc áo nâu đỏ, tướng áo đỏ, khăn đỏ, cầm đao. Cả hai đội quân mỗi đội cũng có một trống cái, quân sĩ cầm cờ, cầm gậy tùy theo. Quân giặc theo hai hàng đi đến cửa rạp rồi cứ đi vòng ra sau rạp rồi lại vòng lại, hễ gặp quân quan ở đâu thì đánh nhau, xô đẩy, và lấy đất cày ném nhau. Hai bên đánh nhau như thế cuối cùng bên quan dồn quân giặc về khu sáu sào (khu rạp). Kết thúc trận một. Cứ như thế các trận sau. Khi nào hết đất cày thì thôi. Trong diễn tích, dân làng sắp cho hai bên hai mâm lương. Bên quan tám người một mâm rất đàng hoàng, bên giặc một mâm ít đồ ai tranh được cái gì ăn cái nấy. Cuối cùng sau cuộc diễn tích, bên quan thắng (tướng Vũ Thành mất), bên giặc thua.
Lễ tế thần nông cầu mùa được diễn ra ngay sau khi diễn tích đánh trận kết thúc. Trên sân hội, dân làng dựng một đàn tế kề bên rạp trận. Đàn cao một đầu một với, trên có bắc rạp đứng tế, dưới cho trẻ em đóng giả làm ếch nhái đợi mưa. Cuộc tế kết thúc, chủ tế lấy nước vẩy xuống rạp, rơi xuống người ếch nhái; lúc này ếch nhái kêu ộp ộp báo hiệu mưa về.
Có mưa thì tổ chức cấy, cày. Một người đàn ông đóng giả làm trâu kéo cày, bừa. Một người đi sau giả làm thợ bừa quanh đàn tế. Cùng lúc đó lại chọn một ông đóng giả đàn bà đi cấy. Mọi việc diễn ra suôn sẻ thì coi như năm đó mưa thuận gió hoà, phong đăng hoà cốc lúa má tốt tươi, được mùa.
Cuối cùng, sau lễ tế thần nông, làng cho vật hội theo lối vật tự do, có giải nhất, nhì, ba. Vật cho đến chiều thì thôi. Còn đoàn rước cũng tổ chức rước hoàn cung. Dân làng phá cỗ.
Bài và ảnh: PHẠM THÀNH HUYÊN