Con đường ấy sau hơn 65 năm trở lại, lạ mà như rất đỗi thân quen trong mắt những thiếu sinh quân ngày nào, khi giờ đây mái đầu mỗi người đều đã bạc.
Những vòng ôm siết chặt, tóc trắng hòa vào tóc trắng, nước mắt ướt vai đồng đội... Hình ảnh ấy làm xúc động những người xung quanh và gần 60 cựu thiếu sinh quân trong đoàn về nguồn, về với nơi ghi dấu một thời trai trẻ. Chính ngay tại cánh rừng Bản Vẹ, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, dưới mái lá lán cọ, những thiếu sinh quân tuổi 14, 15 của 65 năm về trước đã được học bài học “nợ nước thù nhà”.
 |
-Lễ khánh thành công trình Nhà văn hóa xóm Bản Vẹ. |
Trong chuyến về nguồn này, có một thành viên thật đặc biệt, ông là Nguyễn Chí Thiện, nguyên Trung đội trưởng của Lớp Thiếu sinh quân hồi ấy. Năm nay ông đã ngoài 90 tuổi, cây nạng run run theo từng bước chân ông. Khi nhận tin đồng đội sẽ hành quân lên Bản Vẹ, ông cùng hai con trai vượt chặng đường gần 200km về với An toàn khu (ATK). Dù đã nhiều lần lên thăm nơi đây, song cảm xúc lúc nào cũng vẹn nguyên và đong đầy trong ông. Chúng tôi phải cúi sát gần ông để nghe được rành rõ những câu chuyện ông kể, những điều ông tâm sự. Nơi này là mái lá năm xưa, dưới kia là điểm mà ông và đồng đội vượt suối những ngày mưa lũ đi lấy gạo, gùi nước, hái rau... Tất cả hình ảnh đó ùa về trong ông như những thước phim rõ nét.
Ngày ấy, các “vệ út” xa gia đình về "Thủ đô gió ngàn" trong vòng tay che chở của đồng bào ATK. Những thiếu sinh quân tuổi từ 8 đến 16 thực hiện nhiệm vụ học tập nhằm tạo dựng lực lượng nòng cốt lâu dài cho cách mạng. Tuổi còn nhỏ, xa bố mẹ, thiếu sinh quân được các bà, các mế đùm bọc, thương như con cháu mình. Hằng ngày, sau giờ lên lớp, đội viên chia ra từng nhóm nhỏ lên rừng lấy măng, hái rau, nhặt củi. Có những trận mưa rừng, những khi sốt rét, các thiếu sinh quânkhông đi lấy lương thực được, đồng bào dù bấy giờ còn khó khăn, nghèo đói, song vẫn dành củ sắn, búp măng đem đến chia sẻ với các đội viên nhỏ. Cũng từ ngày tháng đó, Nguyễn Chí Thiện và đồng đội đã tâm niệm một ngày trở về để tri ân đồng bào đã nuôi dưỡng, chở che một thời gian khó.
Công trình tri ân đồng bào mà ông Nguyễn Chí Thiện nhắc đến chính là Nhà văn hóa xóm Bản Vẹ, được khánh thành, đưa vào sử dụng ngay trong ngày các thiếu sinh quân năm xưa về tri ân nguồn cội. Mong muốn của ông cũng chính là ước nguyện của các thành viên trong đội thiếu sinh quân của Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị những năm 1952-1953. Xuất phát từ tình cảm đó, các thiếu niên năm xưa giờ đã tuổi cao vẫn luôn trăn trở về một công trình để tri ân người dân-những bà mế, người anh, người chị đã có thời kỳ cưu mang, che chở họ trong kháng chiến.
Từ ý tưởng được đưa ra, Ban liên lạc thiếu sinh quân, thông qua PGS, TS Nguyễn Ngọc Quán, một thành viên trong đội, đã vận động và nhận được sự ủng hộ của các mạnh thường quân, trong đó có Công ty TNHH SM Hợp Nhất. Quá trình trực tiếp về khảo sát, triển khai xây dựng được tiến hành sau hơn 3 tháng. Với sự góp sức của nhân dân, công trình Nhà văn hóa xóm Bản Vẹ hoàn tất khang trang và đưa vào sử dụng. Trong buổi cắt băng khánh thành công trình, chị Võ Diệu Thảo, Giám đốc Công ty TNHH SM Hợp Nhất, người trực tiếp đề nghị tham gia hỗ trợ công trình không giấu được xúc động khi chia sẻ cùng các thiếu sinh quân và đồng bào: “Mỗi lần về với Bản Vẹ, thấy cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, xuất phát từ tâm nguyện của các cựu thiếu sinh quân, chúng tôi đã đề nghị được tham gia hỗ trợ công trình này nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào nơi đây".
Có nhà văn hóa, người dân xóm Bản Vẹ có nơi để thường xuyên hội họp, trao đổi, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Đó cũng là niềm tin mà chính quyền và nhân dân địa phương gửi gắm vào công trình mang đậm tình nghĩa quân dân khi đưa vào sử dụng. Bà Hoàng Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã Định Biên chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi nhận bàn giao Nhà văn hóa xóm Bản Vẹ. Chính quyền và nhân dân địa phương sẽ cùng gìn giữ và phát huy công trình này để góp phần phát triển văn hóa, kinh tế-xã hội”.
Sau lễ cắt băng khánh thành, trước lúc chia tay đồng bào về xuôi đầy lưu luyến và bịn rịn, ông Nguyễn Chí Thiện đứng bên tấm bia đá ghi những dòng lịch sử về đội thiếu sinh quân trong khuôn viên nhà văn hóa, xúc động nói với bà Hoàng Thị Quyên cùng người dân Bản Vẹ: "Cảm ơn bà con đã đón nhận tấm lòng và sự tri ân của chúng tôi".
Bài và ảnh: DUY VĂN