“Cứu dân là mệnh lệnh trái tim”
“Cứu dân là mệnh lệnh trái tim” - Đó là câu nói của Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Tư lệnh Quân khu 5 trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão của một số đơn vị trong sáng 27-9-2009.
 |
Trung tướng Nguyễn Trung Thu kiểm tra công tác cứu hộ, cứu nạn tại Quảng Nam (27-9-2009).
|
Theo kế hoạch, Sư đoàn 315 tổ chức lực lượng 650 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng tham gia cùng địa phương di dời người, tài sản đến nơi an toàn; tham gia chèn chống nhà cửa ở những vùng trọng điểm bão tại các huyện Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên, Điện Bàn (Quảng Nam), Bình Sơn (Quảng Ngãi). 600 cán bộ, học viên trường Quân sự Quân khu cùng đầy đủ phương tiện sẵn sàng cơ động vào Hội An, Đại Lộc giúp nhân dân sửa chữa nhà cửa, trường học.
Lữ đoàn Công binh 270 điều 50 cán bộ, chiến sĩ và huy động tối đa các phương tiện ca nô, xuồng máy, phao bè... tham gia giúp nhân dân di dời người và tài sản đến nơi sơ tán an toàn, giằng buộc nhà cửa ở những vùng trọng điểm bão, triều cường, sóng thần, ngập lụt ở thành phố Tam Kỳ và các huyện Phú Ninh, Điện Bàn.
Là người cẩn trọng và sâu sát đơn vị, tuy đã chỉ đạo Sư đoàn 315 triển khai nhiệm vụ, nhưng Trung tướng Nguyễn Trung Thu vẫn thường xuyên dùng điện thoại di động liên lạc với Đại tá Trương Đức Nghĩa để nắm tình hình chung... Qua liên lạc với Thượng tá Nguyễn Hữu Nghĩa, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Điện Bàn, biết tình hình 15/20 xã của huyện thường xuyên ngập lũ. Trong đó, có 198.700 hộ dân sinh sống ven sông, ven biển, ông đã chỉ đạo Ban CHQS huyện Điện Bàn điều ngay 25 cán bộ, chiến sĩ và 621 đồng chí dân quân, cùng 5 ca nô, 8 thuyền nhôm máy đẩy về các vùng trọng điểm để triển khai mọi công tác chuẩn bị di dời nhân dân.
Khi cơn bão số 1 sắp ập vào trên địa bàn Quân khu 5, qua theo dõi tin dự báo thời tiết, ông lo lắng theo dõi. Vào lúc 1 giờ sáng ngày 28-9-2009, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định gọi đến: “Anh Thu ơi, vùng Diêu Trì ngập nặng, anh cho quân tới cứu gấp!”.
Sau vài phút, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đang họp Quốc hội ở Hà Nội cũng gọi điện đến Trung tướng Nguyễn Trung Thu với nội dung tương tự. Đúng là Tư lệnh chiến trường, ông ra lệnh cho các lực lượng của quân khu gần đó “xuất kích”. Ông thông báo cho Quân đoàn 3, Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân… Sau hơn 1 giờ đồng hồ, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã có mặt tại Diêu Trì (Bình Định) kịp thời di chuyển hàng trăm người dân vượt lũ đến nơi tránh trú an toàn.
 |
Theo yêu cầu của Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Sư đoàn 372 điều trực thăng chở hàng cứu trợ người dân huyện đảo Lý Sơn (30-9-2009). |
Ngay trong chiều 28-9-2009, Trung tướng Nguyễn Trung Thu chỉ đạo Lữ đoàn 143 (Sư đoàn 315) khẩn trương điều động 100 cán bộ, chiến sĩ về ứng cứu đập Kế Xuyên (huyện Thăng Bình); 50 quân giúp nhân dân huyện Thăng Bình gặt lúa chạy lũ; chỉ đạo Trường Quân sự Quân khu điều 50 cán bộ, chiến sĩ vào huyện Điện Bàn (Quảng Nam) di dời nhân dân ra khỏi vùng ngập lũ...
Trung tướng Nguyễn Trung Thu đùa với anh em: “Ngày trước Hoàng đế Quang Trung sau mấy ngày đã từ Phú Xuân đã có mặt ở Thăng Long, tại sao như vậy? Mình học tập ở tổ tiên, dùng quân tại chỗ, có mặt kịp thời, cũng như ngày xưa Vua Quang Trung vậy. Có lẽ người đi bằng ngựa, còn binh lính của người từ Tam Điệp đi theo đường bộ nên cũng cùng có mặt ở Thăng Long đúng hẹn thôi!”.
Sáng 30-9-2009, tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, nước trên các sông dâng cao, tất cả các đơn vị Quân đội trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên đều huy động tối đa lực lượng, phương tiên tập trung cho việc cứu hộ, cứu nạn. Những chiếc xuồng máy, ca nô, những chuyến bay chở hàng cứu trợ về nhanh vùng tâm bão...
Đúng 6 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt tại khu vực Cầu Đỏ để hành quân vào Quảng Nam, nhưng tất cả mọi chuyến xe đều tắc nghẽn. Toàn tuyến quốc lộ từ Đà Nẵng đến Duy Xuyên đều ngập sâu trong nước gần 1,5m. Hai bên bờ sông Cẩm Lệ, nước dâng cao, rác rưởi tấp đầy, ca nô Ban CHQS quận Cẩm Lệ chạy như con thoi đưa đón tiếp tế lương thực, thực phẩm cho những người dân vùng ngập lũ...
Biết không thể hành quân vào Quảng Nam được nữa, Trung tướng Nguyễn Trung Thu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu nhân dân trên các hướng. Sau đó đồng chí Tư lệnh Quân khu ra lệnh cho Đại tá Huỳnh Ngọc Tri, Trưởng phòng Tác chiến Quân khu huy động mọi người mua thêm 200 thùng mì ăn liền chất lên xe chuyển hướng đi kiểm tra tình hình bão, lũ và cứu trợ đồng bào Mân Quang, Khuê Mỹ (phường Hòa Quý) đang bị lũ cô lập trong mấy ngày qua.
 |
Trung tướng Nguyễn Trung Thu cứu trợ người dân vùng lũ Duy Xuyên, Quảng Nam (30-9-2009).
|
Khi xe quay về tới bến đò Hòa Quý thì mưa vẫn nặng hạt, gió thổi mạnh, mì tôm được chất lên 2 chiếc ca nô của Ban CHQS quận Ngũ Hành Sơn và Đồn Biên phòng 256, băng qua hệ thống dây điện chằng chịt, len lỏi giữa những lùm cây ngập nước để đến với đồng bào. Phải mất gần nửa giờ đồng hồ mới vào tới Nhà văn hóa cộng đồng Mân Quang. Trên nhà có gần 100 người dân (trong đó có 13 cụ già và 10 em bé) đang đói lả vì thiếu ăn. Đón nhận những thùng mì tôm cứu đói, cụ Lê Thị Tam (85 tuổi) ở thôn An Lưu cảm động không nói nên lời.
Hình ảnh Trung tướng Nguyễn Trung Thu quần xắn gối, chân đi dép cao su, đầu đội mũ cối cùng đoàn cán bộ dầm mình giữa dòng nước bạc về vùng trũng Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) sẽ còn đọng lại mãi trong lòng người dân hôm đó. Dáng ông tất tả trong chiều bão dông…
Cứu dân bằng... súng đặc chủng
Sự kiện tháng 11-2009, lực lượng vũ trang Quân khu 5 cứu được một người dân ở Gia Lai được xem như là một kỳ tích, gắn liền với vai trò chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Tư lệnh Quân khu 5. Hôm ấy, ông Phan Văn Chúc, 69 tuổi, quê ở xã Cát Trinh (Phù Cát, Bình Định), đang làm bảo vệ công trình thủy điện Đắk Sông 2A ở huyện Kông Chro (Gia Lai), thì lũ quét bất ngờ đổ ập xuống.
Dòng nước lũ hung hãn cuốn phăng đoạn đê quai ngăn dòng bị vỡ trong đêm. Lúc này ông Chúc không kịp thoát thân, đành vội xách can nước, quơ vội cái rựa rồi nhanh chóng trèo lên ngọn cây. Ông chịu đói, chịu rét từ đêm hôm trước đến tận sáng ngày hôm sau mới được lực lượng cứu hộ phát hiện và báo cáo về Bộ tư lệnh Quân khu 5 xin ý kiến chỉ đạo.
Với tinh thần “cứu dân là trên hết”, Trung tướng Nguyễn Trung Thu đưa ra ba phương án để các lực lượng cứu hộ tại hiện trường trực tiếp xử trí: Phương án thứ nhất, dùng ca nô để tiếp cận vị trí ông Chúc đang mắc kẹt. Phương án thứ hai, dùng gỗ kết bè, đưa lực lượng giỏi nhất bơi ra giải cứu. Phương án còn lại là đề nghị Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ đạo Sư đoàn Không quân 372, hoặc Sư đoàn 370 điều máy bay trực thăng tiếp cận vị trí của ông Chúc, hạ thang dây xuống cứu ông bằng trực thăng.
 |
Dưới sự chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Trung Thu, các lực lượng cứu hộ của Quân khu 5 kịp thời đưa người dân vùng lũ Hòa Xuân, Đà Nẵng đến nơi an toàn (3-11-2009). |
Khi lực lượng cứu hộ triển khai thực hiện phương án 1, nước chảy xiết, ca nô xuất phát được khoảng năm mét liền bị dòng nước đánh chìm. Chuyển sang phương án 2, bè mới thả xuống cũng bị lũ đánh chìm khiến một đồng chí bị thương. Phương án 3, cả ba lần bay máy bay đều không thể bay tới địa điểm đón ông Chúc vì sương mù dày đặc che mất tầm nhìn.
Trước tình hình nguy cấp như cậy, Tư lệnh Nguyễn Trung Thu đưa ra giải pháp thứ tư là sử dụng súng bắn dây. Sở dĩ ông nắm được loại vũ khí này là vì ngay từ trong chiến tranh chống Mỹ, khi đi nhặt từng quả đạn, pháo lép của địch ông đã thầm ước được trang bị vũ khí để đánh giặc. Trong tình huống này, ông liền nhớ đến súng bắn dây của Đại đội đặc nhiệm thuộc Bộ CHQS tỉnh Gia Lai nên lập tức gọi điện về Bộ CHQS tỉnh Gia Lai yêu cầu cho đội đặc nhiệm dùng súng bắn dây cứu người.
 |
Trung tướng Nguyễn Trung Thu cùng đoàn cán bộ cứu trợ người dân vùng lũ Hòa Quý, TP Đà Nẵng (1-10-2009).
|
Chấp hành mệnh lệnh của Trung tướng Nguyễn Trung Thu, 15 giờ ngày 4-11-2009, lực lượng cứu hộ của Bộ CHQS tỉnh Gia Lai có mặt ngay tại hiện trường. Theo phương án, đội đặc nhiệm bắn dây tới vị trí ông Chúc đang mắc kẹt trên ngọn cây giữa bố bề là nước lũ hung hãn. Sau đó lực lượng cứu hộ sẽ lần theo dây bơi ra giải cứu. Thế nhưng, trong điều kiện trời mưa to, gió lớn, hai lần bắn đầu tiên đạn đều bay sượt vị trí.
Đến 23 giờ đêm, trời đã ngớt mưa, gió cũng giảm, đồng chí Tư lệnh Quân khu yêu cầu tiếp tục thực hiện phương án bắn dây. Mọi người cùng sốt ruột chờ đợi bởi đến thời điểm này đây là phương án khả thi nhất. Sau tiếng nổ khô khốc, viên đạn lao đi trúng đích trong niềm vui vỡ òa của toàn lực lượng cứu hộ và bà con địa phương. Sự kiện ông Phan Văn Chúc được cứu sống, đối với cán bộ chỉ huy các cấp có mặt ngày hôm ấy đã rút ra được bài học kinh nghiệm để đời từ vị Tư lệnh Quân khu về tính mau lẹ, quyết đoán trong công tác, đó là: “Kiên trì mục tiêu, quyết định chính xác”.
(còn nữa)
Bài, ảnh: PHAN TIẾN DŨNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.