Trò chuyện với chúng tôi về công việc đầy trách nhiệm nhưng rất đỗi vinh dự và tự hào này, ông cho biết: Vào dịp tháng 6 năm 1978, vợ chồng Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, tôi gọi bằng ông (cụ nội của của tôi là anh ruột của bố Đại tướng Võ Nguyên Giáp) gọi đến vào bảo: “Bây giờ ngôi nhà họ tộc rất cần người trông coi, nay ông tin tưởng và giao nhiệm vụ cho cháu vừa bảo vệ vừa chăm sóc hương khói tổ tiên. Gia đình ông cũng không có tiền trả công, mảnh vườn 2.500m2 đó cháu tự sản xuất, trồng trọt mà bảo đảm cuộc sống”. Không chút suy nghĩ, đắn đo, tôi nhận lời làm công việc đầy vinh dự, tự hào này. Mới đó mà đã 44 năm trôi qua. Tôi thấy thật vinh dự là người được gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin tưởng, giao trách nhiệm nên tôi luôn cố gắng hoàn thành trọng trách của người con dòng tộc họ Võ.

 Ông Võ Trọng Hàm bên căn nhà Đại tướng đã được sửa chữa, phục dựng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Võ Đại Hàm kể, đã nhiều lần cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng đặt vấn đề nâng cấp nhà lưu niệm Đại tướng thành khu lưu niệm để xứng tầm với công lao, sự đóng góp của Đại tướng đối với đất nước và để có nhân viên chăm sóc, trông coi, nhưng các anh chị em và các con của Đại tướng không nhất trí. Vì mọi người đều suy nghĩ rằng, ngôi nhà là nơi thờ tự tổ tiên nên muốn con cháu trong dòng họ chăm sóc, hương khói. Đặc biệt, trong những lần về thăm quê, Đại tướng luôn dành thời gian đối với các hiện vật trong ngôi nhà và khu vườn. Chứng kiến Đại tướng ngắm nghía, vuốt ve các vật dụng sinh hoạt như cối giã gạo, cái cày, cái cuốc… và khi ra đến cây khế Đại tướng trầm tư hồi lâu nên ông càng thấy công việc mình làm trách nhiệm nặng nề hơn.

Theo lời ông Võ Đại Ham, đảm trách công việc này 44 năm qua có nhiều đêm ông không ngủ vì sự xuống cấp, hư hỏng của một số hiện vật quý trong ngôi nhà do tổ tiên để lại. Nhất là trận lũ lịch sử tháng 10 năm 2020 nhấn chìm cả xã Lộc Thủy, hôm đó mặc dù đã chủ động đưa các vật dụng, hiện vật lên cao nhưng do nước lên quá nhanh và lớn khiến ông không kịp trở tay. Trong số hiện vật hư hỏng mà ông quý nhất đó là quyển sổ ghi lưu niệm của các nguyên thủ, các đoàn công tác trong những dịp về thăm. Được biết, sau trận lũ lịch sử, với sự vào cuộc, chung sức của các ban, ngành, đoàn thể và bà con chỉ một thời gian ngắn ngôi nhà đã được sửa chữa, phục dựng như ban đầu.

Những năm qua, ngôi nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là địa chỉ đỏ để các ban, ngành, đoàn thể đến thăm viếng và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Chia tay ông Võ Đại Hàm, chúng tôi cầu chúc cho ông luôn mạnh khỏe để hoàn thành công việc sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin tưởng gửi gắm.

PHẠM HỮU