"Tính nóng, để mình sửa dần"

Trong hồi ức về “Một thời sôi nổi” của mình, Thiếu tướng Nguyễn An - nguyên Cục trưởng Cục Vận tải, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đã nhớ lại những kỷ niệm với Cục trưởng Đinh Đức Thiện khi ông mới về nhận công tác ở Cục Vận tải. Đó là thời điểm tháng 11-1950, Cục Vận tải đang đóng trong một khu rừng thuộc xã Hợp Thành (Định Hóa, Thái Nguyên). Ngày ấy, để bảo đảm công tác, chỉ Cục trưởng Đinh Đức Thiện được sử dụng “phương tiện” là một con ngựa, còn hai Cục phó Vũ Văn Đôn và Nguyễn Văn Nhạn sử dụng chung một con. “Thời kỳ này, không chỉ riêng tôi mà nhiều người cùng công tác hoặc có điều kiện gần gũi với Cục trưởng Đinh Đức Thiện đều thấy anh là một cán bộ cương trực, tháo vát, quyết đoán. Qua những mẩu chuyện của anh em, bè bạn, tôi cũng được biết anh là một người rất nóng tính. Điều đáng quý là anh cũng nhận ra những hạn chế ấy và luôn tự răn mình trong cuộc sống hằng ngày”.

Thiếu tướng Nguyễn An đã có dịp chứng kiến câu chuyện về tình bạn giữa Cục trưởng Đinh Đức Thiện với người bạn tên Chương, một bạn tù từng sát cánh đấu tranh trực diện với kẻ thù trong những ngày bị giặc Pháp giam cầm. Khi hay tin người bạn đã nghỉ hưu và sinh sống ở Thái Nguyên, Cục trưởng Đinh Đức Thiện đã cho mời ông Chương về làm bảo vệ cơ quan. Là người chăm chỉ, chịu khó nhưng lại hay quên việc nên nhiều lần Cục trưởng đã phải “thét ra lửa” với người bạn già. Biết mình sai, ông Chương vui vẻ nhận lỗi, nhưng cũng có lúc ông không vừa lòng với tính cách nóng nảy thái quá của người bạn. Một hôm, ông Chương chuẩn bị một bữa liên hoan nhỏ và mời người bạn tù năm xưa tới nhâm nhi, Cục trưởng Đinh Đức Thiện vui vẻ nhận lời. Câu chuyện đang vui, bỗng người bảo vệ già tỏ vẻ nghiêm túc, nói: “Thôi, hôm nay tớ với cậu tạm gác cái vai “ông Cục trưởng” và “thằng gác cổng” lại để nói chuyện với nhau như hồi trong nhà tù thực dân nhé!”. Cục trưởng Đinh Đức Thiện thấy thế liền cười, bảo: “Tớ với cậu trong tù vẫn thường lấy thân che đỡ cho nhau mỗi khi bị đánh đập, khủng bố, việc gì mà cậu phải rào đón vậy?”.

Ông Chương chậm rãi nói: “Chuyện cũ là vậy, nhưng bây giờ thấy thái độ của cậu đối với tớ khác xưa quá. Vẫn biết là cậu thường hay có lối nói bỗ bã, vô tư, nhưng khi đó là thời trai trẻ, khi mà mọi thằng tù chính trị đều như nhau”, ông Chương vừa nói, vừa nghẹn ngào khóc. Cục trưởng Đinh Đức Thiện cũng không thể cầm lòng khi nhớ lại những tháng năm tù đày, sống chết bên nhau. Thương người bạn già cả nghĩ, Cục trưởng Đinh Đức Thiện an ủi: “Thôi, tớ xin lỗi cậu. Mình có tính nóng, hơn nữa với cương vị được giao, mình cư xử như vậy cũng không phù hợp, cậu hãy để mình sửa chữa dần!”…

leftcenterrightdel
Đồng chí Đinh Đức Thiện ngoài cùng bên phải thăm vùng giải phóng Lộc Ninh, tỉnh Phước Long năm 1973. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

 

Thiếu tướng Đặng Huyền Phương, một cán bộ vận tải trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng nhớ mãi một kỷ niệm vui với Cục trưởng Cục Vận tải Đinh Đức Thiện. Trong thời điểm chuẩn bị bước vào chiến dịch, Trung đội xe 13 thuộc Đại đội 204 (Cục Vận tải - Tổng cục Cung cấp) nằm trong đội hình các đoàn xe ô tô, xe đạp thồ, dân công… nườm nượp lên đường ra mặt trận. Trung đội 13 nhận nhiệm vụ vận chuyển xăng nên khi đến chỗ nghỉ phải chuyển hết các phuy xăng xuống, đưa đi cất giấu ở các hốc đá, bụi cây ven đường. Một hôm, chiếc xe cuối cùng của đơn vị vừa ngụy trang xong thì trời hửng sáng, mọi người tranh thủ chợp mắt lấy sức để tối tiếp tục đi. Đang lúc mơ màng, Trung đội trưởng Phương bỗng nghe thấy tiếng quát từ phía mấy chiếc xe ngoài bìa rừng: “Đoàn xe nào đây? Ai lái những xe này? Ai là chỉ huy?”. Ông Phương nhổm dậy, nhìn về phía có tiếng quát thì thấy Cục trưởng Đinh Đức Thiện đang đi về phía xe mình: “Đâu cả rồi? Dậy ngụy trang lại mau, hay để máy bay nó ném bom, đốt trụi cả khu rừng này?”. Lát sau, Cục trưởng bước lại gần ông Phương, hỏi:

- Ai lái chiếc xe này?

- Báo cáo, tôi ạ!

- Ngụy trang thế này à? Đi từ xa còn nhìn rõ cả mấy bánh xe. Có đi ngụy trang lại không hay muốn “ăn” kỷ luật? Ai chỉ huy đơn vị này thì bảo đúng 1 giờ chiều vào Binh trạm kiểm điểm và nhận kỷ luật.

Nói xong, Cục trưởng Đinh Đức Thiện bỏ đi ngay.

Đúng 1 giờ chiều, Trung đội trưởng Phương vào Binh trạm. Cán bộ các đơn vị thuộc tuyến Binh trạm cũng được triệu tập về họp đông đủ. Ông Phương lẳng lặng đi vào phòng họp. Không ngờ, vừa nhìn thấy ông, Cục trưởng liền xẵng giọng, hỏi:

- Cán bộ chỉ huy đi đâu mà lái xe phải đi họp thay?

- Báo cáo, tôi chính là chỉ huy đơn vị xe mà sáng nay đồng chí đến kiểm tra.

- Đồng chí là lái xe cơ mà?

- Báo cáo, một đồng chí lái xe là Chiến sĩ thi đua được lệnh về Cục họp, đơn vị không có lái xe dự bị nên tôi phải lái thay để khỏi mất một xe phải nằm lại.

Cục trưởng nhìn ông Phương, vẻ mặt dịu lại, hỏi: “Sao các cậu gầy gò, xanh xao thế?”. Ông Phương bình tĩnh trình bày: “Anh em lái xe suốt đêm trên đường, tinh thần luôn căng thẳng vì đường đèo dốc, trên trời thì máy bay địch thường xuyên bay lượn nên thiếu ngủ cả tháng nay”. Cục trưởng im lặng lắng nghe cấp dưới trình bày, rồi ông không nhắc gì đến chuyện “kiểm điểm”, “kỷ luật” nữa mà ân cần căn dặn người chỉ huy chú ý chăm sóc sức khỏe anh em. Ông cũng nhắc mọi người dù vất vả, mệt nhọc đến mấy cũng không được chủ quan, coi thường địch, phải ngụy trang xe và hàng chu đáo. Nói xong, Cục trưởng quay sang, ra lệnh cho chỉ huy Binh trạm bắt con lợn to nhất trong chuồng và cử người khiêng ra để bồi dưỡng cho anh em lái xe.

Vị tướng của những quyết định táo bạo

Trong kháng chiến chống Mỹ, khi được giao trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, tuy có hàng núi công việc, nhưng tướng Đinh Đức Thiện vẫn căn dặn Bí thư Trần Lư là phải cố dành thời gian để xuống cơ sở. “Phải biết chọn việc mà làm, đừng tham đĩa bỏ mâm. Cũng phải có gan bỏ bàn giấy, xa gia đình, xa Hà Nội, đến tận cơ sở mà quan sát, nghiên cứu để giải quyết cho trúng”. Nói là làm, đầu năm 1965, ông dành hẳn mấy tháng liền xuống cơ sở, rồi có hơn ba tháng “nằm vùng” tại chiến trường Trường Sơn để trực tiếp chỉ đạo. Gần như thành lệ, mùa khô nào ông cũng có mặt ở Trường Sơn, còn vào mùa mưa, khi bộ đội rút ra để nghỉ ngơi, tập huấn, khôi phục trang bị kỹ thuật…, ông lại đến thăm hỏi, động viên bộ đội và rút kinh nghiệm cho mùa khô tới. Bộ đội Trường Sơn đều cảm nhận có một “Anh Đinh” (bí danh của tướng Đinh Đức Thiện) biết gần gũi sẻ chia, ghé vai giúp đỡ họ trong mỗi giai đoạn trưởng thành và những lúc khó khăn.

Đại tá Trần Lư kể, thời kỳ những năm 1967-1968, khi bộ đội hành quân đi B thường phải mang vác khá nặng và cuốc bộ dài ngày, đến được chiến trường Nam Bộ thì có khi mất tới gần nửa năm. Biết chuyện, tướng Đinh Đức Thiện đã dành thời gian đến các đơn vị để trực tiếp tìm hiểu. Ông đã thử vác ba lô và các trang bị của chiến sĩ, thấy trọng lượng mỗi người mang theo quá nặng, ông trao đổi với các cơ quan và đề xuất kế hoạch bảo đảm cho bộ đội hành quân nhằm giảm bớt cực nhọc, vất vả. Để giảm trọng lượng mang vác, anh em đi B chỉ mang theo những thứ thiết yếu nhất, sao cho tổng trọng lượng không quá 20kg, kể cả súng đạn, số còn lại giao cho đơn vị vận tải trên các tuyến phụ trách đưa đến tận nơi.

Trong ký ức của nhiều cán bộ, chiến sĩ, vóc dáng cao lớn, mái tóc bạc và bộ quần áo bà ba bạc màu, nhìn Chủ nhiệm Tổng cục Đinh Đức Thiện có dáng vẻ của một nông dân nhiều hơn là một vị tướng hậu cần với những quyết định táo bạo. Là người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, tướng Đinh Đức Thiện đã dám làm, dám chịu trách nhiệm và mạnh dạn xóa bỏ những gì lỗi thời, ràng buộc, đưa công tác vận tải, chi viện chiến trường đạt tới đỉnh cao.

Đại tá Mai Trọng Phước (nguyên Chỉ huy trưởng Công trường xây dựng đường ống, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu) nhớ lại: “Hằng ngày, khi nghe báo cáo về số lượng hàng trăm xe chở xăng bị địch đánh trúng, anh Đinh Đức Thiện đã trăn trở, tìm cách đưa việc vận chuyển xăng dầu vào chiến trường sao cho vừa đáp ứng được khối lượng lớn, vừa giảm bớt thương vong. Anh đã cùng đội ngũ cán bộ Cục Xăng dầu đi khảo sát và nghiên cứu phương án làm đường ống vượt Trường Sơn. Có lẽ ý tưởng ấy bắt đầu từ trước đó, khi anh từng mang về 200km đường ống do Liên Xô viện trợ sau một lần sang thăm nước bạn”. Sau này, trải qua 7 năm gian khổ, bộ đội xăng dầu đã xây dựng và vận hành được một tuyến đường ống chiến lược dài hơn 5.000km từ biên giới phía Bắc vào đến miền Đông Nam Bộ.

Chuyển hướng vận chuyển từ thô sơ sang cơ giới trên đường Trường Sơn và làm đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn vào Nam, đó là hai dấu son chói lọi của công tác vận tải quân sự trong những năm chiến tranh. “Công lao thuộc về tập thể những người đã đổ mồ hôi, xương máu để làm nên kỳ tích, nhưng nếu không có người chỉ huy nhạy bén, có trình độ tổ chức và nhất là có gan dám làm, dám chịu trách nhiệm thì không thể đề xuất và thực hiện được các phương án mới mẻ, táo bạo ấy”, Đại tá Mai Trọng Phước đã chia sẻ những cảm nhận của mình về đồng chí Đinh Đức Thiện, vị tướng hậu cần, người “anh cả” của ngành Vận tải quân sự trong các cuộc kháng chiến.

QUANG HUY - LÊ KHOA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.