Thiếu tướng Võ Bẩm sinh năm 1915 trong một gia đình nho học yêu nước tại làng Trường Định, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Thân phụ ông - Võ Thạc là một trong những yếu nhân của phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp do Vua Duy Tân khởi xướng, được đức vua phong làm Phó soái chỉ huy cuộc khởi nghĩa Duy Tân ở Quảng Ngãi. Trong cuộc khởi nghĩa, cụ Võ Thạc bị giặc Pháp bắt, tra tấn đến chết, khi Võ Bẩm vừa tròn một tuổi. Thân mẫu ông - Trương Thị Bằng là con một gia đình có nền nếp, hiếu học và yêu nước.
Chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần yêu nước, trung liệt của gia đình, ông sớm tham gia cách mạng: Làm liên lạc, rải truyền đơn, tham gia Tự vệ Đỏ… Tháng 8-1934, khi tròn 20 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 20 tuổi, ông làm Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Tháng 5-1935, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 12 năm tù khổ sai. Năm 1940, mẹ ông đứng đơn gửi Phủ toàn quyền Pháp xin ân xá cho ông, ông được thả về… Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia Quân đội, trải qua nhiều chức vụ, từ Chính trị viên Chi đội đến Chính ủy Trung đoàn, rồi Phân khu trưởng kiêm Chính ủy Phân khu Tây Nguyên phụ trách Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Phân khu Tây Nguyên, Bí thư Phân khu ủy kiêm Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Kon Tum…
 |
Đồng chí Võ Bẩm khi làm Đoàn trưởng Đoàn 559. Ảnh Tư liệu
|
Ngày 5-5-1959, theo lệnh, ông đến gặp Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương. Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh nói: “Tôi có nhiệm vụ truyền đạt lại với anh chỉ thị của Bộ Chính trị trực tiếp giao cho anh mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn và tổ chức lực lượng vận chuyển vật chất, súng đạn chi viện cho miền Nam tiến hành chiến tranh giải phóng theo tinh thần của Nghị quyết 15. Lực lượng này được gọi là Đoàn công tác quân sự đặc biệt”.
Võ Bẩm ý thức rất sâu sắc những vấn đề đồng chí Thứ trưởng đã đặc biệt lưu ý, bởi lúc này, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng chưa trực tiếp chỉ đạo công tác quân sự ở miền Nam, các cơ quan Đảng, Chính phủ cũng chưa triển khai cho cơ quan nào nhiệm vụ chi viện chiến trường miền Nam.
Ngày 19-5-1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh có buổi làm việc với ông và một số đồng chí khác, chính thức phổ biến nhiệm vụ của “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mở đường Trường Sơn, tổ chức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Một sự ngẫu nhiên nhưng đầy ý nghĩa, ngày “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” chính thức nhận nhiệm vụ thành lập cũng là sinh nhật lần thứ 69 của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; được lấy tên là Đoàn 559 - tức Đường Hồ Chí Minh sau này.
Nhận nhiệm vụ, công tác lựa chọn cán bộ, chiến sĩ gấp rút được tiến hành; cơ cấu tổ chức sớm được kiện toàn. Đầu tháng 6-1959, Tiểu đoàn 301 được thành lập với 440 cán bộ, chiến sĩ hầu hết là con em các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; biên chế thành 11 đội, trong đó có 9 đội vừa mở đường vừa làm giao liên, vận chuyển, 1 đội trinh sát, bảo vệ và 1 đội xây dựng hậu cứ. Khe Hó (Quảng Bình), qua kết quả chuyến khảo sát của đồng chí Đoàn trưởng Võ Bẩm, được lựa chọn làm điểm xuất phát cho tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn ngày ấy.
Đến cuối năm 1959, trải qua 18 tháng đầu tiên với gần hai mùa khô và một mùa mưa Trường Sơn, mặc dù bị địch đánh phá ác liệt, nhưng Đoàn 559 thiết lập được tuyến giao liên vận tải quân sự dài hàng trăm km qua những địa hình vô cùng hiểm trở; vận chuyển cho Khu 5 và Mặt trận Trị Thiên gần 2.000 khẩu súng bộ binh, hàng chục vạn viên đạn, hàng nghìn quân cụ; đồng thời đưa hơn 500 cán bộ cấp trung đội, đại đội vào chiến trường miền Nam.
Qua những lần khảo sát, Võ Bẩm đã nghĩ nhiều tới phương án mượn đất Lào để “lật cánh” sang Tây Trường Sơn, bởi lẽ, địa hình Lào khá bằng phẳng, tiện cho mở đường vận chuyển cơ giới; trong khi đó, địa hình Đông Trường Sơn của Việt Nam vô cùng hiểm trở và chia cắt lại bị kẻ thù chặn phá quyết liệt nên mở đường vận chuyển cơ giới rất khó mà vận chuyển thô sơ, nhỏ giọt như hiện tại tất yếu sẽ không đáp ứng được nhu cầu chiến trường ngày càng tăng theo nhịp độ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Không ngoài dự đoán của ông, hoạt động trên tuyến hành lang Đông Trường Sơn gần như ngưng trệ thời gian dài do bị địch đánh phá ác liệt. Phương án “lật cánh” sang Tây Trường Sơn nhanh chóng được báo cáo lên Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng và đã sớm trở thành hiện thực bởi bối cảnh chiến trường Việt - Lào gặp thuận lợi. Càng vào sâu đất bạn Lào, không chỉ có rừng của bạn ưu ái những người lính mở đường mà những dòng sông nơi đây cũng hứa hẹn giúp Đoàn 559. Sông Bạc, Sê Băng Hiêng, Sê Băng Phai, Sê Công… đã gắn bó mật thiết với dòng chảy lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Tới đầu tháng 5-1961, việc xoi đường xác định cung, trạm dọc theo biên giới Việt - Lào cơ bản hoàn tất. Phương án “lật cánh” sang Tây Trường Sơn đã thắng lợi, tạo bước nhảy vọt trong vận chuyển chi viện miền Nam. Từ thế độc tuyến, chỉ với những trục giao liên hành quân, vận tải gùi thồ Đông Trường Sơn, Đoàn 559 có thêm một tuyến vận tải thô sơ dọc biên giới Việt - Lào và tiến tới là đường dã chiến, đường quân sự vận chuyển bằng cơ giới.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng hoa Thiếu tướng Võ Bẩm nhân kỷ niệm 40 năm ngày mở đường Trường Sơn (19-5-1999). Ảnh tư liệu |
Ông là người đầu tiên tổ chức mở đường Trường Sơn, cũng chính là người đầu tiên đề xuất vận tải đường biển lên Quân ủy Trung ương và được Quân ủy Trung ương đồng ý. Từ kinh nghiêm vượt biển sang Trung Quốc năm 1950, ông luôn trăn trở mở tuyến chi viện trên biển. Ông chọn lính Quân khu 5 quê Quảng Nam, Quảng Ngãi hầu hết là ngư dân, đủ thành lập một tiểu đoàn mang mật danh Tiểu đoàn 603. Rồi ông triển khai đóng thuyền đi biển giống thuyền đánh cá Khu 5. Đến cuối năm 1959, Tiểu đoàn 603 đã có 20 thuyền đủ buồm, ngư cụ, ông đặt tên Tiểu đoàn 603 là “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”.
Đêm 30 Tết Canh Tý (năm 1960), “Tập đoàn đánh cá sông Gianh” chở chuyến hàng đầu tiên chi viện cho Quân khu 5 tại Hố Chuối, nhưng không may gặp bão, không vào được nơi dự kiến. Dù không thành công, nhưng ý tưởng táo bạo của ông cũng chính là sự khởi đầu cho huyền thoại về Đoàn tàu không số Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.
Đoàn 559, dưới sự chỉ huy của ông sớm ra đời, từng bước phát triển vượt bậc, tạo nên kỳ tích của Tuyến đường Trường Sơn. Cuối tháng 4-1962, ông cùng một số đồng chí chỉ huy Đoàn 559 ra Hà Nội báo cáo. Vào một buổi trưa tháng 5-1962, ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Văn phòng Quân ủy Trung ương. Bác ân cần căn dặn ông: “Các chú phải tận dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển đường Tây Trường Sơn, sắp tới phải đưa ô tô vào. Nhưng cũng phải chủ động phát triển đường Đông Trường Sơn, có đường chính, đường dự bị và phòng khi tình hình ở Lào không thuận lợi cho ta”(1)…
Tính đến hết mùa khô 1964 - 1965, Đoàn 559 đã trải qua 6 năm thực hiện sứ mệnh là cầu nối giữa hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam và Lào. Từ chập chững những bước đi đầu tiên, Đoàn thiết lập được tuyến hành lang giao liên vận chuyển, kết hợp giữa gùi thồ thô sơ, ô tô, đường sông với chiều dài hơn 2.000km, từ miền Tây Quảng Bình đến ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia; đưa được hơn 3.000 tấn vũ khí, trang bị vào chiến trường, hơn 12.000 cán bộ, chiến sĩ vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu; góp phần làm nên những chiến thắng: Vạn Tường, Đồng Xoài, Ba Gia, Bình Giã, Plâyme…
Mùa hè năm 1966, sau khi hoàn thành nhiệm vụ mở Đường 20 hay còn gọi là Đường Quyết thắng giành thắng lợi, sau 7 năm gắn bó với Trường Sơn gian khổ và khốc liệt, do bị bệnh, ông được đưa ra Hà Nội chữa bệnh. Sau khi bệnh tình ổn định, ông được phân công làm Chính ủy Đoàn 559 và trải qua nhiều cương vị công tác cho đến nghỉ hưu năm 1980. Năm 1974, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.
Thiếu tướng Võ Sở - nguyên Phó tư lệnh về chính trị Binh đoàn 12 khi đánh giá về thủ trưởng của mình đã khẳng định: "Bộ đội Trường Sơn mang trên vai trách nhiệm mà Đảng, nhân dân, Quân đội giao cho. Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, đã cho tuyến chi viện chiến lược không một ngày gián đoạn. Tất cả cùng nhau bám trụ, chiến đấu kiên cường chống lại sự đánh phá ngăn chặn khốc liệt của máy bay Mỹ. Đoàn 559 có được thành quả đó có công rất lớn của Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559 - Võ Bẩm"(2).
Nhìn nhận về người chỉ huy của mình, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 515 Công binh, Đoàn 559 cho biết: “Ấn tượng của cánh lái xe chúng tôi ngày ấy về Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 559 Võ Bẩm là ông rất sâu sát, tỉ mỉ, quyết đoán… Chúng tôi được biết đến ông là người 'khai sơn phá thạch' đường Trường Sơn huyền thoại. Ông là người đầu tiên xoi đường, lập trạm. Ông cũng là người mạnh dạn báo cáo cấp trên “lật cánh” sang Tây Trường Sơn và ông cũng là người kiên trì phương thức vận chuyển bằng cơ giới. Nói đến Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không thể không nói đến ông - Vị tướng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Bẩm".
Đại tá, TS NGUYỄN VĂN QUYỀN (Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam)
------------------------------------
(1) Dẫn theo: Thiếu tướng Võ Bẩm, Mở đường Trường Sơn - Đường mang tên Bác, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Binh đoàn 12, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đường Hồ Chí Minh khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.87.
(2) Dẫn theo: Thiếu tướng Võ Bẩm, Mở đường Trường Sơn - Đường mang tên Bác, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Binh đoàn 12, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đường Hồ Chí Minh khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.98-99.
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.