Vốn ở quê hương thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, ngôi nhà cũ năm xưa của Đại tướng sinh sống bị bom Mỹ đánh sập, để lại đống gạch vụn đổ nát, hoang tàn. Năm 1978, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy Nguyễn Tư Pháp cùng Ban Thường vụ Huyện ủy chủ trương xây dựng ngôi nhà lưu niệm trên mảnh đất năm xưa của gia đình Đại tướng. Huyện ủy Lệ Thủy đã tìm tư liệu hình ảnh về ngôi nhà cũ của gia đình Đại tướng, huy động kinh phí, ngày công để làm nhà lưu niệm. Khi chủ trương vừa ban hành, cán bộ, nhân dân huyện Lệ Thủy phấn khởi, tích cực hưởng ứng. Người thì ủng hộ kinh phí, người thì ủng hộ ngày công nên trong thời gian ngắn ngôi nhà lưu niệm Đại tướng đã hoàn thành. Ngày khánh thành ngôi nhà, vì bận công việc Đại tướng không về dự lễ được, chỉ có chị Võ Thị Lài, em ruột của Đại tướng về dự. Đại tướng xúc động gửi điện cảm ơn lãnh đạo và nhân dân huyện Lệ Thủy đã xây dựng nhà lưu niệm, món quà tri ân quý giá đối với gia đình Đại tướng.

leftcenterrightdel
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Thường trực huyện ủy Lệ Thủy bàn sửa lại Nhà lưu niệm. Ảnh tư liệu.

Chị Võ Thị Lài sau lễ khánh thành đã gọi điện cho Đại tướng, kể: “Ngôi nhà hiện nay đẹp và khang trang hơn nhà trước nhiều anh ạ. Mái nhà có dạng vỏ cua, tường nhà xây kiên cố, sàn nhà được lát đá hoa rất đẹp”. Nghe xong, Đại tướng nói: “Làm như vậy tốn kém cho huyện nhà quá, mà cũng không cần thiết, chỉ làm đơn sơ thôi, phải giữ lại nguyên trạng của ngôi nhà gia đình mình trước đây em ạ”. Chị Lài, nói với Đại tướng: “Vậy, anh nói với họ sửa lại cho giống ngôi nhà ngày xưa đi”.  

Năm 1999, Đại tướng về quê và cùng Huyện ủy Lệ Thủy bàn sửa lại ngôi nhà. Năm 2000, ngôi nhà chỉ giữ lại bộ khung của ngôi nhà gỗ, đá hoa lát sàn thì đào lật lên, thay cho sàn nhà là nền xi măng; trần nhà bị tháo gỡ. Nội thất bàn ghế trong nhà được phục dựng lại như xưa.

leftcenterrightdel
 Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi được phục dựng lại. 

Năm 1978, Nhà lưu niệm đã xây xong nhưng trong nhà chỉ đặt bát hương thờ ba, mẹ Đại tướng, không có ai trông coi. Đại tướng liền điện cho người cháu là Võ Đại Hàm nhờ về trông coi nhà lưu niệm. Ông Võ Đại Hàm xúc động kể lại: Ngày đó Đại tướng bảo tôi về trông coi nhà lưu niệm. Đại tướng yêu cầu tôi khi có khách đến chơi nhà thì phải cung cấp thông tin chính xác, đúng sự thật. Cái gì mình chưa biết, thì mình khất họ lại”. Ông Võ Đại Hàm đã làm theo lời căn dặn của Đại tướng, từ đó cho đến bây giờ.

Sau khi Đại tướng mất, ngôi nhà lưu niệm đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho bao thế hệ, đúng như lời Đại tướng từng dặn người cháu. Nhiều đoàn cán bộ lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh đến thăm nhà lưu niệm, thắp hương kính viếng Đại tướng. Các cháu học sinh ở quanh vùng được các giáo viên dẫn đến ngôi nhà lưu niệm tìm hiểu, thắp hương kính dâng lên Đại tướng. Đại diện các đoàn đã viết lên những cảm xúc của mình lên nhiều cuốn sổ lưu niệm to dày đặt ở bàn thờ Đại tướng.

leftcenterrightdel
Ông Võ Đại Hàm thắp hương kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp 

Tháng 10-2020, cơn lũ lớn đã tàn phá nặng nề trên địa bàn, phá hỏng ngôi nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Toàn bộ kết cấu ngôi nhà, vật dụng và nhiều kỷ vật quý giá đã bị nước cuốn trôi và làm hư hại. Ngay sau khi nước rút, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Lệ Thủy và Bộ  CHQS tỉnh Quảng Bình đã đến, kịp thời huy động bộ đội, đoàn viên thanh niên khẩn trương khắc phục hậu quả, dọn vệ sinh.

Được sự đồng ý của gia đình Đại tướng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã tìm mời một đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực phục dựng, tôn tạo các di tích ở Huế, tiến hành khảo sát, đánh giá, lập phương án, dự toán kinh phí để phục dựng và tôn tạo theo đúng nguyên trạng. Tháng 11-2020 bắt đầu tiến hành xây dựng và đến tháng 5-2021, công trình đã hoàn thành khang trang, giữ được nét cổ kính, theo cấu trúc nguyên trạng của ngôi nhà trước đó.

Đứng trước căn nhà nhỏ của Đại tướng, trong lòng tôi dâng lên niềm xúc động và tự hào. Trải qua bao nhiêu năm, với tấm lòng của cán bộ, nhân dân Quảng Bình và cả nước, ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được gìn giữ, đơn sơ, giản dị như chính cuộc đời của ông. Đây sẽ mãi mãi là địa chỉ đỏ để mọi người dân Việt Nam đến tham quan, tìm hiểu và tưởng nhớ.

Bài, ảnh: TRẦN VĂN BÌNH