Cục Tác chiến là cơ quan tham mưu chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu về nhiệm vụ tác chiến, phải thường xuyên kiến nghị những vấn đề cần làm và những việc cần khắc phục để bảo đảm cho lực lượng vũ trang luôn sẵn sàng chiến đấu. Hồi ấy, Cục Tác chiến được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch bảo vệ an ninh chính trị-bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, anh Thanh cùng với nhóm trung tâm đi khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, các tuyến biên giới, ra Trường Sa để nghiên cứu địa hình, những vấn đề về kinh tế-xã hội... làm cơ sở xây dựng kế hoạch. Với công việc, anh Thanh luôn sâu sát, tỉ mỉ như vậy nên khi xảy ra tình huống về an ninh chính trị, Cục Tác chiến do anh chỉ đạo luôn chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp trên các giải pháp hiệu quả.
Nhìn xa trông rộng là phẩm chất tư duy của cán bộ lãnh đạo và cán bộ tham mưu chiến lược. Khi làm kế hoạch tham mưu chiến lược, bao giờ đồng chí Phùng Quang Thanh cũng nghĩ đến các bước tiếp theo, dự kiến các tình huống có thể xảy ra và đặt mình vào thời điểm đó để suy nghĩ đến các vấn đề cần phải giải quyết, dự đoán đối phương sẽ phản ứng như thế nào để đưa ra các biện pháp tác chiến hiệu quả. Có lần, 10 giờ đêm, anh Thanh gọi tôi vào sở chỉ huy, chỉ vào một khu vực trên bản đồ nơi gần biên giới và nói: “Anh là trưởng phòng chiến trường, địa hình chỗ này nắm chắc hơn tôi. Anh thấy ở đây có sản xuất được không, chỗ này thì nên trồng cây gì?”. Tôi hơi bất ngờ vì thấy câu hỏi dường như không ăn nhập gì với kế hoạch quân sự mà cơ quan đang chuẩn bị. Anh giải thích: “Nếu chiến sự xảy ra thì phải sơ tán dân về đây, và phải tính trước các khu vực bố trí nơi ở và sản xuất để ổn định đời sống cho nhân dân”. Như vậy là anh đã tính đến cả vấn đề an sinh để củng cố thế trận quốc phòng.
    |
 |
Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền (người đứng) vai Tham mưu trưởng chiến dịch, báo cáo đồng chí Phùng Quang Thanh (ngồi bên trái) vai Tư lệnh chiến dịch trong cuộc diễn tập chiến dịch-chiến lược cấp Bộ Quốc phòng (năm 2002). Ảnh tư liệu |
Là Cục trưởng, Bí thư Đảng ủy nhưng trong công việc anh Thanh không bao giờ áp đặt ý kiến cá nhân mà thường nghe ý kiến đóng góp của các cán bộ, trợ lý cơ quan rồi phân tích kỹ trước khi kết luận thành văn bản gửi cấp trên. Khi làm Tổng Tham mưu trưởng và Bộ trưởng cũng vậy, trong các cuộc diễn tập chiến dịch, chiến lược, sau khi nghe các đơn vị báo cáo, bao giờ anh cũng muốn nghe ý kiến của đại diện các cơ quan Bộ Quốc phòng phát biểu, rồi mới kết luận, đưa ra ý kiến chỉ đạo. Sau này, khi thay anh Thanh làm Cục trưởng Cục Tác chiến, tôi thường nói với anh em cán bộ: “Miệng chỉ huy, đầu trợ lý” chính là học ở anh Thanh phương pháp công tác dân chủ để phát huy trí tuệ tập thể.
Là người chỉ huy cơ quan tác chiến, đồng chí Phùng Quang Thanh luôn chú ý xây dựng và nâng cao năng lực làm việc cho cán bộ, cải thiện điều kiện ăn nghỉ, làm việc cho cơ quan, quan tâm đến hoàn cảnh, đời sống cán bộ, chiến sĩ. Khi làm cục trưởng, anh Thanh yêu cầu đồng chí trợ lý chính trị cung cấp danh sách, địa chỉ gia đình cán bộ, chiến sĩ trong cục rồi anh lần lượt đi thăm từng gia đình, hiểu rõ hoàn cảnh từng đồng chí để động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ hoàn thành nhiệm vụ. Ngày lễ, Tết, anh dành thời gian đến thăm các đồng chí chỉ huy cục qua các thời kỳ, tham khảo ý kiến về công việc. “Phong tục” do anh Thanh tạo lập đến giờ vẫn được anh em Cục Tác chiến duy trì. Khi anh Thanh nghỉ hưu, mỗi dịp gặp mặt nhân Ngày truyền thống Cục Tác chiến, anh Thanh vẫn nhớ rõ tên tuổi, hoàn cảnh, chỗ ở của từng anh em trong cơ quan.
Trong lĩnh vực đối ngoại quốc phòng và quân sự, đồng chí Phùng Quang Thanh luôn nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc” để vận dụng trong công tác. Với các nước bạn bè truyền thống, đồng chí Phùng Quang Thanh luôn thể hiện sự chân thành, đoàn kết trong các chuyến thăm hữu nghị hoặc làm việc, trao đổi kinh nghiệm công tác, nên được bạn tin cậy. Ngược lại, những vấn đề về độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam thì anh kiên trì giải thích và kiên quyết bảo vệ. Sau này, trên cương vị người đứng đầu Bộ Tổng Tham mưu, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi thấy anh luôn thể hiện nhất quán lập trường đó.
Nhiều cán bộ của Cục Tác chiến đã phấn đấu, phát triển trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, để lại tấm gương về phẩm chất tốt đẹp cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cục Tác chiến học tập, noi theo. Và Đại tướng Phùng Quang Thanh là một trong những tấm gương tiêu biểu.
Thiếu tướng NGUYỄN NHƯ HUYỀN (nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu)