Trong đó có nhiều nhà phê bình, nhà văn, nhà báo nổi tiếng. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trân trọng giới thiệu bài viết cảm nhận về cuốn sách của nhà thơ, nhà báo Hải Đường-nguyên Ủy viên Bộ Biên tập, Báo Nhân Dân.

Trong 300 trang viết của Thẳm sâu miền ký ức tôi đọc lên như thấy mình, thấy cả thế hệ, cả một giai đoạn lịch sử trong đó. Tác giả là một Trung tướng, nhưng hình như ông rất ngại khi nói đến vị thế của mình. Ở một vài thời điểm liên quan những vấn đề lịch sử, ông buộc phải nhắc đến cá nhân mình, nhưng lướt qua rất nhanh. Cốt truyện, mạch truyện, hành văn không khác mấy so với một cuốn tiểu thuyết. Nhân vật (tôi và đồng đội tôi) cũng có da có thịt, rõ tính cách, hình hài. Những mâu thuẫn, xung đột, bi kịch, cao trào nhiều đoạn được đẩy tới khiến người đọc hồi hộp, lo âu, thương cảm, ứa nước mắt!

leftcenterrightdel
Trung úy Nguyễn Mạnh Đẩu khi ở chiến trường. 

Sách gồm chín phần, với hai mảng chủ đạo: Quê hương, gia đình; cuộc chiến đấu trên các chiến trường ác liệt, từ trận đầu thử lửa ở Lào, đến Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đường 9-Nam Lào. Có thể nói đó là những mặt trận mặt ác liệt, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất. Có những câu chuyện bi tráng tôi đã nghe, thậm chí đã học từ những năm còn là cậu học trò trên ghế nhà trường, nay được đọc từ lời kể của Nguyễn Mạnh Đẩu, về chính bản thân anh.

Xin điểm qua: Trốn cha đi bộ đội, viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi mới 16 tuổi; cấp trên tuyên bố kết nạp Đảng ngay tại chiến hào sạm sầm khói lửa, sống chết trong gang tấc; lại chính là người cán bộ  cấp phân đội ấy có lần dám “cãi” cả cấp trên để bảo đảm an toàn, chắc thắng; rồi có lần “tao ngộ chiến” không chỉ cách địch 30 mét mà trận ấy khi đi tiềm nhập trong đêm tối chỉ cách tên lính địch mấy gang tay; chứng kiến sự hi sinh anh dũng, ôm xác đồng đội trong vòng tay; bị mảnh đạn xuyên thủng phổi, mũi, miệng ộc máu vẫn cố sức dặn lại đồng đội: “Xốc lại đội hình, bằng mọi giá phải dứt điểm sớm, chập chờn là chết cả!”. Lại có cả chuyện buồn, cây bút chân thực của người lính đặc công đã không né tránh khi đơn vị có người không chịu nổi gian khổ đã ra chiêu hồi, tiếng loa ọt ẹt trên trực thăng kêu gọi anh em ra… hàng.

Vốn sống chiến trường như những tảng đất còn sém lửa khói được Nguyễn Mạnh Đẩu đưa vào trang viết. Những tảng đất lấy từ Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn, từ đất bạn Lào, từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; những địa danh ghi dấu bao chiến công đã đi vào thơ, vào nhạc: Đường 9- Khe Sanh, Đông Hà, Ái Tử, Đầu Mầu, suối La La, sông Ba Lòng… Những tảng đất lấy từ những đêm trinh sát của người lính đặc công, vừa đi vừa xóa dấu vết. Có anh lính “ngược đời” sau khi trinh sát xong lúc quay ra đã đưa hai chân ra trước mà nhích dần. Ai hay đó chính là bài học ngược “đuôi xuôi - đầu lọt”, bài học được một người lính thông minh, gan dạ đúc kết. Những tảng đất bị rang bỏng thấm máu đồng đội. Trong một chiến đấu ác liệt, đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn đã ôm lấy hai vai người lính dũng cảm: “Còn mấy ngày nữa mới tổ chức lễ kết nạp, nhưng hôm nay với tư cách Bí thư Đảng ủy tiểu đoàn, tôi chính thức tuyên bố, từ giờ phút này, đồng chí Nguyễn Mạnh Đẩu trở thành đảng viên!” (tr172).

leftcenterrightdel
Tập ký "Thẳm sâu miền ký ức" của tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu.

Còn rất nhiều những trang viết sống động như thế, cái sống động của thời khắc sinh tử, một mệnh lệnh ngắn, một cái khoác tay, một ánh mắt nhìn đều quyết định đến thắng lợi hay thất bại của trận đánh, đến sinh mạng của hàng trăm con người. Tác giả viết: “Một quả pháo nổ ngay cạnh hầm tôi, phía trước hầm chỉ huy. Chợt nghe tiếng kêu từ phía trước hầm chỉ huy, tôi nhảy ra khỏi hầm, giữa mịt mù khói đạn cay sè, khét lẹt.

Tới cửa hầm, tôi thấy Thiên nằm sõng soài, đầu vỡ, máu lênh láng. Lao vào trong hầm tôi thấy Trần đã gục xuống tấm bản đồ. Cạnh đó, anh Lan, anh Cảnh, anh Đào đang lả đi vì bị sức ép, bị ngạt”, (tr188). Rồi đến lượt Chính trị viên Đại đội 20 đặc công Nguyễn Mạnh Đẩu bị thương nặng, không một ai nghĩ anh có thể qua khỏi. Trong lúc chỉ huy đơn vị tấn công vào hai lô cốt gần đầu cầu, một loạt đạn tiểu liên AR-15 của địch nhằm vào anh. Viên đạn găm vào phổi làm thủng phế quản. Thế rồi đồng đội kịp thời cầm máu, băng bó và đưa anh về tuyến sau, cáng bộ 10 ngày liền, qua 10 trạm giao liên. Không hiểu sức mạnh nào đã giúp anh vượt qua cái chết ?

Chiến tranh là thế. Dữ dội. Gấp gáp. Căng thẳng. Thiếu gạo, thiếu muối, thiếu nước. Nhưng không thiếu tình đồng đội. Không thiếu những phút giây thư thái, có phần lãng mạn của những người lính mới trên dưới 20 tuổi, chưa một lần cầm tay người con gái, “lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai”. Trong Thẳm sâu miền ký ức có những trang viết nhẹ nhõm, trong sáng, đậm dấu ấn của những chàng lính trẻ măng tơ. Nhiều đoạn, tác giả tả và kể khá sinh động về phong cảnh Trường Sơn, bến nước, bờ lau, đêm trăng, mái lán, câu hò, những bồi hồi nhung nhớ, những lá thư, những bài thơ tình vụng dại. Đây là khung cảnh Trường Sơn: “Mùa khô trời nắng chói chang. Đi giữa rừng khộc trụi lá, cành trơ xác xơ, gầy guộc. Những chiếc lá khộc khô giòn to như những chiếc bánh đa nhỏ, bước lên gãy vỡ vụn. Cả ngày đi có khi không tìm nổi một chỗ nước uống. Mùa mưa thì mưa xối xả suốt ngày đêm. Cây cối tốt tươi.

Lính ta thỏa sức hái măng trên cây và đào măng củ… Có đêm hành quân trải bạt ngủ bên suối cạn. Đang đêm trời đổ mưa to, lũ tràn về, không kịp chạy dễ bị nước cuốn trôi. Mùa mưa đầy nhựa sống...” (tr130). Có bao câu chuyện bi tráng trên đường Trường Sơn? Bao nhiêu hy sinh và may mắn? Có một chi tiết về chiếc giường của bà mẹ Oanh ở xã Tân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) nghe như huyền thoại. Trên đường vào Nam, ra Bắc bao nhiêu người đã nghỉ lại đây? Trên chiếc giường gỗ đơn sơ ấy có ba người lính được mẹ nâng giấc, cùng ngủ trên chiếc giường ấy sau này đã trở thành tướng lĩnh. Đó là Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật và Trung  tướng Vũ Cao, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu. Ai đó đã nói rằng, không có bảo tàng nào lưu giữ được hết thảy, ngoại trừ trí dân, lòng dân.  Người dân ở các vùng đất bom cày đạn xới, nơi cửa ngõ chiến trường ghi sâu trong lòng biết bao câu chuyện cảm động, bao nhiêu bí mật của chiến tranh.

Xuyên suốt câu chuyện trải dài 45 năm trong quân ngũ đọng lại ở hai chữ nghĩa tình, ở bài học làm người. Ở chiến trường và sau này khi đã có danh phận, Nguyễn Mạnh Đẩu khôn nguôi nhớ về các bậc sinh thành. Người mẹ tảo tần quê làng Đại Xá, Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An đã mất khi mới ngoài 40 tuổi vì nghèo khó, bệnh tật trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Khi Đẩu đi bộ đội mẹ thương lắm, nuốt nước mắt vào lòng, đưa con 7 đồng bạc trong số 12 đồng mới bán trái cây trong vườn. Người cha vốn là chiến sĩ Điện Biên Phủ, là người kết hợp hài hòa giữa tư đức và công đức. Ông thuộc nhiều danh ngôn truyền thế của Đạo Nho. Nhưng điều ông dặn đã thấm vào người con trưởng Nguyễn Mạnh Đẩu: “Phụ tử, tử hiếu” (Cha thì phải hiền từ. Con thì phải hiếu thảo); “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì chớ làm với người khác)…Đó là những bài học vỡ lòng về làm người, làm một người lính cho ra người lính.

Nghĩa tình ấm áp, nghĩa tình trăn trở qua từng trang viết. Mỗi lần có dịp đi đến đâu, Nguyễn Mạnh Đẩu bao giờ cũng dành thời gian ghé thăm đồng đội cũ. Đồng đội đã hy sinh thì thăm con cháu họ. Cuối năm 1971, sau khi vết thương lành, sức khỏe hồi phục, anh mượn chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi qua mấy huyện ở tỉnh Thái Bình, Hưng Yên thăm gia đình đồng đội. Có gia đình biết con đã hy sinh cứ ôm chầm lấy anh thương binh ấy mà khóc, dặn rằng: Con ơi, bận đến đâu thì thi thoảng cũng nhớ về thăm thầy u. Thầy u coi con như em nó!

leftcenterrightdel
Một số tác phẩm đã xuất bản của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu. 

Nhưng có lẽ điều Nguyễn Mạnh Đẩu day dứt nhất là cho đến giờ này còn nhiều ngôi mộ liệt sĩ đồng đội chưa tìm được. Các anh ở đâu trong hoang vu rừng già, khe núi? Ông nhớ đến bác sĩ Lợi ở Binh trạm 29 Trường Sơn - người đã cứu ông trước ranh giới mong manh, đến bây giờ mỗi lần mảnh đạn trong phổi khiến lồng ngực đau buốt. Ông lại nhớ tới bác sĩ bác sĩ Thọ, bác sĩ Yến, bác sĩ Bích và rất nhiều thầy thuốc ở Quân y viện 108 đã cứu mình. Viết xong cuốn sách này, người thương binh ấy đã nhẹ lòng đôi phần. Ông tâm sự: Biết bao nghĩa nặng ơn sâu tôi gửi gắm trong Thẳm sâu miền ký ức. Tôi đã nhiều năm làm ở Cục Chính sách mà chưa tìm ra được những lời hay nhất, đẹp nhất để nói về tình nghĩa của những ân nhân đã quên cả mạng sống của mình mang lại sự sống cho biết bao người. Xin gửi tới các anh chị, các đồng chí thân yêu một lời cảm tạ!

Nhà thơ HẢI ĐƯỜNG