Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn mẫn tuệ nên thường được đồng đội đề cử là người phát biểu đại diện trong các cuộc gặp mặt truyền thống.
“Cuộc đời quân ngũ của tôi có nhiều gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên. Nơi đây đã chứng kiến niềm vui chiến thắng và cả nỗi buồn mất mát sau những trận đánh không thành công của chúng tôi”- vị tướng nổi tiếng đức độ, dạn dày trận mạc cho biết. Trong câu chuyện của ông, trận đánh tiêu diệt căn cứ Tân Cảnh (Kon Tum) tháng 4-1972 là một trong những trận đánh đáng nhớ nhất.
Căn cứ Tân Cảnh (hay còn gọi là căn cứ 42) được Mỹ, ngụy xây dựng làm trung tâm chỉ huy tập đoàn phòng ngự phía Bắc Tây Nguyên. Đây vừa là căn cứ hậu cần vừa là nơi xuất phát hành quân của địch ra ngã ba biên giới bao gồm sở chỉ huy Sư đoàn 22 ngụy, khu cố vấn Mỹ và sở chỉ huy các trung đoàn: 42, 14 thiết giáp; tiểu đoàn xe tăng M41 và tiểu đoàn pháo binh với tổng quân số ước tính khoảng 2.000 tên. Tháng 4-1972, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) quyết định sử dụng Trung đoàn 66 được tăng cường lực lượng đặc công, xe tăng và sự chi viện của pháo binh thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Tân Cảnh và giải phóng thị trấn Tân Cảnh.
“Trung đoàn 66 lúc bấy giờ gồm 3 tiểu đoàn và 8 đại đội trực thuộc do tôi là Trung đoàn trưởng, Chính uỷ là đồng chí Lưu Quý Ngữ chỉ huy. Khoảng 15 giờ ngày 22-4, Bộ tư lệnh Mặt trận lệnh cho các cụm pháo binh chiến dịch bắn phá các mục tiêu bên trong căn cứ Tân Cảnh. Cả khu vực chìm trong khói lửa và tiếng gầm của đạn pháo quân ta. Bộ đội từ các hướng tiến công thuận lợi. Trước sức mạnh của quân ta, Đại tá Tôn Thất Hùng được tướng Ngô Du, Tư lệnh Quân đoàn 2, Quân khu 2 ngụy cử lên cùng sư đoàn 22 "tử thủ" ở Tân Cảnh vội bám theo máy bay của Mỹ trốn chạy về Pleicu. Hắn bỏ mặc sư đoàn 22 ở lại đối phó trong căn cứ Tân Cảnh. Tôi lệnh cho Tiểu đoàn 9 tiến công Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 42 ngụy ở Đồi Chùa. Tiểu đoàn 2 ngụy nhanh chóng bị tiêu diệt, ta thuận lợi phát triển vào hướng chính phía đông. Nhưng rất tiếc trong quá trình chiến đấu, đồng chí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 hy sinh”, đồng chí Phùng Bá Thường kể.
Cho đến đêm 23-4-1972, từ các vị trí tạm dừng bí mật, xe tăng và pháo tự hành của ta cũng tiến về cửa mở phía đông Tân Cảnh. Trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường lệnh cho Tiểu đoàn 9 (lúc này có thêm Trung đoàn phó Phạm Minh Dần đi cùng) phối hợp nổ súng đánh địch, giải phóng thị trấn Tân Cảnh. Quân địch đang hoang mang về sự xuất hiện bất ngờ một lực lượng lớn bộ binh của ta ở hướng đông, nay đột ngột thêm mũi vu hồi mạnh của xe tăng ta cũng về hướng này lại càng hoảng loạn.
    |
 |
Trung đoàn 66 làm chủ căn cứ 42-Tân Cảnh tháng 4-1972. Ảnh tư liệu. |
Cùng lúc với tiếng súng đánh địch trong thị trấn Tân Cảnh, ở các hướng khác đã được xác định, lực lượng của ta cũng phát triển thuận lợi. Riêng ở phía bắc địch chống trả quyết liệt, một số chiến sĩ bộc phá hy sinh. Nhưng với quyết tâm chiến đấu cao, người này ngã xuống đã có người khác xông lên quyết phá những lớp rào cuối cùng. “Trước sức ép tiến công của ta, quân địch trong căn cứ cũng ra sức chống trả. Cuộc chiến đấu càng về sau càng diễn ra quyết liệt. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí bị thương vẫn không rời trận địa. Tôi cùng một số cán bộ cơ quan của trung đoàn đã có mặt trong căn cứ, trực tiếp chỉ huy bộ đội đánh chiếm sở chỉ huy địch”, Thiếu tướng Phùng Bá Thường nhớ lại.
Cho đến trưa 24-4, Trung đoàn 66 hoàn toàn làm chủ căn cứ Tân Cảnh. Lá cờ giải phóng được kéo lên trên đỉnh cột cờ tại trung tâm sở chỉ huy Sư đoàn 22 ngụy. Chiến thắng Tân Cảnh đã giải phóng một khu vực rộng lớn ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, mở ra địa bàn quan trọng, tạo thế và lực cho các lực lượng vũ trang Tây Nguyên mở rộng vùng giải phóng trong những năm tiếp theo. Hơn nửa thế kỷ công tác trong quân đội, dù đã trải qua nhiều vị trí công tác nhưng mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc chiến thắng tháng Tư năm ấy, Thiếu tướng Phùng Bá Thường-người trung đoàn trưởng can trường năm nào không khỏi tự hào. Cùng với các lực lượng, bộ đội Trung đoàn 66-Mặt trận B3 dưới sự chỉ huy của ông đã chiến đấu dũng cảm, viết tiếp trang vàng chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam.
BÍCH TRANG