Hơn 40 năm trông coi nhà Đại tướng
Ông Võ Đại Hàm, sinh năm 1943, gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông (cụ nội của ông Võ Đại Hàm là anh ruột của bố Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Bố ông Hàm và hai bác ruột là những liệt sĩ đầu tiên của huyện Lệ Thủy, hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1947, ông Hàm sống với cô ruột từ nhỏ. Thương hoàn cảnh, cuối năm 1954, bà Nguyễn Thị Kiên, mẹ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và em gái của Đại tướng là bà Võ Thuận Nho làm giấy tờ đưa Võ Đại Hàm ra Hà Nội học tập. Lúc đầu, ở nhà bác Nho tại số 28, phố Trần Hưng Đạo, thấy có nhiều xe cộ qua lại, sợ mất an toàn nên bà Kiên đưa Võ Đại Hàm về nhà bác Giáp ở số 30 Hoàng Diệu để sinh sống. Những năm tháng ở cùng gia đình Đại tướng là những kỷ niệm không bao giờ quên đối với ông Hàm. Trong những bữa ăn, Đại tướng khuyên răn con cháu giữ phép lễ nghĩa, không trông chờ ỷ lại mà phải luôn tự mình phấn đấu.
 |
Ông Võ Đại Hàm luôn giữ gìn nếp nhà Đại tướng suốt hơn 40 năm qua. |
Năm 1966, ông Hàm đang học ở Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), xảy ra cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, ông về nước vào học ở Đại học Bách khoa Hà Nội; tốt nghiệp ra làm ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Năm 1978, Huyện ủy Lệ Thủy dựng lại ngôi nhà nơi gắn liền với tuổi thơ của Đại tướng. Trước đó, cuối tháng 3-1947, thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng và đến năm 1948 thì đánh chiếm vùng Lệ Thủy. Ngôi nhà cũ của gia đình Đại tướng được làm từ Thế kỷ 18 bị địch đốt phá tàn lụi, chỉ còn mỗi cây khế trong vườn. Chính nhờ cây khế này, người ta mới xác định được vị trí chính xác để phục dựng ngôi nhà trên nền đất cũ.
Ông Võ Đại Hàm kể rằng, ngày ấy, quê hương Đại tướng nghèo lắm, trân quý người con lỗi lạc của Lệ Thủy, người dân ở các xã trong huyện cùng nhau góp sức người, sức của xây dựng lại ngôi nhà trên nền đất cũ giống như ngôi nhà bị thực dân Pháp đốt năm 1948. Nhà dựng xong phải có người trông coi, không phiền đến chính quyền địa phương, năm 1978, ông Võ Đại Hàm về quê gìn giữ nếp nhà, hương khói cho tổ tiên.
Hơn 40 năm qua, người đàn ông vai gầy, mình hạc Võ Đại Hàm trông coi căn nhà - là hơi thở quê hương của Đại tướng. Trên khu đất rộng 2.500m2 hiện nay, dựng một ngôi nhà gỗ chính và ngôi nhà ngang với tổng diện tích 110m2. Hàng chè the hai bên ngõ được bàn tay ông Hàm cắt xén thẳng tắp. Những kỷ vật được người dân tặng, như: Bức ảnh, cuốn sách, phong thư chữ nho viết trên giấy dó... ông Hàm đều nâng niu, trân trọng giữ gìn.
“Trước năm 2019, khi chưa có dịch Covid-19, người dân bốn phương về đây tham quan khá đông, mỗi ngày, có gần một nghìn người vào thăm. Tôi vẫn nhớ như in, hai phụ nữ người Pháp có ông nội từng là lính viễn chinh Pháp tham gia tại chiến trường Việt Nam đến tham quan, họ đã bất ngờ vì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng nổi tiếng, lừng danh thế giới, từng chỉ huy quân đội đánh bại cha ông của họ và cả những nước đế quốc sừng sỏ lại sinh ra và lớn lên trên nếp nhà đơn sơ, ở một miền quê mộc mạc đầy nắng và gió này. Sự tò mò và lòng ngưỡng mộ khiến họ lưu lại một tuần ở Lệ Thủy để tìm hiểu về cuộc sống và con người nơi đây” - Ông Hàm tâm sự.
Hương vị quê nhà của Đại tướng
Làng An Xá bên dòng Kiến Giang thơ mộng - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm. Từ những năm 1980, nhận được tin Đại tướng về thăm nhà là ông Võ Đại Hàm liền chuẩn bị nồi cá quả kho tộ, canh cá rô đồng nấu khế chua, rau muống, cà pháo,... Ông Hàm kể rằng, lúc nhỏ, Đại tướng được ăn canh cá mẹ nấu với những quả khế trước sân nhà. Sau này, Đại tướng vẫn thích thưởng thức hương vị quê nhà ấy. Cây khế gắn liền với tuổi thơ của Đại tướng, mỗi lần về quê, Đại tướng lại đứng thật lâu dưới cây khế nay đã hơn 100 năm tuổi ấy và kể về thời gian tham gia bãi khóa ở Trường Quốc học Huế, sau đó bị đuổi học vào năm 1927. Về quê, Đại tướng đã thành lập Hội đọc sách kín dưới gốc khế để tập hợp thanh niên, truyền bá lòng yêu nước, con đường làm cách mạng.
 |
Mỗi sáng thức dậy, ông Võ Đại Hàm lại thắp nén hương thơm tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Trong phòng khách nhà bà Võ Thị Nghĩa ở làng An Xá, treo trang trọng bức ảnh khổ lớn vợ chồng bà với Đại tướng. Không chỉ bà Nghĩa mà nhiều gia đình khác ở làng An Xá, có ảnh người thân chụp chung với Đại tướng, họ phóng ảnh to treo trong nhà. Nhiều gia đình còn lập bàn thờ bên cạnh bàn thờ gia tiên để tưởng nhớ, thờ Đại tướng. Nay đã ngoài 90 tuổi, bà Võ Thị Nghĩa vẫn nhớ những lần Đại tướng về thăm nhà: “Tôi còn nhớ những lần về quê, bao giờ Đại tướng cũng dừng xe ở đầu làng cách nhà khoảng 700 mét, rồi đi bộ về. Mỗi lần nghe tin Đại tướng về quê là cả làng An Xá vui như mở hội, họ diện những bộ quần áo mới nhất để ra đi bộ cùng Đại tướng về nhà. Các cụ trong làng đến chuyện trò rôm rả từ sáng đến đêm khuya, có những hôm đến 1-2 giờ sáng. Rồi những câu hò khoan Lệ Thủy: “Là hỡi anh ở chừ, em đố anh trong trăm thứ dầu, có dầu chi là không thắp/trong trăm ngàn thứ bắp có bắp chi là bắp không rang...”, được các cụ cất lên rất mượt mà. Sau này, khi tuổi đã cao, để bảo đảm sức khỏe cho Đại tướng, đến tầm 22 giờ, lãnh đạo huyện Lệ Thủy đề nghị được đưa Đại tướng về nhà khách của huyện nghỉ ngơi”.
Ông Võ Đại Hàm là người gần gũi với Đại tướng từ nhỏ, Đại tướng yêu cầu ông Hàm, khi có khách đến chơi nhà thì phải cung cấp thông tin chính xác, đúng sự thật không được tô vẽ thêm, có sao nói vậy. Với những người thân trong nội tộc, Đại tướng khuyên, dòng họ Võ mình có truyền thống cách mạng, yêu nước. Nhưng không vì có công với cách mạng mà công thần, đòi hỏi và không được tự kiêu, tự đại, phải cố gắng phấn đấu, tự lực cánh sinh, không để nghèo đói. “Theo di nguyện của bác Giáp, các thế hệ con cháu họ Võ sẽ trông coi, giữ gìn, hương hỏa trong căn nhà Đại tướng” - Ông Hàm chia sẻ.
Bài và ảnh: SƠN BÌNH