Ông Nguyễn Duy Khoa sinh năm 1954, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn Dinh Mười, xã Gia Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình). Tham gia thanh niên xung phong một thời gian, ông đi học chuyên ngành thủy lợi. Nhưng ngay sau khi tốt nghiệp, ông có lệnh gọi nhập ngũ, được biên chế về Trung đoàn 542, Quân khu 3. “Những tưởng sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, tôi sẽ vui vẻ về quê lập nghiệp, lấy vợ. Chẳng ngờ 3 tháng trước khi kết thúc, tôi bất ngờ nhận thông báo được đi đào tạo lái xe tại Trường lái xe Quân khu 3 (ở Chí Linh, Hải Dương). Vinh dự hơn là sau đó tôi được nhận nhiệm vụ lái xe riêng phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp”-ông Khoa kể.

leftcenterrightdel
Bức ảnh chụp với vợ chồng Đại tướng năm 1982 được cựu chiến binh Nguyễn Duy Khoa (ngoài cùng, bên trái) nâng niu, giữ gìn. Ảnh chụp lại. 

Đó là một ngày thượng tuần tháng 7-1979. Chiến sĩ lái xe Nguyễn Duy Khoa nhớ mãi buổi đầu tiên đến báo cáo nhận nhiệm vụ, Đại tướng đã nói: Đừng gọi tôi là thủ trưởng, thầy, chú hay bác mà hãy gọi tôi là anh xưng em, như thế cho dễ nghe, dễ làm việc và gần gũi.

Suốt 10 năm (từ 1979-1989), CCB Nguyễn Duy Khoa được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem như người thân, gắn bó với bao kỷ niệm vui buồn. Do bận công tác nên nhiều khi dù rất muốn về thăm quê hương Quảng Bình, nhưng Đại tướng không thể thực hiện được. Ông lại gọi lái xe Nguyễn Duy Khoa đi cùng để nghe giọng quê hương cho vơi nỗi nhớ. CCB Nguyễn Duy Khoa kể: “Ở nhà 30 (Hoàng Diệu, Hà Nội) khi ấy, ngoài tôi còn có hai đồng chí lái xe nữa thường xuyên túc trực. Lính lái xe có thể nói là một trong số những người gần cận thủ trưởng nhất. Vì vậy, chúng tôi luôn được Đại tướng quan tâm, chỉ bảo. Những cử chỉ, lời nói giản dị của ông, chúng tôi luôn ghi nhớ và lấy đó làm bài học về cách đối nhân xử thế. Đại tướng thường nói lời cảm ơn sau khi kết thúc mỗi chuyến đi, hay dùng từ xin lỗi vì những lần đến trễ hẹn khiến chúng tôi chờ đợi. Có việc cần chúng tôi đi thông báo cho ai đó, Đại tướng luôn nhắc: Nhớ bảo đồng chí ấy là anh Văn nhờ nhé!”. 

Năm 1989, do hoàn cảnh gia đình, lái xe Nguyễn Duy Khoa xin được chuyển ngành về quê công tác. Khi chuẩn bị rời Hà Nội, sau buổi chia tay các thành viên nhà số 30 Hoàng Diệu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn gặp riêng và căn dặn ông nhiều điều. “Hãy coi đây là ngôi nhà thứ hai của chú. Nếu ra Hà Nội thì tự nhiên vào, không cần báo cáo!”-lời dặn của Đại tướng cho đến giờ, ông Khoa vẫn nhớ mãi. 

TRÀ GIANG